Uy nghiêm rồng thời Nguyễn

Rồng là con vật duy nhất không có thật trong 12 con giáp, không tồn tại trong thế giới tự nhiên, nhưng con vật chưa ai nhìn thấy đó lại được thể hiện nhiều nhất trong nghệ thuật phương Đông. Tựu trung, rồng vẫn là sản phẩm của sự sáng tạo trong trí tưởng tượng của con người, đó là ước nguyện, biểu tượng của cuộc sống vĩnh hằng, của mưa thuận gió hòa, sự cao quý và của sức mạnh thần thoại khi đứng đầu của bộ Tứ linh: Long - Lân - Quy - Phụng.

leftcenterrightdel
 Với những nét tạo hình hoàn chỉnh, những con rồng trên nóc mái cổng Đại Nội như đang bay lên giữa bầu trời. Ảnh: Minh Tân

Từ truyền thống Lạc Long Quân - Âu Cơ thì với người dân Việt Nam rồng được coi là thủy tổ, nguồn cội nòi giống của dân tộc. Theo các nhà nghiên cứu và các di vật lịch sử còn lại, có thể thấy hình tượng rồng đã xuất hiện ở nước ta từ rất sớm, biểu tượng rồng với những hình thức tâm linh nguyên thủy được hình dung từ thời Hùng Vương qua các con vật có thân dài có vẩy được chạm khắc trên những đồ đồng, đồ đá.

Tục truyền rằng, trong những buổi đầu thuở sơ khai dựng nước, người Việt cổ đã có tục xăm trên mình hình tượng rồng để tránh sự xâm hại của các loài thú dữ.

leftcenterrightdel
 Trong mỹ thuật triều Nguyễn, hình tượng rồng xuất hiện dày đặc và thể hiện uy quyền. Long (rồng) đứng đầu của Tứ linh (Long - Lân - Quy - Phụng) trên mái Nghinh Lương Đình. Ảnh: Minh Tân

Không chỉ gắn liền với đời sống văn hóa tâm linh, rồng còn là biểu tượng của mọi vương triều, của mọi vị vua.

Với triều Nguyễn - triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam với 143 năm tồn tại, hình tượng rồng cũng song hành như hiện thân của quyền lực trong suốt những năm tháng đó. Kể từ đây, các linh vật trong Tứ linh được sử dụng trang trí dày đặc trong đời sống cung đình với những nét thành công nhất.

leftcenterrightdel
 Hình tượng rồng trên áo Tế giao - Bảo vật Quốc gia (niên đại thế kỷ thứ XIX). Ảnh: Minh Tân

Nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh cho hay, con rồng thời Nguyễn thể hiện sự uy nghiêm, biểu trưng cho vương quyền. Thế nên, nó thường ngự trị trên nóc các cung điện, đền miếu và đồng thời phô diễn tất cả sự bay bổng, sự uy nghiêm từ bờm, râu, chân, độ uốn… Rồng thời Nguyễn với hình ảnh rất uy nghiêm với một tỉ lệ chiều cao vươn lên không trung, không thể hiện chuỗi dài như thời Lý, thời Trần nữa… mà nghệ nhân thể hiện những đường nét oai hùng của Long (rồng) con vật đứng đầu của Tứ linh.

leftcenterrightdel
 Hình tượng rồng trên sập đặt án thư của vua Tự Đức (trị vì từ năm 1847-1883). Ảnh: Minh Tân

Cùng chung quan điểm, nhà báo Nguyễn Đình Đính chia sẻ: Hình ảnh con rồng từ thời Lý, Trần đến thời Nguyễn là một sự chuyển hóa từ nghệ thuật trang trí thuần túy sang nghệ thuật trang trí để khẳng định vương quyền. Điều này thể hiện rõ nhất ở các điểm như bộ vảy, đôi mắt... thời Nguyễn rồng đã có bộ vảy hoàn chỉnh, xếp lớp rất dày và kín kẽ. Điều đó không chỉ hoàn thiện về mặt mỹ thuật tạo hình mà còn tạo nên một hình ảnh mạnh mẽ cho rồng thời Nguyễn. 

“Đặc biệt, đôi mắt đã được tô điểm bởi ánh lửa viền xung quanh của rồng thời Nguyễn. Ánh lửa ấy, một biểu hiện của quẻ Ly, của hành Hỏa, là sự thể hiện cai quản phương Nam của vương triều Nguyễn cũng như sự tồn tại bền vững”, nhà báo Nguyễn Đình Đính bày tỏ quan điểm.

“Vùng đất của rồng”

Có mặt tại cố đô Huế từ những năm đầu thế kỷ XX, những nhà nghiên cứu phương Tây cũng đã chịu “sức thu hút” hình tượng rồng trong mỹ thuật triều Nguyễn.

Với những bài viết của Đại úy P. Albrecht “Những họa tiết của nghệ thuật trang trí ở Huế: Con Rồng” (Những người bạn cố đố Huế- Bulletin des Amis du Vieux Hue B.A.V.H, Nhà xuất bản Thuận Hóa) hay nghiên cứu kỳ công về họa tiết “con Rồng” trong họa tiết với muông thú của linh mục Léopold Cardière - một nhà sử học kiêm nhà văn người Pháp.

leftcenterrightdel
 Bức tranh “Cửu long ẩn vân” do họa sĩ Phan Văn Tánh, dưới triều Nguyễn vẽ hình 9 con rồng vờn trong mây tại chùa Diệu Đế. Ảnh: Minh Tân

“Trong Hoàng cung, rồng như thể ở ngôi nhà của mình, vì rồng biểu tượng cho hoàng đế. Nhưng người ta cũng thấy hình ảnh rồng ở các chùa hay nơi tư gia, trên các đường mái, ở mặt tiền, trên các đà nhà, trên đồ nội thất hay vải vóc, trên bát đĩa và cả đến những cây kiểng thấp nhỏ được tỉa gọt sao cho thành hình con rồng”, Léopold Cardière viết.

Theo tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn, hình ảnh con rồng là sự thể hiện thành công nhất trong nghệ thuật thời Nguyễn. Nghệ nhân thuở ấy tạo nên hình ảnh con rồng không chỉ vì phụng sự mục đích nghệ thuật mà còn phải tuân thủ những định chế xã hội, những thiết chế văn hóa đương thời. Vì những lý do này mà cách thể hiện hình tượng con rồng dưới thời Nguyễn rất đa dạng và phong phú.

“Chỉ xét riêng ở Huế, trung tâm văn hóa, chính trị và nghệ thuật lớn nhất bấy giờ, sự phong phú đó được biểu hiện trên nhiều mặt: Không gian, chất liệu, nghệ thuật thể hiện và đề tài trang trí. Và cố đô Huế được xem như “vùng đất của rồng”, tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn nhấn mạnh.

leftcenterrightdel
 Rồng được đắp nổi trên cột của một nhà thờ tại TP Huế. Ảnh: Minh Tân

Đơn cử, rồng có mặt trên các đền đài, cung điện, miếu vũ, đình chùa ở trong và ngoài hoàng cung Huế. Rồng xuất hiện ở bờ nóc, bờ quyết, cổ diêm, đầu hồi, máng xối, bình phong, bậc cấp, vì kèo, khung cửa, nghi môn... của các công trình kiến trúc. Rồng trang trí trên cửu đỉnh, ngai vàng, bửu tán, án thờ vua quan thời Nguyễn. Rồng làm thành tay núm các con triện, ấn tín, đồ văn phòng tứ bảo... Rồng là họa tiết trang trí trên áo quần, mũ mão, giày dép của các bậc đế hậu, hay có khi là một tác phẩm nghệ thuật riêng biệt trong các sân chầu, đình viên như hai tượng rồng trước sân Duyệt Thị Ðường....

Về chất liệu, con rồng thời Nguyễn có thể được đúc bằng đồng, chạm trổ trên đá, điêu khắc trên gỗ, xương, ngà và các loại vàng bạc đá quý. Rồng xuất hiện trên vải, lụa trong trang phục, mũ mão của vua quan, phi tần. Rồng làm bằng đất nung trang trí trên điện Ngưng Hy ở lăng Ðồng Khánh, đắp bằng vôi vữa ở lăng Gia Long hay Thế Miếu, ghép bằng sành sứ và thủy tinh trong lăng Khải Ðịnh, làm bằng pháp lam trên mái điện Hòa Khiêm trong lăng Tự Ðức. Rồng là họa tiết trang trí trên đồ sứ ký kiểu, trên tranh treo tường bằng giấy trong Thái Bình Lâu hay trên tranh gương trong điện Biểu Ðức ở lăng Thiệu Trị....

leftcenterrightdel
Con rồng cũng như Tứ linh đã vượt ra khỏi hoàng cung, trở thành vật trang trí mang nhiều ý nghĩa tâm linh trên mái nhà thờ, đình làng của người dân cố đô Huế. Ảnh: Minh Tân

Điều đặc biệt, trong nền nghệ thuật và kiến trúc thời Nguyễn, con rồng không phải là vật sở hữu của riêng nhà vua hay hoàng gia. Con rồng đã vượt khỏi chốn cung đình và hiện diện khắp nơi trên xứ Huế, trở thành một nét văn hóa, một biểu tượng nghệ thuật của Cố đô Huế. Ngoài những hình tượng rồng mang biểu trưng của đế vương: Uy nghi và cầu kỳ, xứ Huế còn có những con rồng đã được “dân dã hóa” thành những con giao, con cù… bình dị, xuất hiện ở nơi đình làng, chùa miếu dân gian.

“Và đôi khi, những con rồng “dân dã” này lại sống động hơn, giàu tính biểu cảm hơn những con rồng uy nghi ở chốn cung đình. Đây chính là điều tạo nên sự thú vị cho ai đó khi họ tìm đến Huế để tham quan, khám phá và tìm hiểu về “vùng đất của rồng””, tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn chia sẻ.

Ngày nay, hình tượng rồng không còn tính chất tối thượng của bậc quân vương nào nhưng vẫn được đưa vào trang trí ở các công trình kiến trúc, hội họa, chạm, khắc nghệ thuật với tượng cho sự bình an và vững bền.

Xuân Giáp Thìn đang đến, hình tượng “rồng bay lên” như ước mong của mọi người dân đất Việt về một năm mới an khang, thịnh vượng.

Minh Tân