Toàn tỉnh Nghệ An hiện có 47 thành phần dân tộc khác nhau, chiếm 14,76% dân số trong toàn tỉnh. Trong đó, đồng bào DTTS chiếm tỷ lệ cao nhất là: Thái, Thổ, Khơ Mú, Mông, Ơ Đu tập trung chủ yếu ở các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong, Qùy Châu, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn...

Dù là địa bàn còn nhiều khó khăn, song vùng DTTS và miền núi phía Tây Nghệ An lại là nơi có nhiều lợi thế về phát triển du lịch. Trên những vùng đất này, du khách không chỉ được tham quan, thưởng lãm cảnh đẹp thiên nhiên mà còn được quan sát, trải nghiệm văn hóa bản địa thông qua các yếu tố phong tục tập quán, trang phục, ẩm thực, ngôn ngữ...

Chính sự phong phú, đa dạng của bức tranh văn hóa muôn màu đó đã tạo nên sức hút cho du lịch di sản, tạo nên nét đặc thù, bản sắc riêng của sản phẩm du lịch.

Trong số các DTTS sinh sống tại Nghệ An thì dân tộc Thái là tộc người có sự tương tác mạnh mẽ nhất đối với ngành du lịch.

Cùng với sự chuyển biến trong phát triển kinh tế - xã hội và phát triển văn hóa, từ nhiều năm gần đây, tại các địa bàn có đồng bào DTTS sinh sống, người dân đã chú trọng hướng tới khai thác du lịch bản địa với việc đưa vào các điểm du lịch cộng đồng đạt hiệu quả, tạo dấu ấn cho du khách như: Bản Thái cổ Hoa Tiến, xã Châu Tiến (huyện Quỳ Châu); bản Khe Rạn, xã Bồng Khê, bản Nưa, xã Yên Khê, bản Xiềng, xã Môn Sơn (huyện Con Cuông); bản Quang Phúc, Quang Thịnh, xã Tam Đình (huyện Tương Dương)…

leftcenterrightdel
Khám phá chinh phục sông Giăng trong vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát. Ảnh: Vi Thắm

Đáng kể là những ngôi nhà sàn bằng gỗ mà đến nay nhiều bản vẫn duy trì rất tốt và khác biệt về kiến trúc nhà ở theo lối truyền thống nguyên bản.

Bên cạnh đó, đời sống tinh thần của người Thái rất phong phú với những làn điệu dân ca như lăm, khắp, nhuôn, xuối và những điệu múa sạp, lăm vông, cũng như nhạc cụ độc đáo như cồng, chiêng, trống, khắc luống, sáo, khèn bè…

Ngoài ra, tại các vùng có đồng bào DTTS sinh sống, hoạt động của nghề và làng nghề truyền thống vẫn được bảo lưu và trao truyền như nghề đan lát, nghề dệt thổ cẩm, rượu cần, rượu men lá; dụng cụ nhà bếp truyền thống như chõ nấu xôi bằng gỗ, bàn ghế bằng mây.

Ẩm thực người Thái cũng rất đa dạng, khá cầu kỳ trong chế biến mang hương vị rất riêng với các món ăn đặc sản núi rừng như gà đen, lợn đen, cá mát, cơm lam, măng đắng...

Chị Lang Thị Tâm, Giám đốc Hợp tác xã Du lịch cộng đồng Hoa Tiến, chủ homestay Từ Tâm, bản Hoa Tiến 2, xã Châu Tiến, huyện Qùy Châu cho biết: Là một trong những hộ khai thác du lịch cộng đồng trên địa bàn, chúng tôi thấy rằng bên cạnh chú trọng về các đặc trưng liên quan đến ẩm thực đồng bào thì không gian, kiến trúc văn hóa của dân bản địa độc đáo gắn với đặc trưng văn hóa nông nghiệp rất quan trọng, quyết định đến sự khám phá của du khách.

Đơn cử, ở huyện Qùy Châu có guồng nước (còn gọi là cọn nước), nhà sàn cổ... khiến du khách rất tò mò, muốn tìm hiểu, đến với du lịch cộng đồng. 

Khác với người Thái, Thổ, sinh sống trên núi cao, địa hình hiểm trở, các dân tộc Mông, Khơ Mú có những nét riêng, đặc trưng. Với người Mông, kiến trúc nhà ở không làm nhà sàn như người Thái và Khơ Mú mà lại làm nhà trệt bằng gỗ sa-mu, pơ-mu để tránh gió. Trang phục không khoe vẻ đẹp cơ thể qua kỹ thuật cắt may như trang phục của người Thái, Thổ mà chủ yếu thể hiện vẻ đẹp ở trang trí, màu sắc, hoa văn của người Mông.

Ông Nguyễn Mạnh Lợi, Phó Giám đốc Sở Du lịch Nghệ An cho biết: Thời gian qua, tỉnh Nghệ An đã hỗ trợ kinh phí cho các hộ kinh doanh dịch vụ du lịch cộng đồng với nhiều hạng mục như xây dựng nhà vệ sinh, mua sắm trang thiết bị phục vụ nhu cầu ăn ở của khách du lịch, hỗ trợ đội văn nghệ của các thôn, bản mua sắm nhạc cụ và trang phục biểu diễn để phục vụ du khách. 

Ngoài ra, tỉnh còn mở các lớp tập huấn nghiệp vụ ngắn hạn về du lịch, đào tạo tiếng Anh cho các học viên cũng như các tổ chức, địa phương có nhu cầu để phục vụ du lịch, nhất là hỗ trợ kinh phí tuyên truyền và quảng bá cho các địa phương có điểm du lịch cộng đồng... 

"Du lịch đối với đồng bào miền núi, vùng DTTS đã khơi dậy niềm tự hào, tự tôn dân tộc, thúc đẩy họ có ý thức bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời quảng bá, lan tỏa hình ảnh vùng đất và con người miền Tây của tỉnh đến với bạn bè trong nước và quốc tế. Từ đó tạo ra việc làm tại chỗ cho người lao động, góp phần tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống, từng bước xóa đói, giảm nghèo và dần xóa bỏ tình trạng di dịch cư của người dân, ổn định hệ thống chính trị, bảo đảm an ninh trật tự trong đồng bào DTTS", ông Lợi cho biết thêm.

Có thể khẳng định phát triển du lịch cộng đồng vùng DTTS đang từng bước trở thành điểm nhấn trong "dư địa" phát triển kinh tế nói chung, du lịch dịch vụ của các địa phương. Để phát triển du lịch một cách bền vững và không làm ảnh hưởng nền văn hóa đặc sắc của đồng bào DTTS bên cạnh sự thông hiểu, chung sức của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, doanh nghiệp du lịch thì chính người dân cũng đóng vai trò quan trọng, quyết định để tạo ra những sản phẩm văn hóa tiêu biểu, thể hiện sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại.

Xuân Thống