Phát huy lợi thế sẵn có

Bản Sin Suối Hồ (xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) hiện có 125 hộ dân, với 100% là người Mông sống tập chung. Bản nằm ở độ cao 1.500m so với mực nước biển, có khí hậu mát mẻ, cảnh quan hùng vĩ, thiên nhiên tươi đẹp, hoang sơ. Du khách có thể thăm quan bản làng, trekking tìm hiểu hệ thống rừng nguyên sinh (thác nước, con suối, những thửa ruộng bậc thang, các loại địa lan, cánh rừng thảo quả...). Khám phá chinh phục đỉnh Bạch Mộc Lương Tử có độ cao trên 3.045m thuộc địa phận bản Dền Sung, đỉnh Pu Ta Leng với độ cao 3.049m thuộc địa phận huyện Tam Đường.

Bản Sin Suối Hồ có những nét đẹp văn hoá truyền thống rất độc đáo, từ trang phục cho đến lối sống, phong tục tập quán, đều mang đậm bản sắc dân tộc, phương thức sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp truyền thống.

Nét văn hóa độc đáo được thể hiện qua kiến trúc nhà trình tường, nhà có kiến trúc đẹp, mang những nét đặc trưng của người Mông và quanh nhà thường có hàng rào đá bao quanh. Tường rào đá dựng chỉ cao nửa người, chủ yếu là để phân tách đất nhà với vùng đất đồi nương phía bên ngoài. Cấu trúc trình tường độc đáo ấy vẫn tạo được sự chắc chắn cho ngôi nhà, đồng thời làm mát vào mùa hè và giữ ấm vào mùa Đông, lại có thể chống được thú dữ và thiên nhiên khắc nghiệt.

leftcenterrightdel
Lễ hội giã bánh giày của người Mông Sin Suối Hồ. Ảnh: Bùi Bình 

Bên cạnh đó, người Sin Suối Hồ có đời sống tinh thần, tâm linh rất phong phú và đa dạng, tạo nên truyền thống văn hóa Mông với nhiều nét đặc sắc. Một trong những lễ hội tiêu biểu thể hiện truyền thống của người Mông chính là lễ hội Gầu Tào đây cũng là lễ hội lớn nhất trong năm của người Mông. “Gầu Tào” tiếng Mông nghĩa là “chơi ngoài trời”.

Lễ hội Gầu Tào tổ chức ngày mùng 3 đến mùng 6 tháng Giêng với mục đích cầu phúc, cầu mệnh, mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, người người khỏe mạnh, cùng với đó là các trò chơi dân gian hấp dẫn như: Ném pao, đẩy gậy, kéo co, tù lu ...

Ngoài ra, bản còn tổ chức các lễ hội thường niên như: Lễ hội mừng thóc mới (diễn ra và tháng 9, 10 Dương lịch), lễ hội rau cải mèo (diễn ra vào tháng 1, 2 Dương lịch), lễ hội gã bánh giày (diễn ra vào tháng 11,12 Dương lịch). Nghề truyền thống của người dân là nghề  thêu thổ cẩm, nấu rượu, đan lát, rèn...

Trang phục của người phụ nữ Mông rất sặc sỡ, đa dạng, gồm: Váy, áo xẻ ngực có yếm lưng, tấm xiêm che trước bụng, thắt lưng, khăn quấn đầu, xà cạp quấn hai bụng chân… Đồ trang sức bao gồm khuyên tai, vòng cổ, vòng tay, vòng chân, nhẫn. Trang phục của đàn ông giống như đàn ông Nùng: quần dài, đũng chân què cạp lá tọa, áo ngắn ống  rộng cổ đứng mổ bụng khuy cài, quần áo đều màu chàm.

Đội văn nghệ, của bản được duy trì, thường xuyên biểu diễn các tiết mục văn nghệ mang đậm bản sắc văn hóa bản địa với những điệu múa, hát cùng những loại nhạc cụ truyền thống như: Khèn, trống, sáo, khèn lá… Đến với Sin Suối Hồ du khách còn được văn hóa ẩm thực của người Mông như: Mèn mén, bánh giày, thịt treo gác bếp, rượu thóc, rượu táo mèo...

leftcenterrightdel
Khung cảnh yên bình tại bản du lịch Sin Suối Hồ. Ảnh: Nga Vũ 

Môi trường du lịch an toàn, thân thiện

Trong những năm qua, phong trào chung tay xây dựng phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới được nhân dân trong bản hưởng ứng sâu rộng, có sức lan tỏa lớn; hạ tầng kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn ngày càng được đầu tư đồng bộ, phục vụ phát triển sản xuất và đời sống của người dân khu vực nông thôn; bản sắc văn hóa truyền thống được phát huy, xóa dần các tập tục văn hóa không phù hợp ở cộng đồng dân cư.

Từ khi bắt tay vào làm du lịch, người dân trong bản đã từng bước nâng cao ý thức trong việc cải thiện vệ sinh, cảnh quan môi trường, đặt các thùng rác tại các khu vực tham quan, phân công người dân thu gom rác thải, trồng nhiều loại cây, hoa tạo cảnh quan “xanh - sạch - đẹp”, di rời chuồng trại gia súc ra xa nhà, đầu tư xây dựng các công trình vệ sinh đạt chuẩn phục vụ khách, mua sắm thêm các trang thiết bị để đón khách tham quan, lưu trú... 

Anh Hạng A Xà, Chủ nhiệm HTX Trái Tim, thôn Sin Suối Hồ cho biết, để tạo tâm lý an tòa khi khách đến thăm quan, lưu trú tại bản, nhân dân trong bản đã thống nhất xây dựng và thực hiện khẩu hiệu “5 không”, người dân tự giác tuyên truyền nâng cao ý thức trong việc bảo đảm an ninh trật tự tại bản và cho du khách không để xảy ra tình trạng trộm cắp, nghiện hút, mất trật tự an ninh…

leftcenterrightdel
Chợ phiên thứ 7 tại Sin Suối Hồ. Ảnh: A Xà 

Người dân tại bản thân thiện, mến khách, phần lớn các hộ dân trong bản đều có quan hệ họ hàng với nhau, tổ chức cộng đồng khá chặt chẽ, có kỹ năng giao tiếp điều này rất thuận lợi cho phát triển du lịch. Trưởng bản là người có uy tín với cộng đồng.

Để phát triển du lịch bản đã có kế hoạch quảng bá qua các kênh mạng xã hội như facebook, zalo, website, instagram, youtube… và làm tốt các sản phẩm du lịch, cũng như các dịch vụ phục vụ khách như dịch vụ homestay, nhà hàng, bungalow, qua đó du khách sẽ đánh giá và quảng bá thêm cho bạn bè… Trước khi có dịch COVID-19 lượng khách đến với bản trung bình khoảng 16.000 lượt khách/năm, năm 2021 do dịch bệnh nên lượng khách giảm đáng kể.

Hiệu quả từ phát triển du lịch đã làm thay đổi đời sống nhân dân, người dân có thêm thu nhập từ dịch vụ nhà hàng, nhà nghỉ, bán nông sản… Đời sống văn minh hơn, ấm no, cũng như được tiếp cận với nhiều nền văn hoá khác nhau cũng như nhiều kiến thức từ du khách khi đến với bản làng, anh Xà chia sẻ.

Thới gian tới, bản sẽ khôi phục lại những nét văn hoá truyền thống đã bị mai một, đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp, tạo dựng các sản phẩm du lịch thêm đa dạng, cải thiên các dịch vụ, mở rộng các tuyến đường để thuận tiện nhất cho khách du lịch, tiếp tục giữ gì cảnh quan thiên nhiên, bản làng luôn xanh - sạch -  đẹp.

Hướng phát triển du lịch cộng đồng như Sin Suối Hồ đã trở thành những nguồn thu quan trọng cho đồng bào, tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội địa phương, đồng thời tạo thêm nguồn lực cho việc xây dựng nông thôn mới ngay tại cơ sở.

Bùi Bình