"Nghẽn" vì tiêu chí thu nhập và hộ nghèo 

Năm 2022, Lào Cai phấn đấu có thêm 10 xã đạt chuẩn NTM, đưa tỷ lệ số xã đạt chuẩn NTM trên địa bàn toàn tỉnh là 72/127 xã. Tuy nhiên, đến hết tháng 8/2022, chưa có xã nào đạt mục tiêu theo kế hoạch và thậm chí đối mặt với nguy cơ lỡ hẹn “về đích” trong năm nay. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này nhưng điểm "nghẽn" chung của các địa phương trên đều thuộc về các tiêu chí thu nhập và hộ nghèo.

Theo chuẩn nghèo cũ, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Lào Cai còn trên 5%. Tuy nhiên, theo Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Lào Cai Nguyễn Trung Kiên, sau khi áp dụng chuẩn nghèo mới con số này tăng lên hơn 25%; trong đó, nhiều xã tỷ lệ hộ nghèo từ một con số tăng lên tới trên 50%.

Xã Bản Liền (Bắc Hà) đã 2 năm liên tiếp lỡ hẹn “về đích” NTM. Bí thư Đảng ủy xã Vàng A Dương lý giải, cuối năm 2020 xã còn 90 hộ nghèo, chiếm 18,3% tổng số hộ. Nhưng tính theo chuẩn nghèo đa chiều, tỷ lệ hộ nghèo của xã 342 hộ, chiếm 69,37%.

Không những vậy, từ năm 2019 đến nay, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp khiến hoạt động kinh doanh dịch vụ, tiêu thụ nông sản trên địa bàn gặp khó khăn. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến tiêu chí thu nhập. Hiện, thu nhập bình quân của người dân đạt hơn 29 triệu đồng/người/năm, trong khi quy định chuẩn NTM trong năm 2022 phải đạt 39 triệu đồng/người/năm.

Trịnh Tường là xã vùng cao, biên giới của huyện Bát Xát, mục tiêu phấn đấu sẽ về đích NTM vào cuối năm 2021. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch COVID-19, việc tiêu thụ sản phẩm chủ lực của địa phương là chuối gặp khó khăn. Nhiều diện tích chuối được người dân cải tạo, thay bằng cây trồng khác, nhưng chưa phát huy được hiệu quả. 

Phó Chủ tịch phụ trách xã Trịnh Tường Phạm Văn Hưng cho biết, trong các tiêu chí xây dựng NTM, với các xã vùng cao như Trịnh Tường, thì một trong những tiêu chí khó khăn nhất đó là tiêu chí hộ nghèo. Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã đã tập trung với nhiều giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, nhằm từng bước nâng cao thu nhập cho người dân. Nhờ đó, năm 2021 tỷ lệ hộ nghèo của xã còn gần 9%; tuy vậy, khi áp dụng chuẩn nghèo mới thì con số này tăng lên hơn 49%, tức là gấp 5 lần.

“Với tỷ lệ hộ nghèo như vậy thì chúng tôi sẽ không về đích NTM theo kế hoạch được, mà gần như lại phải bắt đầu lại, nhưng sẽ khó khăn hơn vì bình quân thu nhập đầu người theo chuẩn mới rất cao. Trong khi đó, Trịnh Tường là xã thuần nông việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi đòi hỏi phải có thời gian chứ không thể một sớm một chiều là có kết quả ngay được”, ông Hưng phân tích.

Ngày 29/4/2022, UBND tỉnh Lào Cai có Quyết định số 894 ban hành Bộ tiêu chí xã NTM và Bộ tiêu chí xã NTM nâng cao tỉnh Lào Cai giai đoạn 2022 - 2025. Bộ tiêu chí có 19 tiêu chí lớn và 58 tiêu chí thành phần. So với giai đoạn trước (2016 - 2021), bộ tiêu chí mới có một số chỉ tiêu, tiêu chí đòi hỏi sự phấn đấu rất cao, như: thu nhập bình quân của người dân qua các năm đạt từ 39 đến 48 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ có nhà ở kiên cố và bán kiên cố đạt 85%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%.

Cùng với đó, tỷ lệ đường xã được bảo trì hàng năm, đảm bảo sáng - xanh - sạch - đẹp và có các hạng mục cần thiết như: biển báo, biển chỉ dẫn, chiếu sáng, gờ giảm tốc, cây xanh bóng mát; tỷ lệ diện tích cây trồng chủ lực của địa phương được tưới tiên tiến, tiết kiệm nước đạt trên 30%; có ít nhất 1 mô hình thôn, xã thông minh (hiện chưa có hướng dẫn hoặc quy định nào về khái niệm mô hình mới này)…

Phát triển nông nghiệp hàng hóa để nâng cao thu nhập

Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Lào Cai Nguyễn Trung Kiên cho biết, thời gian tới, chương trình xây dựng NTM còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức hơn, như: Bộ tiêu chí về xã NTM tỉnh Lào Cai giai đoạn 2022 - 2025 nâng cao hơn trước; các xã phấn đấu “về đích” NTM trong giai đoạn này là các xã đặc biệt khó khăn (khu vực III), đồng thời nguồn lực đầu tư cũng hạn chế... Do đó, để xây dựng NTM hiệu quả, các địa phương cần nỗ lực, chủ động hơn nữa trong thực hiện các tiêu chí, khơi dậy và phát huy hiệu quả nội lực trong nhân dân. 

Với việc áp dụng chuẩn nghèo mới kéo theo đó là bình quân thu nhập tối thiểu đầu người tăng lên nhiều so với tiêu chí cũ, Lào Cai xác định việc chuyển đổi cây trồng vật nuôi, đưa các cây con có giá trị vào nuôi trồng thay cho cây trồng truyền thống như: ngô, lúa là điều kiện tiên quyết để giải bài toán thu nhập. 

Đối với huyện vùng cao Mường Khương, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 phấn đấu mỗi năm sẽ có một xã về đích NTM. Đến nay, toàn huyện đã có 05 xã đạt, mục tiêu còn lại của nhiệm kỳ là 03 xã đạt NTM. Bí thư Huyện ủy Giàng Quốc Hưng cho biết, để giải quyết bài toán thu nhập, hộ nghèo theo hướng lâu dài, bền vững thì việc chuyển đổi các vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm sang sản xuất nông nghiệp hàng hóa có vai trò quyết định.

“Chúng tôi đang phấn đấu đưa Mường Khương trở thành “thủ phủ” của cây chè của tỉnh Lào Cai, đây là cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn hẳn các cây trồng truyền thống; vòng đời dài có thể tới vài chục năm. Cùng với đó, chúng tôi cũng đang phấn đấu thâm canh, tăng năng suất đối với cây dứa, vì hiện nay trên địa bàn huyện đã có nhà máy chế biến hoa quả, đầu ra ổn định nên cũng có thể xác định đây là cây trồng lâu dài được…”, ông Hưng nhấn mạnh.

Theo Phó Chủ tịch phụ trách xã Trịnh Tường Phạm Văn Hưng, mức thu nhập tối thiểu như quy định hiện nay đang áp dụng đối với các xã vùng cao là khá cao so với điều kiện thực tế. Để nâng cao thu nhập trên cùng diện tích canh tác, hiện nay Trịnh Tường đang đẩy mạnh tuyên truyền vận động bà con, chuyển đổi sang trồng quế đối với những diện tích đất khó canh tác hoặc canh tác không còn hiệu quả. Ông cho biết: “Cây quế là cây đa tác dụng, vừa phủ xanh đồi đất trống, cải thiện môi trường; thân, cành lá quế hiện nay đều có thể thu hoạch và bán được nên bà con cũng rất ủng hộ đối với cây trồng này. Khoảng 3-4 năm nữa rất nhiều hộ sẽ có thu nhập ổn định từ cây trồng này”.

Cùng với đó, để giải bài toán thực hiện các tiêu chí thu nhập và hộ nghèo trong xây dựng NTM, Lào Cai xác định nhiệm vụ thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 10-NQ/TU của Tỉnh ủy Lào Cai về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, Lào Cai tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ để khuyến khích người dân sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, bền vững, tạo sản phẩm sạch, an toàn, gắn với phát triển kinh tế đồi rừng nhằm nâng cao thu nhập, cải thiên đời sống nhân dân, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.

Bên cạnh đó, Lào Cai tập trung chuyển đổi mô hình tăng trưởng, chuyển tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp, nông nghiệp tuần hoàn; khai thác tối đa tiềm năng thế mạnh của từng địa phương, liên kết phát triển sản xuất theo chuỗi bền vững; tiếp tục thực hiện chính sách tập trung ruộng đất cải tạo đồng ruộng, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh có quy mô tập trung theo thế mạnh từng vùng./.

Hương Thu