Báo Thanh tra ngày 10/9/2022 đăng bài: “Đã vào năm học mới nhưng trường ở vùng cao chưa khắc phục xong sạt lở”, phản ánh việc thầy cô giáo, các em học sinh Trường THPT Võ Chí Công phải di dời, dạy và học tạm tại ngôi trường khác; phải đi lại vất vả, điều kiện sinh hoạt và học tập thiếu thốn... Đến nay, ngôi trường này vẫn tiếp tục bị bỏ hoang vì chưa có phương án thích hợp để chống sạt lở.

Lãnh đạo UBND huyện Tây Giang cho biết, đây là ngôi trường dành cho các em học sinh thuộc các xã vùng cao đặc biệt khó khăn như: Tr’hy, A Xan, Ga Ry và Ch’ơm. Sau khi bị sạt lở, để đảm bảo cho các em học sinh tiếp tục học tập, huyện đã đưa tất cả thầy, cô giáo và học sinh về học tạm tại Trường THPT Tây Giang và ở nội trú tạm tại Trung tâm Dạy nghề huyện ở thị trấn Agrồng và xã A Tiêng, nằm cách A Xan hơn 40km đường đèo dốc….

Thầy Nguyễn Công Tươi, Hiệu trưởng Trường THPT Võ Chí Công trăn trở nói: Hơn 4 năm qua, trường có hơn 230 em học sinh với 7 lớp đang học nhờ tại Trường THPT Tây Giang, các em ăn ở tạm tại các khu nội trú và huyện phải bỏ kinh phí đầu tư một nhà phục vụ bếp ăn cho học sinh.

Thầy, cô giáo và các em học sinh rất mong muốn cơ sở nhà trường sớm được đầu tư khắc phục sạt lở, đảm bảo an toàn để thầy trò trở về dạy và học ổn định, chứ phải dạy và học trong cảnh tạm bợ, xa xôi như hiện nay thì quá vất vả, ảnh hưởng lớn đến chất lượng dạy và học…

Ông BhLing Mia, Bí thư Huyện ủy Tây Giang cho biết, Dự án (DA) Trường THPT Võ Chí Công do Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Nam làm chủ đầu tư; ban đầu nguồn kinh phí chỉ 24 tỷ đồng, đến khi đưa vào sử dụng đã phát sinh lên 63 tỷ đồng. Về sau, DA được bàn giao cho Ban Quản lý DA Đầu tư xây dựng Quảng Nam và tiếp tục “đội vốn” vì phải khắc phục sạt lở.

leftcenterrightdel
 Huyện Tây Giang đề xuất phương án san ủi hạ thấp độ cao ngọn núi A Riing phía sau trường nhằm tránh sạt lở. Ảnh: N.P

Để khắc phục tình trạng sạt lở, năm 2020, UBND tỉnh Quảng Nam có quyết định phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư DA của Trường THPT Võ Chí Công (giai đoạn 3), với kinh phí gần 29 tỷ đồng; nhằm san gạt tạo mái dốc, đào xúc đất sạt lở, xây kè bảo vệ taluy dương...

Hơn 4 năm trôi qua, DA vẫn loay hoay tìm phương án lên kế hoạch lựa chọn nhà thầu để tổ chức đấu thầu công trình kè chống sạt quanh trường.

Ông Nguyễn Hưng, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Nam cho hay, khi Trường THPT Võ Chí Công xảy ra sạt lở thì cần phải điều chỉnh chứ không thể để nguyên vậy, dễ xảy ra những hậu quả về sau.

Thời gian qua, đã có nhiều đoàn kiểm tra, khảo sát của tỉnh về Trường THPT Võ Chí Công và đề xuất hướng khắc phục, nhưng có nhiều ý kiến khác nhau nên việc khắc phục quá chậm.

Mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết đã trực tiếp khảo sát hiện trạng công trình Trường THPT Võ Chí Công và đề nghị chủ đầu tư cần tính toán khối lượng đất đá nằm trong phạm vi gây nguy hiểm ở taluy dương, đồng thời điều chỉnh quy mô DA phù hợp, đảm bảo cho giai đoạn sửa chữa, xây dựng kè chống sạt trượt. Ban Quản lý DA Đầu tư xây dựng Quảng Nam cần rà soát cụ thể DA, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát toàn bộ để có cơ sở báo cáo Thường trực Tỉnh ủy xin chủ trương. 

Còn ông Bh’Ling Mia thông tin, qua xem xét, nghiên cứu kỹ về địa lý, địa hình thực tế, huyện Tây Giang đề xuất phương án san ủi hạ thấp độ cao ngọn núi A Riing, nhằm giảm thiểu thấp nhất tình trạng sạt lở, đảm bảo an toàn cho trường học và cả khu dân cư bên cạnh trường.

Huyện đã báo cáo UBND tỉnh và Thường trực Tỉnh ủy xem xét, phê duyệt trong thời gian sớm nhất.

Ngọc Phó