"Nghìn việc tốt" ra đời từ khi nào?

Cách đây 56 năm, ngày 24/3/1963, tại Trường THCS Tam Sơn, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, với sáng kiến, khởi xướng của đồng chí Tổng phụ trách Đội (nay là Nhà giáo Nhân dân - Anh hùng Lao động) Nguyễn Đức Thìn, phong trào “Nghìn việc tốt” đã được phát động. 

Ngay sau đó, được sự cổ vũ của Báo Thiếu niên Tiền phong và sự chỉ đạo kịp thời của Ban Bí thư Trung ương Đoàn (nay là Hội Đồng đội Trung ương), các cấp bộ Đoàn tỉnh Bắc Ninh, “Nghìn việc tốt” đã trở thành phong trào thi đua yêu nước của thiếu nhi Việt Nam; được Đảng, Nhà nước, Bác Hồ, ngành Giáo dục và nhân dân khen ngợi.

Đến nay, phong trào vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ với nhiều cách làm, nhiều hình thức sinh động, trở thành nét đẹp hàng ngày của thiếu nhi ở mọi nơi, mọi lúc. Từ học tập tốt, lao động tốt, giành nhiều hoa điểm tốt; nhặt được của rơi trả người đánh mất, đến những việc làm ý nghĩa như: “Nghìn việc tốt" gắn với giúp đỡ ông bà, bố mẹ; “Nghìn việc tốt" tri ân các gia đình có công với nước; “Nghìn việc tốt" giúp đỡ người khuyết tật đơn côi, giúp đồng bào vùng lũ lụt, giúp bạn nghèo vượt khó, giúp bạn cùng tiến; “Nghìn việc tốt" đoàn kết với bạn bè quốc tế… Qua đó, tạo dựng những tâm hồn tuổi thơ trong sáng, giàu ước mơ, lòng nhân ái để góp phần quan trọng xây dựng quê hương Bắc Ninh nói riêng và Tổ quốc Việt Nam ngày thêm giàu mạnh.

Làm thầy giáo, ông luôn nghĩ: “Cái gốc để vun đắp cho lứa tuổi thiếu niên là truyền thống đạo đức, văn hóa của dân tộc. Dạy tốt là phải vun đắp cái gốc ấy”.

Vì vậy, năm 1961, ngay khi Trường cấp II Tam Sơn thành lập, ông phát động phong trào thi đua “Thắp sáng ngọn đèn Ngô Gia Tự, noi gương Ngô Gia Tự đi đường cách mạng của Bác Hồ”. Năm 1963, ông lại là người khởi xướng phong trào “Nghìn việc tốt” và nhanh chóng lan tỏa mạnh mẽ ra toàn quốc. Từ nhà trường về đến xóm quê, đâu đâu cũng sôi nổi thi đua làm việc tốt, người lớn gương mẫu, trẻ em chăm ngoan, đưa cái đẹp vào cuộc sống, tự rèn kỹ năng sống cho các em.

Từ thầy giáo tuyệt vọng vì bệnh tật…

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Đức Thìn sinh năm 1940 ở Đình Bảng, thị xã Từ Sơn. Tuổi thơ, cậu bé Thìn đã chứng kiến máy bay của thực dân Pháp ném bom xuống làng, bao vây tấn công rồi chiếm đóng làng, bắt bớ, tra tấn, giết hại nhiều người. 11 tuổi, cậu bé Thìn tham gia Đội Thiếu niên du kích Đình Bảng, bí mật cùng nhân dân hoạt động trong lòng địch để giải phóng quê hương.

Hè năm 1958, học xong cấp II, chàng thanh niên Nguyễn Đức Thìn về làng tham gia làm Tổ trưởng giáo viên Mẫu giáo Vỡ lòng, Tổ trưởng giáo viên Bình dân học vụ, Tổ trưởng Thông tin Văn hóa và phụ trách thiếu nhi ở xã. Ở cương vị nào, chàng thanh niên Thìn cũng gắng làm tốt và được kết nạp vào Đoàn, được Bộ Giáo dục tặng tấm Chân dung Bác Hồ ký tặng Chiến sĩ diệt dốt đúng dịp tròn 18 tuổi. Lúc này, anh giáo làng càng ước mơ được trở thành giáo viên thực thụ, truyền bá kiến thức cho những người nông dân yêu quý, nhất là cho đàn em thân yêu.

Ước mơ ấy trở thành hiện thực kể từ tháng 9/1959, Nguyễn Đức Thìn là giáo viên dân lập, kiêm Bí thư Chi đoàn, Tổng phụ trách Đội thiếu niên Trường cấp I Đình Bảng, và cũng đã học xong chương trình bổ túc cấp III. Ngoài giờ học ở lớp, thầy Thìn thường hay hướng dẫn học sinh hoạt động ngoại khóa. Thầy trò cùng vui mà học, học mà vui, thi đua cùng học tốt.

Năm 1961, thầy Thìn được cử đến công tác tại Trường cấp II Tam Sơn vừa có quyết định thành lập. Tam Sơn trong lịch sử khoa bảng là đất Tam khôi. Một làng từng có 2 Trạng nguyên là Nguyễn Quán Quang và Ngô Miễn Thiệu, có tới 19 vị Tiến sĩ là những thám hoa, bảng nhãn. Đây còn là quê hương nhà cách mạng tiền bối, thầy giáo Ngô Gia Tự.

Khi tài năng đang vào độ chín, thì thật không may, Nguyễn Đức Thìn phát hiện bị mắc bệnh phong, người đời gọi là bệnh "hủi", căn bệnh mà cả xã hội lúc đó còn nhiều định kiến xa lánh.
Đau đớn, buồn chán, nhưng thầy Thìn đã không cho phép mình suy sụp, bản lĩnh nhà giáo cho thầy sức mạnh không được buông xuôi cuộc đời.

Vào Khu điều trị phong - da liễu Trung ương ở Quỳnh Lập (Nghệ An) được ít ngày, bằng cảm quan của một nhà giáo, ông nhận thấy nơi này dường như đang bị tách biệt cộng đồng, nhất là chuyện học hành của 150 con em bệnh nhân. Một ý tưởng mới chợt đến, được sự ủng hộ của Giám đốc - Bác sĩ Trần Hữu Ngoạn, thầy Thìn quyết tâm vận động mở trường bên bờ biển, cùng các đồng nghiệp, đồng bệnh đang điều trị ở đây được phép của thầy thuốc vừa điều trị, vừa công tác.

Ngày 5/9/1979, cùng với học sinh cả nước đến trường khai giảng năm học mới, trẻ em Khu điều trị bệnh phong - da liễu Quỳnh Lập cũng nô nức rủ nhau tới trường mới mang tên Lê Văn Tám. Ngôi trường nơi thầy Thìn cùng những nhà giáo, những nhà khoa học không may bị bệnh vào đây điều trị tự nguyện làm thầy giáo dạy dỗ, nâng bước cho các em học để rồi được vào đời. Cũng từ đó, khu điều trị được biết đến không chỉ qua thành tích học tập của con em bệnh nhân, mà còn là sự dũng cảm chiến thắng bệnh tật, vươn lên trong cuộc sống, phá vỡ những mặc cảm, nghi ngại của nhiều bệnh nhân.

Đã 80 tuổi đời và bị tàn tật, nhưng thầy vẫn hăng say lao động. (Trong ảnh là thầy dùng bút để gõ chữ trên bàn phím). Ảnh: Nam Dũng

 

Làm Hiệu trưởng kiêm Tổng phụ trách đội trại phong Trường Lê Văn Tám, thầy Thìn vừa điều trị bệnh, vừa công tác tốt, làm Bí thư Chi bộ bệnh nhân, Trưởng ban Văn hóa "Làng Quỳnh yêu thương". Phương thức kỳ diệu nào cũng cần tới lòng lạc quan, vui sống, mặc dù di chứng bệnh tật đã khiến cho đôi bàn tay của thầy không còn lành lặn như xưa, nhưng bù lại, ý chí và nghị lực trong thầy như được nhân lên gấp bội. Thầy Thìn là đối nhân khác thời của Hàn Mặc Tử, làm thơ để nhân lên niềm tin yêu con người và cuộc sống.

Biến rủi thành may, những ngày ở Quỳnh Lập, thầy Thìn yên tâm điều trị, vừa chữa bệnh vừa làm việc, hiểu thêm nhiều điều, nhất là khát vọng sống đẹp. Thầy cũng là đại diện của những người bệnh dự "Hội nghị Khoa học và nhân đạo về bệnh phong" do Bộ Y tế tổ chức ở Quỳnh Lập, tham luận góp tiếng nói về xóa bỏ thành kiến không khoa học, không nhân đạo về bệnh phong, đề xuất những ý kiến cụ thể thiết thực về tổ chức cuộc sống điều trị và cuộc sống xã hội cho những người mắc bệnh phong.

Sau 4 năm ở Quỳnh Lập, không để phí một ngày (từ 8/1/1979 đến 8/1/1983), Nguyễn Đức Thìn chia tay Quỳnh Lập, trở về với mái trường Tam Sơn, cùng tập thể vui mở hội truyền thống "Nghìn việc tốt" lần thứ 20. Rồi từ năm 1983, thầy Thìn về với mái trường của quê nhà Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh, nơi ông bắt đầu sự nghiệp trồng người. Đến năm 1991, ông về nghỉ hưu.

… đến người truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ

Năm 1991, về nghỉ hưu, ông được nhân dân giao cho chức Trưởng Ban Tuyên truyền, vận động xây dựng lại đền Đô - Di tích Quốc gia thờ 8 vị vua nhà Lý - nơi Bác Hồ từng thắp hương cho các vị vua và nói chuyện với bà con nhân dân.

Dù đôi bàn tay không còn xòe ra được nhưng ông Thìn vẫn cầm bút gõ máy tính và tiếp tục sáng tác thơ, văn và viết báo, tích cực tham gia các hoạt động đoàn thể, xã hội ở địa phương. Ông đã viết và in được 3.000 trang sách, hàng trăm bài báo.

Ông đã có hơn 30 sáng kiến, đề tài khoa học các cấp. Trong đó, có 4 đề tài được tặng Bằng khen và Huy hiệu Lao động sáng tạo của Tổng Công đoàn Việt Nam (nay là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam). Lúc này, phong trào "Nghìn việc tốt" của ông cũng đã lan toả trên khắp cả nước.

Trân trọng tấm gương nghị lực với những cống hiến lớn lao qua bao tháng năm miệt mài sáng tạo, tận tụy vì sự nghiệp ươm trồng mầm xanh tương lai, năm 1985, thầy Thìn được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.

Đến năm 1988, trong danh sách phong tặng Nhà giáo Nhân dân đợt đầu cũng ghi tên thầy giáo Nguyễn Đức Thìn. Hạnh phúc, tự hào đón nhận những danh hiệu vinh quang ấy, thầy Thìn xác định trách nhiệm của mình sẽ càng nặng nề hơn.

Mới đây nhất, ngày 16/8/2019, ông được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tặng Bằng khen vì “Đã có thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, giai đoạn 2018 - 2019, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc”.

Về hưu với di chứng bệnh phong, 10 ngón tay co quắp tê dại mất cảm giác, nhưng ông luôn dành dụm từng đồng lương hưu ít ỏi mua sắm máy ảnh, máy quay, máy ghi âm để kiếm sống và phục vụ cho các công tác xã hội.

Ông cho biết, từ lúc về hưu ông mới làm được nhiều việc nhất. Hưu mà không nghỉ, ông xuống biển làm cảng, lên rừng làm đường, viết lịch sử Đình Bảng, làm hướng dẫn viên du lịch đền Đô, sáng tác thơ văn, tự đánh máy hàng nghìn trang bản thảo, xuất bản 15 đầu sách, trong đó có 8 tập thơ, và đặc biệt, cuốn tự truyện “Chuyện cuộc đời” dày gần 500 trang là tư liệu quý, kịch bản hay cho các nhà làm phim xây dựng hơn 10 bộ phim tài liệu...

Một “anh giáo làng” không được đào tạo chuẩn, không học qua đại học, nhưng đã đến các trường đại học để nói chuyện, truyền cảm hứng, thắp sáng ngọn lửa nhân ái trong nhiều thế hệ sinh viên, tuổi trẻ Việt Nam.

Không những thế, phong trào “Nghìn việc tốt" theo bước thầy Thìn đến với thiếu nhi quốc tế ở Berlin (Đức) năm 1971, Ulanbato (Mông Cổ) năm 1975, Viên Chăn (Lào) năm 1988...

Bây giờ, khi chạm ngưỡng tuổi 80, ông vẫn bảo “Tôi thấm thía rằng, sáng kiến dù nhỏ nhưng nếu biết đề ra đúng lúc, đúng nguyện vọng của quần chúng đang khát khao hành động, thì lập tức sáng kiến biến ngay thành một phong trào rộng rãi”. Điều khiến ông tự hào nhất là ngoài những kết quả vật chất đạt được còn có một kết quả to lớn về tinh thần, đó là các em thương yêu, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Tình người đối với nhau trở nên nồng ấm hơn.

Trong sách vàng “Những gương mặt vì sự nghiệp khoa học, giáo dục, văn hóa ở Việt Nam” của Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam, đã nhận xét ông là một nhà giáo hội tụ đủ Tâm - Tài - Đức.

Niềm lạc quan ấy vẫn được thầy Thìn chất chứa trong những câu thơ của thầy: “Mình ngỡ mình vẫn là thiếu niên/Như ngày xưa ước mang khăn quàng đỏ/Tám mươi tuổi không nghĩ mình già/Hứng khởi tinh thần đời thơm hoa”.

Nam Dũng