Nghiên cứu triển khai thực hiện quy hoạch không gian biển

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân cho biết, việc phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ tài nguyên môi trường biển, hải đảo đã được định hướng trong Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, Chiến lược sử dụng khai thác bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo Thứ trưởng Lê Minh Ngân, để phát huy các tiềm năng, lợi thế về tài nguyên, vị trí địa lý của biển, đảo, thực trạng, nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên, không gian biển và các vấn đề về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo, cần thiết phải có sự chung tay quản lý thống nhất từ Trung ương đến địa phương.

Thứ trưởng đề nghị các đơn vị thuộc Bộ, đặc biệt là Cục Biển và Hải đảo Việt Nam; Sở TN&MT của 28 tỉnh, thành phố có biển đẩy mạnh triển khai các chính sách của Đảng và Nhà nước về quản lý biển đảo, ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính và quản lý rác thải nhựa đại dương; nâng cao số lượng các-bon thông qua bảo tồn, quản lý bền vững tài nguyên, hệ sinh thái biển và hải đảo.

Các địa phương cần giải quyết các chồng lấn để bố trí, sắp xếp khoanh vùng định hướng phát triển các vùng dựa trên lợi thế với điều kiện tự nhiên địa phương, hài hoà giữa bảo tồn và phát triển; tận dụng tối đa lợi thế để phát triển các ngành du lịch và dịch vụ biển để địa phương trở thành điểm đến hấp dẫn của cả nước; quan tâm, thúc đẩy đầu tư khai thác năng lượng tái tạo và các dạng năng lượng khác.

Mặt khác, các địa phương cần nghiên cứu triển khai thực hiện quy hoạch không gian biển; rà soát, bổ sung quy hoạch tỉnh; đưa nội dung vào kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh, trong đó, cần xác định các nhiệm vụ ưu tiên, đột phá, phù hợp với tiềm năng, nguồn lực của tỉnh; chú trọng xây dựng hạ tầng kết nối đất liền ra biển, kết nối vùng... 

leftcenterrightdel
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: TH 
Chú trọng công tác thanh, kiểm tra tài nguyên và môi trường biển và hải đảo

Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe các báo cáo về công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo; giới thiệu một số nội dung chính về Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tình hình thực hiện chiến lược phát triển kinh tế biển; tình hình triển khai thực hiện Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, đề xuất những định hướng sửa đổi, bổ sung…

Một số địa phương mong sớm phê duyệt ranh giới quản lý hành chính trên biển giữa các địa phương; ban hành hướng dẫn kỹ thuật phòng ngừa, ứng phó sự cố chất thải; hướng dẫn kỹ thuật phục hồi môi trường sau sự cố môi trường; hướng dẫn điều tra, đánh giá, xác định thiệt hại và lập hồ sơ bồi thường thiệt hại về môi trường do dầu tràn trong vùng biển Việt Nam; nghiên cứu bãi bỏ quy định xin ý kiến của 4 Bộ trong việc thẩm định hồ sơ giao khu vực biển đối với các dự án nuôi thủy hải sản cho cá nhân có diện tích trên 1ha mặt nước…

Ông Nguyễn Đức Toàn, Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo của 28 tỉnh, thành phố có biển trong thời gian qua. Nhiều địa phương đã chủ động giải quyết các vấn đề về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đạt được những kết quả tích cực.

Bên cạnh đó, trong công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, vẫn còn nhiều thách thức lớn cần tập trung giải quyết. Do đó, Cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho rằng, các địa phương có biển cần phải tích cực hơn nữa trong việc triển khai các quy định, chính sách, pháp luật trong thời gian tới. Đặc biệt, tư duy quản lý cần được đổi mới, chuyển từ cách tiếp cận bị động sang chủ động và từ tiền kiểm sang hậu kiểm.

Ông Toàn nhấn mạnh, Cục Biển và Hải đảo Việt Nam cùng các địa phương triển khai các chương trình hành động cụ thể, gắn với các nội dung cụ thể, thời gian hoàn thành. Tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, hướng dẫn kỹ thuật về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo làm cơ sở cho các tỉnh triển khai thực hiện.

Cục mong muốn, các địa phương có biển tích cực hợp tác chặt chẽ trong việc xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, khảo sát thực tế về các hoạt động trên biển và ven bờ, đánh giá hiện trạng môi trường, cũng như phòng ngừa, ứng phó và khắc phục sự cố môi trường biển.

Chú trọng đến công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên và môi trường biển và hải đảo, cùng với việc tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trong các tình huống khẩn cấp.

Thái Hải