Học bạ số thay thế học bạ giấy

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội, việc triển khai thí điểm học bạ số nhằm xây dựng, hoàn thiện mô hình, quy trình quản lý, sử dụng học bạ số, làm cơ sở để triển khai thống nhất trên toàn thành phố.

Hà Nội sẽ thực hiện thí điểm học bạ số năm học 2023 - 2024 đối với các khối từ lớp 1 đến lớp 4, lớp 6 đến lớp 8, ở cấp THPT là lớp 10 và 11. Phạm vi thí điểm là các cơ sở giáo dục bảo đảm các yêu cầu về hạ tầng kĩ thuật, chủ động về nhân lực, nguồn lực để thực hiện các giải pháp, nội dung, yêu cầu đối với học bạ số.

Theo kế hoạch, tháng 7/2024, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ tổng kết và đánh giá, rút kinh nghiệm quá trình triển khai thí điểm.

Với học bạ số, học sinh, phụ huynh và các trường học được cấp quyền truy cập sẽ tra cứu được toàn bộ quá trình học tập của học sinh. Cổng tra cứu học bạ số trực tuyến cũng cho phép xuất ra bản mềm, có thể in được trên giấy theo mẫu học bạ quy định của Bộ GD&ĐT để sử dụng trong một số trường hợp cụ thể.

Học bạ số có giá trị pháp lý như học bạ giấy, sử dụng thay thế học bạ giấy trong các thủ tục hành chính liên quan. Năm học 2023 - 2024, toàn thành phố Hà Nội có 2.193.326 học sinh ở các cấp học, tương ứng với gần 2 triệu học bạ số sẽ được thí điểm trong tháng 4 và tháng 5.

Sở GD&ĐT Hà Nội đánh giá, việc triển khai học bạ số có nhiều thuận lợi vì hiện nay, 100% thông tin học sinh phổ thông đã được cấp mã số trên cơ sở dữ liệu GD&ĐT, được xác thực định danh với dữ liệu dân cư; 100% trường tiểu học đã trang bị đầy đủ máy tính kết nối internet, có cán bộ để vận hành hệ thống quản lý giáo dục chuyên ngành và cơ sở dữ liệu GD&ĐT.

Bên cạnh đó, 100% hồ sơ học sinh đã được gắn mã số định danh duy nhất; 100% giáo viên, nhân viên các trường học đều có kinh nghiệm, trình độ công nghệ thông tin để có thể tham gia sử dụng hệ thống quản lý thông tin giáo dục chuyên ngành.

Tính đến 15/3/2024, Hà Nội có 45,1% giáo viên, nhân viên ở các trường phổ thông đã được trang bị ký số cá nhân với tổng số lượng 37.509 ký số.

Tránh tình trạng… “làm đẹp” học bạ

Vấn đề được dư luận quan tâm là khi sử dụng học bạ số, có thể sửa điểm để “làm đẹp” hồ sơ không?

Theo kế hoạch của Sở GD&ĐT Hà Nội, trước ngày 30/6 hàng năm, các trường học báo cáo học bạ số, chốt dữ liệu học bạ của tất cả học sinh về cơ sở dữ liệu do Sở GD&ĐT quản lý.

Đối với những học sinh chưa được xác nhận hoàn thành chương trình lớp học tại thời điểm 30/6 và cần được đánh giá bổ sung để xét hoàn thành chương trình lớp học, thời gian chốt dữ liệu học bạ trước ngày 15/8.

Cơ sở dữ liệu học bạ do Sở GD&ĐT quản lý cho phép tiếp nhận học bạ từ các nhà trường, cho phép nhà trường thu hồi hoặc báo cáo thay thế học bạ số trong thời gian chưa chốt dữ liệu học bạ.

Như vậy, học bạ số chỉ có thể được sửa chữa nếu có sai sót trước ngày chốt dữ liệu. Kể từ thời điểm chốt dữ liệu, học bạ số được xem là có hiệu lực sử dụng và không thể sửa, thay đổi được nội dung.

Đơn vị duy nhất có thẩm quyền sửa chữa và chịu trách nhiệm về thông tin học bạ thuộc về nhà trường nơi phát hành học bạ.

Thực tế hiện nay, bậc THPT ở Hà Nội có nhiều trường tư thục xét tuyển bằng học bạ. Đơn cử, năm học 2023 - 2024, toàn thành phố có 104 trường tư thục, công lập tự chủ tài chính được phê duyệt phương án tuyển sinh với khoảng 30.000 chỉ tiêu lớp 10. Trong đó, có 102 trường xét học bạ của học sinh ở 4 năm học cấp THCS để tuyển sinh.

Không chỉ vậy, nhiều trường đại học cũng xét tuyển bằng học bạ. Theo thông báo của các trường, đến nay có khoảng hơn 170 trường đại học đã thông báo xét tuyển học bạ THPT năm 2024. Trong danh sách này, có nhiều trường đại học top đầu cũng dành chỉ tiêu để xét tuyển học bạ như: Học viện Ngoại giao; Học viện Tài chính, Học viện Ngân hàng, Đại học Ngoại thương...

Việc số hoá học bạ được dư luận kỳ vọng tránh được việc sửa điểm “làm đẹp” hồ sơ phục vụ công tác xét tuyển vào các trường. Bởi với học bạ điện tử, khi vào điểm hoàn thành người quản lý khoá lại thì không sửa điểm được nữa. Nếu trường hợp bị nhầm cần điều chỉnh đúng, quản lý phải mở hệ thống để sửa và mọi hoạt động đều lưu lại lịch sử.

TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội, đánh giá: Việc chuyển đổi từ học bạ giấy sang sử dụng học bạ điện tử mang lại nhiều lợi ích trong quản lý, cũng như tiết kiệm thời gian, chi phí in ấn, quản lý sổ sách, thuận tiện lưu trữ, bảo quản. Đặc biệt, phần mềm cho phép kiểm tra, giám sát việc hiệu chỉnh điểm của giáo viên, đảm bảo tính công bằng, minh bạch trong giáo dục, tránh việc sửa điểm và “làm đẹp” học bạ cho học sinh.

Chia sẻ về ý nghĩa mà học bạ số mang lại, ông Lê Đức Thuận - Trưởng phòng GD&ĐT quận Ba Đình cho biết, học bạ điện tử, sổ điểm điện tử đã và đang được triển khai ở các trường trên địa bàn quận và nhận được sự hưởng ứng, đánh giá tích cực từ các cán bộ, giáo viên, giúp thầy cô giảm tải hồ sơ trong nhiều công đoạn.

Trước đây, mỗi dịp cuối học kỳ là một sự ám ảnh với giáo viên khi phải ngồi trước chồng học bạ của hàng trăm học sinh ở nhiều lớp trong trường, mở từng cuốn, ghi điểm và ký xác nhận cho từng em thì nay thầy cô có thể dùng chữ ký số và chỉ cần ký một lần.

Các phần mềm hiện đang được các trường trong quận Ba Đình triển khai đã được chọn lọc và mang tính đồng bộ, liên thông và theo đúng các quy định của pháp luật nên không tạo thêm áp lực mà ngược lại, giảm áp lực rất nhiều cho giáo viên về hồ sơ, sổ sách.

Hải Hà