Cách đây nửa năm, báo chí Anh đã đưa ra hàng loạt bằng chứng cho thấy phía Qatar đã hối lộ hàng loạt quan chức của FIFA nhằm kiếm được phiếu bầu trong cuộc chạy đua ứng cử quyền đăng cai World Cup 2022.

Những bằng chứng này làm dấy lên làn sóng phản ứng dữ dội của người hâm mộ, khiến Qatar đối mặt với nguy cơ bị tước quyền tổ chức World Cup 2022 và FIFA phải tiến hành một cuộc điều tra. Kết quả của cuộc điều tra này sau cùng cũng đã được công bố vào hôm 13-11.

Hãng tin BBC cho biết trong bản báo cáo này, FIFA không những phủ nhận việc Qatar nhận hối lộ mà còn quay ngược lại buộc tội phía Hiệp hội bóng đá Anh (FA) về việc đã cố gắng hối lộ các quan chức của FIFA trong quá trình chạy đua giành quyền đăng cai World Cup 2018.

Cụ thể, quan tòa Hans Joachim Eckert, người đứng đầu Ủy ban đạo đức của FIFA buộc tội FA đã cố gắng mua chuộc cựu phó chủ tịch FIFA Jack Warner (người Trinidad & Tobago) bằng những hình thức như: "Tài trợ buổi dạ tiệc của Liên đoàn bóng đá vùng Caribbean", "cho phép đội U-20 Trinidad & Tobago tổ chức trại tập huấn ở Anh",...

Ngoài việc cáo buộc FA tìm cách hối lộ quan chức của mình, FIFA còn buộc tội Hiệp hội bóng đá Anh đã cố gắng "hủy hoại hình ảnh của FIFA".

Bên cạnh việc bộc tội FA, bản báo cáo của FIFA cũng phủ nhận sạch nghi án Nga và Qatar hối lộ trong quá trình giành quyền đăng cai World Cup 2018 và 2022.

Dù vậy, hành động "minh oan" cho Nga của FIFA cũng không thật sự thuyết phục khi phía Nga không cung cấp đầy đủ tài liệu về quá trình đấu thầu cho cuộc điều tra của FIFA. Lý do biện bạch mà Nga đưa ra đó là một số máy tính chủ của họ đã bị phá hủy, dẫn đến nhiều hồ sơ bị mất.

Dù vậy, kết luận cuối cùng từ FIFA đó là Nga và Qatar vẫn được giữ nguyên quyền đăng cai World Cup của mình bởi "chỉ phạm luật một cách rất hạn chế".

Tất cả những kết luận từ phía FIFA được đưa ra sau vụ điều tra của luật sư người Mỹ Michael Garcia. Cuộc điều tra của ông Garcia đã được hoàn tất hồi tháng 7 nhưng phía FIFA từ chối công khai bản phân tích sau cuộc điều tra của luật sư Garcia.

TTO