Thực hiện Kế hoạch số 1233/KH-BGDĐT ngày 20/9/2024 của Bộ trưởng Bộ GDĐT về việc soạn thảo Nghị định của Chính phủ quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục, chương trình giáo dục, việc cấp văn bằng chứng chỉ thực hiện liên kết giáo dục, giảng dạy chương trình tích hợp, các đơn vị của Bộ GDĐT đã phối hợp với Sở GDĐT Hà Nội tổ chức khảo sát, đánh giá tình hình thực hiện liên kết giáo dục với nước ngoài thực hiện chương trình giáo dục tích hợp để làm căn cứ nghiên cứu xây dựng Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thủ đô (sửa đổi).

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Nguyễn Xuân Thành cho biết, Luật Thủ đô được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 7, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành kế hoạch triển khai thi hành luật với nhiều nội dung cụ thể, trong đó có việc xây dựng nghị định của Chính phủ triển khai Luật Thủ đô.

Trong Dự thảo Nghị định của Chính phủ triển khai Luật Thủ đô, có nội dung về điều kiện, trình tự, thủ tục, chương trình giáo dục, việc cấp văn bằng, chứng chỉ thực hiện liên kết giáo dục giảng dạy chương trình tích hợp. Do đó, Bộ GDĐT tổ chức hội thảo để góp ý về nội dung này.

Đánh giá thực trạng việc triển khai thực hiện liên kết giáo dục với nước ngoài tại các cơ sở giáo dục, hầu hết các ý kiến đều cho rằng chủ trương xây dựng nghị định này góp phần tạo động lực để Thủ đô tăng cường đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho giáo dục Thủ đô, tạo cơ hội hội nhập quốc tế cho các nhà trường.

Tuy nhiên, trong quá trình khảo sát, đại diện các cơ sở giáo dục đặt ra một số khó khăn và cần có chính sách giải quyết trong khuôn khổ của nghị định mới về điều kiện cơ sở vật chất, điều kiện về tài chính, điều kiện về đội ngũ, về chương trình giáo dục, trình tự, thủ tục phê duyệt chương trình giáo dục tích hợp, liên kết giáo dục, về công nhận văn bằng chứng chỉ, về trách nhiệm quản lý các cấp.

Chia sẻ tại hội thảo, Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, với đặc thù của ngành Giáo dục Thủ đô, Luật Thủ đô là hành lang pháp lý, căn cứ, tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Do đó, Sở GDĐT Hà Nội mong muốn các đơn vị, chuyên gia có ý kiến góp ý ở nhiều khía cạnh, đầy đủ ở cả góc độ thực tế triển khai và quản lý Nhà nước. Sở GDĐT luôn cầu thị, lắng nghe và tiếp thu đầy đủ, toàn bộ ý kiến của các đơn vị, chuyên gia để hoàn thiện hơn dự thảo nghị định.

Tại hội thảo các ý kiến tham gia thảo luận từ các đơn vị thuộc Bộ GDĐT, các cơ sở giáo dục tại Hà Nội, các chuyên gia, nhà khoa học đã nêu nhiều ý kiến, đề xuất liên quan đến các quy định về chương trình giáo dục, kiểm định chất lượng giáo dục, quy định về cơ sở vật chất, quy định về đội ngũ giáo viên, quy định về việc cấp văn bằng, chứng chỉ thực hiện liên kết giáo dục giảng dạy chương trình tích hợp, quy định về tài chính, kinh phí, đầu tư…

Lê Phương