Nỗi lo khách nội xuất ngoại

Theo khảo sát, giá vé máy bay đang tăng rất mạnh vào dịp lễ 30/4 cũng như mùa Hè sắp tới. Nhiều công ty du lịch cho biết, giá vé máy bay duy trì ở mức cao trong thời gian qua khiến giá tour nội địa bị cạnh tranh mạnh mẽ so với các điểm đến khác trong khu vực.

Các chuyên gia du lịch cho hay, giá vé máy bay tăng cao nhất ở các tuyến bay từ các thị trường nguồn khách lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đến Phú Quốc. Giá tăng cao kể cả trong ngày thường, không riêng dịp lễ, tết. Tại thời điểm cao điểm nhất, giá vé khứ hồi chặng Hà Nội - Phú Quốc lên đến 10 triệu đồng/lượt, Thành phố Hồ Chí Minh - Phú Quốc là 6 - 8 triệu đồng/lượt.

Một nghịch lý đang diễn ra là trong lúc ngành du lịch nỗ lực thu hút khách quốc tế thì lại lo khách nội địa "rủ nhau" đi du lịch nước ngoài vì giá vé máy bay trong nước cao.

Thực tế cho thấy, chi phí du khách nội địa bỏ ra cao nhất là phục vụ việc di chuyển giữa các điểm đến. Điều này khiến không ít du khách chuyển hướng đến các điểm đến lân cận trong khu vực với khí hậu, văn hóa tương tự nhưng quảng bá hấp dẫn hơn và chi phí hợp lý hơn nhiều.

Mặt khác, các địa phương du lịch nội địa cũng khó thúc đẩy dịch vụ hay tour tuyến liên kết khi chi phí di chuyển tăng cao.

Tạo cú bắt tay giữa du lịch - hàng không và lữ hành

Đẩy mạnh liên kết vùng, liên kết giữa các địa phương

Ngày 23/2/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị số 08/CT-TTg về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững thời gian tới.

Một trong các giải pháp được lưu ý là: Đẩy mạnh liên kết vùng, liên kết giữa các địa phương để hình thành các động lực tăng trưởng du lịch theo phương châm “một cung đường nhiều điểm đến,” hình thành sản phẩm, chuỗi sản phẩm du lịch đặc thù từng địa phương; hợp tác chặt chẽ trong đầu tư, phát triển sản phẩm, truyền thông, quảng bá và triển khai các chiến dịch kích cầu du lịch. 

Để phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững, các địa phương đang từng ngày nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo giá trị gia tăng cho các sản phẩm du lịch liên kết, hợp tác giữa các địa phương, điểm đến; phát triển sản phẩm theo hướng khai thác yếu tố trải nghiệm mang tính đặc thù trên nền các sản phẩm đã có.

Ông Nguyễn Hồng Minh, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Hà Nội cho rằng, một trong những giải pháp giúp giảm chi phí du lịch trong nước là “hạ nhiệt” giá vé máy bay, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch nghiên cứu, hình thành kênh thông tin, trao đổi chính thức, thường xuyên giữa bộ, các hãng hàng không và các địa phương. Thông qua việc trao đổi, tham vấn ý kiến với các cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch, các hãng hàng không có thể điều tiết giá vé máy bay, lịch bay bảo đảm phục vụ tốt nhất cho du khách.

Việc phối hợp với hãng hàng không chỉ giúp các địa phương có thể thu hút khách du lịch vào mùa thấp điểm của địa phương, mà qua đó hạn chế tình trạng du lịch theo mùa hiện nay.

Cùng với đó, các doanh nghiệp đề xuất để du lịch nội địa phát triển nhanh, mạnh và bền vững hơn, cần một "nhạc trưởng" kết nối, tạo cú bắt tay giữa du lịch - hàng không và lữ hành.

Đặc biệt, cần có một “nhạc trưởng” với chương trình hành động kích cầu du lịch quốc gia rõ nét có vai trò cụ thể của từng bên, từ doanh nghiệp đến các bộ, ngành, cơ quan quản lý, các địa phương...

Khi có chiến lược cụ thể, cân đối được chi phí - lợi nhuận và tăng trưởng bền vững trên quy mô toàn quốc, việc kích cầu du lịch sẽ có những bước tiến mới, không chỉ ở câu chuyện về giá.

Chuyên gia cho rằng, người đóng vai trò "nhạc trưởng" chính là Chính phủ và Cục Du lịch quốc gia Việt Nam để xây dựng các chương trình có tính chất kích cầu đột phá ở giai đoạn này với sự tham gia của tất cả địa phương, cộng đồng doanh nghiệp du lịch và các bên liên quan.

Trong đó, các chuyên gia đề xuất triển khai một chương trình kích cầu du lịch nội địa toàn diện với chủ đề "Tôi yêu Việt Nam", qua đó khuyến khích người Việt Nam đi du lịch Việt Nam.

Kiến nghị mở rộng thị trường miễn visa

Liên quan đến chính sách visa, các doanh nghiệp tiếp tục kiến nghị cần mở rộng thêm thị trường miễn visa. Hiện Đông Bắc Á là thị trường thuận lợi nhất đối với du lịch Việt Nam nhưng cũng có rất nhiều thách thức. Để mở rộng nguồn khách cần những chính sách mạnh hơn như một chính sách visa hấp dẫn hơn. Thái Lan, Malaysia, Singapore đã miễn visa cho Trung Quốc.

Các doanh nghiệp kiến nghị lãnh đạo ngành Du lịch tiếp tục trình Chính phủ miễn visa cho các thị trường trọng điểm để tăng cường thu hút thị trường khách quốc tế mới, bù đắp lại những thị trường truyền thống lớn như Trung Quốc, Nga. Xem xét nghiên cứu và áp dụng thủ tục xuất nhập cảnh online qua nhận diện khuôn mặt, e-passport để tạo sự thuận lợi, nhanh chóng... 

Tất cả doanh nghiệp tham gia hoạt động du lịch, gồm vận chuyển, nhà hàng, khách sạn... sẽ cùng chung tay áp dụng mức giá ưu đãi đặc biệt nhưng vẫn giữ nguyên chất lượng dịch vụ hoặc gia tăng những trải nghiệm mới mẻ.

Đơn cử, tại Thành phố Hồ Chí Minh, chủ trương thời gian qua là có những chương trình liên kết, hợp tác với các địa phương trên cả nước nhằm thúc đẩy du lịch. Việc tăng cường liên kết du lịch, liên kết giữa các doanh nghiệp sẽ tạo sản phẩm độc đáo, khác biệt, tránh sự trùng lắp.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, liên kết không phải là việc đơn giản. Các doanh nghiệp đã chủ động liên kết với nhau nhưng để tuân thủ mối liên kết lại không dễ.

Lãnh đạo Công ty Vietravel từng đề xuất thành lập một liên minh gồm các tập đoàn, doanh nghiệp trong ngành du lịch, hàng không để xây dựng phương án kích cầu, liên kết cùng phát triển nhưng không dễ thống nhất về hướng đi. Theo đó, các doanh nghiệp du lịch và hãng hàng không nghiên cứu cùng làm tour dạng thuê bao nguyên chuyến (charter flight), thay vì mua vé máy bay theo series booking (đặt giữ chỗ số lượng lớn trước và phải đặt trước tiền cọc). Phương án này giúp cả hàng không và du lịch cùng có lợi, ổn định về lượng khách và đạt hiệu quả cao nhất.

Thái Hải