Bởi vậy, việc phục hồi nguồn nước bị ô nhiễm; trong đó kèm theo chương trình, đề án, dự án ưu tiên làm “sống lại” các dòng sông là nhiệm vụ cấp bách hiện nay. 

Nước là tài nguyên quý giá, bảo vệ tài nguyên nước là bảo vệ cuộc sống của chính chúng ta. Tuy nhiên, chất lượng nguồn nước mặt ở nước ta đã và đang đối diện với suy thoái nghiêm trọng. Nước tại các sông, ngòi, kênh, rạch, đặc biệt ở các đô thị và vùng công nghiệp, bị suy thoái tới mức gần như biến chất và nguy hiểm đối với con người, sinh vật thủy sinh.

Báo cáo giám sát của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) vừa gửi đến Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã chỉ rõ, áp lực phát triển kinh tế - xã hội khiến nhu cầu nước tăng nhanh chóng. Bình quân trong vòng 50 năm qua, nhu cầu nước đã tăng gấp 3 lần do sự gia tăng dân số, phát triển nông nghiệp, công nghiệp, đô thị hóa. Dự báo đến năm 2030, nhu cầu sử dụng nước cho các ngành khoảng 122,47 tỷ m3/năm, đến năm 2050, khoảng 131,7 tỷ m3/năm.

Báo cáo cũng chỉ rõ ô nhiễm nguồn nước gia tăng trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển kinh tế, quá trình đô thị hóa nhanh, các hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp gia tăng kéo theo các hoạt động xả nước thải, nhất là nước thải chưa được xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn xả vào nguồn nước, đã và đang tác động và gây sức ép ngày càng lớn, nghiêm trọng đến cả số lượng và chất lượng nguồn nước các sông, suối và các tầng chứa nước (lưu vực sông Nhuệ - Đáy, Cầu và hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải…).

Đáng chú ý, những năm gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, tình hình hạn hán, thiếu nước ở khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đang có xu thế gia tăng, xuất hiện nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, gây ra thiếu nước ngọt cục bộ và thiếu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp ở nhiều địa phương.

Cùng với đó, tác động của biến đổi khí hậu kết hợp với khai thác thượng nguồn nên xâm nhập mặn đã liên tục xảy ra đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, điển hình như mùa khô 2015 - 2016, 2019 - 2020 và mặn cục bộ đầu năm 2024 vừa qua, xâm nhập mặn đang có xu thế sớm hơn và mạnh hơn so với trước đây.

Trong mùa khô năm 2024, lượng nước về Đồng bằng sông Cửu Long qua Tân Châu, Châu Đốc trên sông Tiền và sông Hậu tính hết tháng 4/2024 khoảng 75 tỷ m3, thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 8%; riêng trong tháng 5/2024 khoảng 11 tỷ m3 thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 19%. Xâm nhập mặn cao nhất vào trung tuần tháng 3/2024 và xâm nhập mặn (4g/l) sâu vào các sông (sông Tiền, sông Hậu) khoảng 50 - 65km.

Báo cáo giám sát gửi đến Kỳ họp thứ 7 cũng chỉ rõ: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng có tới 6 lần nhắc tới cụm từ an ninh nguồn nước. Điều này không chỉ thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng trong việc bảo đảm an ninh nguồn nước trong bối cảnh mới mà quan trọng hơn là từng bước làm cho vấn đề an ninh nguồn nước được lan tỏa trong toàn xã hội. Văn kiện Đại hội cũng chỉ ra rằng “an ninh nguồn nước chưa được quan tâm đúng mức”.

Hiến pháp năm 2013 quy định: Đất đai, tài nguyên nước... là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.

Theo đó, nước là nguồn tài nguyên có giá trị nhưng thường không được đánh giá hoặc định giá về mặt kinh tế vì vẫn được xem là "của trời cho". Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc sử dụng nước lãng phí và ý thức bảo vệ tài nguyên nước chưa cao.

Theo Bộ TN&MT, vấn đề bảo đảm an ninh nguồn nước là vấn đề lớn của quốc gia, nhất là với một quốc gia với 60% lượng nước phụ thuộc vào nước ngoài và là một trong các quốc gia chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu lớn nhất trên thế giới.

Với tầm quan trọng đó, Bộ TN&MT đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét, tạo cơ chế, nguồn lực để thực hiện đồng bộ các giải pháp đã nêu, nhất là việc phục hồi các dòng sông, nguồn nước đang bị ô nhiễm, suy thoái, góp phần nâng chỉ số an ninh nguồn nước quốc gia lên nhóm các quốc gia đảm bảo an ninh nguồn nước hiệu quả trên thế giới. Qua đó, hướng tới chủ động về nguồn nước trong mọi tình huống, dự báo, điều tiết nước, phòng ngừa lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Bộ TN&MT cũng kiến nghị Quốc hội xem xét bảo đảm mức chi cho bảo vệ môi trường không dưới 1% tổng chi ngân sách Nhà nước và tăng dần tỷ lệ này theo tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ xem xét, xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia để đầu tư nguồn lực cho các tỉnh, thu gom, xử lý nước thải đô thị, khu dân cư tập trung, trước mắt tập trung cho giai đoạn 2025 - 2030.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh việc đa dạng hóa nguồn tài chính cho công tác bảo vệ môi trường lưu vực sông từ Nhà nước; xã hội hóa; nguồn đầu tư nước ngoài thông qua hợp tác quốc tế; tạo cơ chế đặc thù về tài chính.

Đưa ra giải pháp giải quyết ô nhiễm nguồn nước, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn mới đây, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh cho biết các bộ, ngành, địa phương cần chung tay xây dựng kế hoạch, lộ trình xử lý nước thải, hoàn chỉnh hợp tác công tư, đảm bảo thu hút nguồn xã hội hóa.

Bộ trưởng cũng cho biết, Bộ TN&MT sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ thành lập ngay Ủy ban Quản lý lưu vực sông, tức là trách nhiệm chung các tỉnh, các bộ, ngành và Ủy ban để điều phối vấn đề này. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ TN&MT đề nghị trong giai đoạn 2026 - 2030, Chính phủ cần quan tâm đầu tư công để xử lý các dòng sông ô nhiễm này.

Với vai trò là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện quản lý Nhà nước về quản lý, bảo vệ, điều hòa, phân phối, phục hồi, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, trong thời gian tới, Bộ TN&MT sẽ phối hợp với các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng và các bộ liên quan, ngành, địa phương triển khai một số các giải pháp trọng tâm trong việc bảo đảm an ninh nguồn nước và giải pháp phòng, chống tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu, suy giảm, ô nhiễm nguồn nước.

Trong thời gian tới, Bộ TN&MT sẽ xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ kế hoạch, chương trình, đề án phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm; ưu tiên phục hồi các “dòng sông chết” nhằm khôi phục nguồn nước, tạo dòng chảy, cải tạo cảnh quan môi trường sinh thái, trong đó kèm theo chương trình, đề án, dự án ưu tiên làm “sống lại” các dòng sông.

Thái Hải