Đỉnh núi Tà Chì Nhù được mệnh danh là “nóc nhà” của tỉnh Yên Bái, nằm trên địa bàn xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu, là một phần của khối núi Pú Luông, thuộc dãy Hoàng Liên Sơn...

Tà Chì Nhù xếp thứ 7 trong top 10 ngọn núi cao nhất Việt Nam - một trong những địa điểm săn mây lý tưởng hay còn được gọi với cái tên “thiên đường mây nơi hạ giới”.

Thông qua Giải Leo núi, Ban Tổ chức (BTC) mong muốn lan tỏa hình ảnh đẹp về non sông gấm vóc, đất nước, con người Việt Nam nhằm phát triển du lịch trên địa bàn huyện Trạm Tấu và tỉnh Yên Bái.

Giải là nơi tăng cường sự đoàn kết, cống hiến và sáng tạo của báo giới với nhiều tác phẩm báo chí có giá trị về du lịch, phát triển kinh tế gắn với lợi thế vùng. Đây cũng là dịp tạo động lực, nâng cao nhận thức về rèn luyện sức khỏe, thúc đẩy phong trào thể thao leo núi ở Việt Nam hiện nay. 

Giải Leo núi “Bước chân trên mây” - chinh phục đỉnh Tà Chì Nhù năm 2023 có 100 vận động viên (VĐV) tham gia. Các VĐV là phóng viên đang làm việc tại các cơ quan thông tấn, báo chí từ Trung ương và các địa phương trong cả nước đã được BTC thẩm định và xét duyệt hồ sơ tham dự. 

Lý giải về việc BTC khống chế số lượng vận động viên là 100, ông Trần Ngọc Hà, Phó Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam, Phó Trưởng Ban Thường trực BTC cho biết, do điều kiện lưu trú trên đỉnh Tà Chì Nhù chỉ đảm bảo được tối đa cho 200 người. Vì vậy, để mang đến những trải nghiệm tuyệt vời nhất cho các VĐV khi tham giai giải, BTC sẽ bố trí từ 60-70 nhân viên hướng dẫn để đảm bảo an toàn, hỗ trợ kịp thời cho các VĐV. Trong những năm tới, BTC sẽ tiếp tục hướng đến những đỉnh núi hùng vĩ hơn, có điều kiện cơ sở vật chất tốt hơn để mang đến trải nghiệm thú vị hơn cho lượng VĐV đông đảo hơn.

Về công tác đảm bảo an toàn, bảo hiểm cho cuộc thi, ông Nguyễn Việt Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Hưng Việt, Phó BTC cho rằng, BTC đã phối hợp với địa phương tổ chức khảo sát rất kỹ lưỡng, lên các phương án đảm bảo an toàn tối đa cho các VĐV tham gia cuộc thi. Ngoài việc bố trí ăn, nghỉ, đi lại miễn phí cho các VĐV, BTC cũng đã mua bảo hiểm miễn phí cho các VĐV tham gia giải.

Các VĐV sẽ được BTC hỗ trợ chi phí đi lại, ăn ở trong thời gian tham dự giải theo lịch trình: Đón đoàn tại Hà Nội đi Trạm Tấu, thi đấu leo núi, xuống núi và trở về Hà Nội. 

Các VĐV sẽ phải vượt qua cung đường với cự ly khoảng 10km đường đồi núi. Điểm xuất phát từ chân núi thuộc chòm Cang Chi Khúa, thôn Sáng Pao, xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái. Điểm đích là đỉnh Tà Chì Nhù ở độ cao 2.979m so mực nước biển.

Điểm nhấn trên cung đường leo núi, các VĐV sẽ đi qua các cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ theo từng độ cao, từ rừng già nguyên sinh, xuyên rừng tán thấp, đồng cỏ, đến cánh đồng hoa Chi-Pâu tím, đến lưng chừng núi nơi những đàn ngựa, dê của người dân bản địa thong dong gặm cỏ. Và cuối cùng là bước chân tới đỉnh Tà Chì Nhù - nơi các VĐV có thể chạm được vào mây. 

Cơ cấu giải thưởng gồm 02 bộ giải và 02 giải khuyến khích, 04 giải chuyên đề, gồm: Bộ giải cá nhân nữ (nhất, nhì, ba, khuyến khích), bộ giải cá nhân nam (nhất, nhì, ba, khuyến khích), 02 giải khuyến khích (nam cao tuổi nhất và nữ cao tuổi nhất), 04 giải chuyên đề (giải bài báo in hay nhất; giải bài báo điện tử hay nhất; bức ảnh đẹp nhất, video clip hay nhất). 

Tổng giá trị giải thưởng lên đến 150 triệu đồng. Giải nhất: 30 triệu đồng; giải nhì: 20 triệu đồng; giải ba: 10 triệu đồng; giải khuyến khích: 5 triệu đồng. Giải chuyên đề: 5 triệu đồng.

Hoàng Nam