Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, diễn biến thời tiết từ cuối tháng 4 tới nay là các đợt nóng - lạnh đan xen. Do ảnh hưởng của đợt không khí lạnh nên từ ngày 14-16/5 Bắc Bộ tiếp tục có mưa dông vài nơi, ngày 16/5 sẽ chuyển tiếp giữa mát mẻ và nắng nóng.

Khả năng từ ngày 17/5 nắng nóng sẽ quay trở lại Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ. Đợt nắng nóng này kéo dài khoảng 4-5 ngày, mức nhiệt có thể lên 37-39 độ, có nơi cao hơn.

Dự báo sau đợt nắng nóng diện rộng này, đến cuối tháng 5 miền Bắc lại xuất hiện rãnh áp thấp tràn qua, trời dịu mát hơn dù vẫn có những ngày oi nóng. Nhiệt độ không giảm sâu như đợt không khí lạnh đang diễn ra song nắng nóng giảm nhiệt.

Trong khi đó, Nam Bộ và Tây Nguyên bước vào mùa mưa, chiều tối dễ có mưa dông, đề phòng tố, lốc, mưa đá và gió giật mạnh.

Phó trưởng Phòng Dự báo khí hậu, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Nguyễn Đức Hòa cho biết, từ nửa cuối tháng 5, nền nhiệt có xu hướng cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 0,5 - 1 độ C. Số ngày nắng nóng có xu hướng gia tăng trên khu vực Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ so với năm 2022 và so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Do tác động của nắng nóng, tập trung nhiều ở khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ, đề phòng nguy cơ xảy ra cháy nổ ở khu vực dân cư, khu vực sản xuất do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ cao xảy ra cháy rừng.

Ngoài ra, trên phạm vi toàn quốc, các hiện tượng thời tiết nguy hiểm tiếp tục xuất hiện như dông, lốc, sét, mưa đá có thể ảnh hưởng lớn đến sản xuất và các hoạt động dân sinh.

Trước hình thái thời tiết trên, chuyên gia khí tượng thủy văn khuyến cáo, người dân cần phải thường xuyên theo dõi thông tin dự báo, cảnh báo trên trang Website của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia tại địa chỉ nchmf.gov.vn, các đài khí tượng thủy văn tỉnh, thành phố, khu vực và trên các phương tiện truyền thông đại chúng chính thống của Trung ương và địa phương để chủ động ứng phó.

Cùng với đó, ở phía Nam, gió mùa Tây Nam có xu hướng bắt đầu hoạt động từ khoảng giữa tháng 5, mưa có xu hướng gia tăng trên khu vực, nắng nóng suy giảm dần tại khu vực Nam Bộ.

Thông tin về tình hình nhiệt độ, ông Nguyễn Đức Hòa cho rằng, nhiệt độ trung bình tháng 5 tại các khu vực trên phạm vi toàn quốc phổ biến ở mức cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 0,5-1 độ C, riêng khu vực Tây Bắc cao hơn 1,5 độ C.

Trong tháng 5, lượng mưa tại khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa phổ biến ở mức thấp hơn từ 10-30% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Khu vực từ Nghệ An đến Thừa Thiên - Huế cao hơn 5-10% so với trung bình nhiều năm. Khu vực từ Đà Nẵng - Bình Thuận và Tây Nguyên thấp hơn từ 5-15%; riêng khu vực Nam Bộ ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Về đợt không khí lạnh đang diễn ra, hiện nay (11/5), bộ phận không khí lạnh đã tiến sát đến vùng biên giới phía Bắc nước ta.

Dự báo chiều và đêm 11/5, bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến khu vực phía Đông Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng đến một số nơi ở phía Tây Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

Từ chiều nay gió chuyển hướng Đông Bắc, trong đất liền mạnh dần lên cấp 2-3; vùng ven biển cấp 3.

Đêm 11-12/5, phía Đông Bắc Bộ và Thanh Hóa trời chuyển mát. Trong đợt không khí lạnh này, nhiệt độ thấp nhất ở phía Đông Bắc Bộ phổ biến 21-23 độ, vùng núi có nơi dưới 20 độ.

Trên biển từ chiều và đêm 11/5, ở vịnh Bắc Bộ có gió Đông Bắc mạnh dần lên cấp 4-5, riêng khu vực phía Bắc vịnh Bắc Bộ từ gần sáng ngày 12/5 có lúc cấp 6, giật cấp 7-8, sóng biển cao 1,5-2,5m, biển động.

Ngày và đêm 11/5 ở khu vực Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có mưa, mưa vừa và rải rác có dông, cục bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 20-50mm, có nơi trên 80mm. Chiều và tối ngày 11/5 ở khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ tiếp tục có mưa rào và rải rác có dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to với lượng mưa từ 10-30mm, có nơi trên 50mm. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Ngày và đêm 11/5, ở vịnh Bắc Bộ có mưa rào và rải rác có dông. Trong mưa dông cần đề phòng lốc xoáy và gió giật mạnh.

Mưa dông kèm theo các hiện tượng lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh có thể gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, làm gãy đổ cây cối, hư hại nhà cửa, các công trình giao thông, cơ sở hạ tầng. Mưa to cục bộ có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp. Gió mạnh và sóng lớn trên biển có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động của tàu thuyền và các hoạt động khác.

Thái Hải