Sa Pa diệu kỳ

Điểm nhấn tại lễ kỷ niệm 120 năm du lịch Sa Pa là Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Sa Pa diệu kỳ”, bao gồm 3 chương: “Sa Pa kỳ vỹ linh thiêng”, “Diệu kỳ miền đất sương mây” và “Sa Pa - Kết nối khát vọng xanh” cùng 15 cảnh diễn, với sự tham gia của 200 diễn viên chuyên nghiệp, 400 diễn viên quần chúng... trình diễn nhiều ca khúc nổi tiếng gắn liền với hình ảnh Sa Pa. Chương trình được dàn dựng công phu, hoành tráng, đan xen giữa nội dung nghệ thuật và các sự kiện gắn với hành trình chuyển mình của Sa Pa từ một trạm nghỉ dưỡng trở thành khu du lịch quốc gia mang tầm quốc tế.

Xuyên suốt chương trình nghệ thuật đặc biệt, du khách được tìm hiểu về một Sa Pa ẩn chứa những điều diệu kỳ. Đặc biệt, lần đầu tiên các hình thức diễn xướng tổng hợp (ca, múa, nhạc, diễn xướng dân gian, hoạt cảnh, diễn kịch hình thể, hiệu ứng cổ động…) được biểu diễn trên sân khấu đa không gian, đa chiều, đa tầng. Bên cạnh lấy cảm hứng từ chất liệu âm nhạc dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số (Tày, Dao đỏ, Xa Phó, Giáy, Mông) đại diện cho 5 mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông và mùa yêu ở Sa Pa để tôn vinh những giá trị bản sắc văn hóa đậm tính nhân văn thì việc đưa âm hưởng đương đại vào chương trình cũng mang đến sự hấp dẫn, mới mẻ phù hợp với từng nhịp sống Sa Pa hiện đại.

Lễ kỷ niệm 120 năm du lịch Sa Pa kết thúc bằng màn pháo hoa tầm thấp rực rỡ sắc màu, mang lại sự thú vị, mãn nhãn đối với du khách và người dân.

Trình bày diễn văn kỷ niệm 120 năm du lịch Sa Pa, ông Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Sa Pa xưa là cao nguyên Lồ Suối Tủng, thuộc trại Ngòi Bo, sau là tổng Hướng Vinh, châu Thủy Vĩ, tỉnh Hưng Hóa. Cách đây 120 năm, vào mùa Đông năm 1903, đoàn thám hiểm của Sở Địa lý Đông Dương trong khi tiến hành đo đạc xây dựng bản đồ đã khám phá ra cảnh quan cao nguyên Lồ Suối Tủng và làng Sa Pả. Đoàn thám hiểm đã đặt tên cho cao nguyên và ghi danh vào bản đồ là “Cao trạm Sa Pa”. Sự kiện này trở thành dấu mốc lịch sử phát hiện ra Sa Pa.

Trải qua 120 năm hình thành và phát triển, du lịch Sa Pa đã có bước phát triển vượt bậc, từ một thị trấn nhỏ vùng cao đã được khẳng định, định vị trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới.

leftcenterrightdel
Những tiết mục được dàn dựng và biểu diễn rất công phu hoành tráng 

Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho biết thêm: Để có được một Sa Pa phát triển như hôm nay, trên cơ sở xác định những tiềm năng và lợi thế so sánh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Lào Cai nói chung, Sa Pa nói riêng trong nhiều nhiệm kỳ qua đã luôn xác định Sa Pa không chỉ là trọng điểm du lịch của tỉnh mà còn là Khu du lịch quốc gia, vươn tầm quốc tế; luôn chú trọng giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, lấy cảnh quan thiên nhiên và di sản văn hóa làm động lực; tính thích ứng và sự năng động làm đột phá để vươn lên, hướng đến phát triển xanh bền vững.

“Hành trình 120 năm du lịch Sa Pa đã làm nên những điều kỳ diệu và sẽ không dừng lại, với mong ước viên ngọc quý Sa Pa sẽ tiếp tục được tỏa sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới. Với sự đồng thuận cao của cấp ủy, chính quyền các cấp, cùng với sự chung sức, đồng lòng của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, tin tưởng rằng, sẽ xây dựng Sa Pa không chỉ là khu du lịch, nghỉ dưỡng quốc gia tầm cỡ quốc tế mà còn là trung tâm kinh tế, văn hóa của tỉnh Lào Cai, cầu nối giao lưu văn hóa vùng Tây Bắc với khu vực và quốc tế” - Chủ tịch Trịnh Xuân Trường khẳng định.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà khẳng định: Từ một vùng núi non hiểm trở, hoang sơ, được đoàn thám hiểm của Sở Địa lý Đông Dương phát hiện vào cuối năm 1903, qua bàn tay, khối óc dựng xây đã trở thành điểm du lịch với cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ, bềnh bồng trong mây; núi thì tuyệt đỉnh, sông thì đầu nguồn và tài nguyên khí hậu trong lành, mát mẻ, mang sắc thái đa dạng. Sa Pa đang tiến bước trên hành trình trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng tầm cỡ quốc tế, với hệ thống sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc, điểm giao lưu văn hóa khu vực Trung du, miền núi phía Bắc.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Đảng, Nhà nước đang và sẽ tập trung hoàn thiện các cơ chế, chính sách đột phá để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn; tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, minh bạch, bình đẳng, thuận lợi cho doanh nghiệp; hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng.

Tiếp tục quan tâm dành nguồn lực công và huy động nguồn lực xã hội để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, phát triển không gian văn hóa; hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, chú trọng phát triển các tiện ích số nhằm hướng tới phát triển hệ sinh thái du lịch Sa Pa thông minh.

Cùng với hoàn thành dự án đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi Sa Pa, Cảng Hàng không Sa Pa và các hạ tầng du lịch khác sẽ được ưu tiên đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đến với Sa Pa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống nhân dân.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị, trong quá trình phát triển du lịch Sa Pa, các bộ, ngành Trung ương và tỉnh Lào Cai cần cần có giải pháp tổng thể, đồng bộ trong tổ chức thực hiện quy hoạch chung xây dựng Khu Du lịch quốc gia Sa Pa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hướng tới một Sa Pa phát triển bền vững, hài hoà và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai. Thực hiện nguyên tắc phát triển đi đôi với bảo tồn; coi giá trị, cảnh quan thiên nhiên, văn hoá, bản sắc kiến trúc là cốt lõi; cộng đồng các dân tộc Sa Pa vừa là chủ thể, mục tiêu, động lực và là người thụ hưởng thành quả từ phát triển.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị các bộ, ngành Trung ương cần phối hợp chặt chẽ, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, ưu tiên phát triển hạ tầng đồng bộ, xây dựng cơ chế để thu hút nguồn lực về vốn, nguồn nhân lực nhằm đầu tư, phát triển chuỗi giá trị du lịch Sa Pa một cách bền vững.

leftcenterrightdel
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trao tặng bằng khen cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc  

Chủ tịch nước dự kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ thăm Lào Cai (23/9/1958 - 23/9/2023)

Sáng ngày 23/9/2023, Tỉnh ủy Lào Cai đã long trọng tổ chức kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ thăm Lào Cai (23/9/1958 - 23/9/2023).

Tham dự kỷ niệm về phía đại biểu Trung ương có các đồng chí: Võ Văn Thưởng, Chủ tịch nước; Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Chính phủ…

Tại buổi lễ, ông Đặng Xuân Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai đã ôn lại thời khắc cách đây 65 năm, ngày 23/9/1958, Bác Hồ đã đến thăm tỉnh Lào Cai. Đây là một sự kiện trọng đại, là nguồn cổ vũ, động viên to lớn đối với Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai. Bác căn dặn Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai phải đoàn kết, tích cực tăng gia sản xuất để có cuộc sống ấm no, trật tự trị an, thuần phong mỹ tục, cố gắng thi đua làm cho tỉnh nhà ngày thêm phồn thịnh.

Thực hiện lời dạy của Người, 65 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Lào Cai luôn đoàn kết một lòng, phấn đấu, xây dựng Lào Cai ngày càng giàu đẹp. Trải qua chặng đường lịch sử, đặc biệt sau gần 32 năm tái lập tỉnh đã đưa Lào Cai từ vùng đất bị tàn phá bởi chiến tranh, một trong 6 tỉnh nghèo nhất cả nước trở thành địa phương đứng đầu khu vực Tây Bắc, tỉnh phát triển của khu vực trung du và Miền núi Bắc bộ. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của tỉnh giai đoạn 1991 - 2022 đạt gần 10%, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2022 đạt trên 10 nghìn tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 89 triệu đồng. Văn hóa - xã hội có tiến bộ mới, an sinh xã hội được quan tâm; tỷ lệ giảm nghèo hằng năm đều vượt so với kế hoạch.

Những thành tựu to lớn mà Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Lào Cai đã dành được trong 65 năm qua đã góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; thể hiện sự quyết tâm của Đảng bộ và đồng bào Lào Cai thực hiện lời hứa với Bác khi Người về thăm tỉnh nhà.

Phát biểu tại kỷ niệm, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chúc mừng, biểu dương những thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Lào Cai đã đạt được trong những năm qua.

Chủ tịch nước nhấn mạnh: Để sớm hiện thực hóa khát vọng đưa Lào Cai trở thành tỉnh phát triển của cả nước, xứng đáng với niềm tin, sự kỳ vọng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đáp ứng niềm mong mỏi của đồng bào các dân tộc, thời gian tới Đảng bộ và đồng bào Lào Cai cần tiếp tục nỗ lực, cố gắng nhiều hơn nữa để đền đáp ân tình sâu nặng cũng như sự kỳ vọng của Bác đối với Lào Cai.

Chủ tịch nước yêu cầu Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai tiếp tục thống nhất, đoàn kết một lòng, vượt qua mọi khó khăn, thách thức; chủ động, sáng tạo hơn nữa, phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh, nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, nỗ lực phấn đấu thực hiện di nguyện của Bác Hồ cách đây 65 năm.

Tập trung chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, gắn với đổi mới sáng tạo và tăng năng suất lao động. Chú trọng phát triển các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa, các chính sách an sinh xã hội, chính sách người có công với cách mạng, giảm nghèo bền vững, chú trọng vùng đồng bào dân tộc thiểu số... Giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ an ninh biên giới quốc gia. Mở rộng quan hệ đối ngoại với các địa phương vùng lãnh thổ.

Cũng tại buổi lễ, đã có 25 tập thể, 40 cá nhân được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong đợt thi đua chào mừng 65 năm ngày Bác Hồ thăm Lào Cai (23/9/1958 - 23/9/2023), 75 năm ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948-11/6/2023).

 

Nam Dũng