Hoàn thành 32/35 mục tiêu nhiệm vụ CĐS

Năm 2023, Yên Bái đã hoàn thành 32/35 mục tiêu (đạt 91,4%), 101/111 nhiệm vụ CĐS (đạt 91%) theo kế hoạch.

2/3 nhóm chính sách hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ CĐS theo Nghị quyết số 60 của HĐND tỉnh đi vào cuộc sống với 771 tổ CĐS cộng đồng thôn, bản, tổ dân phố và 59 công chức, viên chức làm nhiệm vụ CĐS trên toàn tỉnh đã được thụ hưởng chính sách hỗ trợ của tỉnh với tổng kinh phí trên 3,6 tỷ đồng. 

Toàn tỉnh có 57% người dân trưởng thành cài đặt và sử dụng nền tảng Công dân số (YenBai- S); tỷ lệ đảng viên có tài khoản sử dụng nền tảng ứng dụng Sổ tay đảng viên điện tử đạt 82,4%. Năm 2023, tỷ trọng kinh tế số toàn tỉnh đạt 12,20% GRDP; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt 50%; 100% sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực của tỉnh tiếp tục được đưa lên các sàn thương mại điện tử.

Đến nay, Yên Bái đã có 100% cơ sở dữ liệu (CSDL) chuyên ngành của các cơ quan, đơn vị có nhu cầu được kết nối liên thông với Cổng Dịch vụ công của tỉnh để giải quyết thủ tục hành chính (TTHC); 80% TTHC được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến; 100% kết quả giải quyết TTHC được số hóa; 30% hồ sơ TTHC được thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia trên tổng số giao dịch thanh toán của dịch vụ công.

Trong năm, đã xóa được 34 vùng lõm sóng di động 4G, tỷ lệ thôn/bản/tổ dân phố phủ sóng băng rộng di động đạt 98%, tỷ lệ thôn/bản/tổ dân phố có Internet băng rộng cố định đạt 95%.

Một số chỉ tiêu xã hội số của tỉnh đã đạt mức cao so với mục tiêu đề ra như: 80% người dân trưởng thành có điện thoại thông minh; 65% người dân trưởng thành sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử; 62% hộ gia đình sử dụng dịch vụ Internet đường truyền băng rộng cáp quang; 77% các nhà văn hóa thôn, bản, tổ đã được kết nối Internet; 100% hồ sơ bệnh án đã được số hóa, tạo lập cơ sở dữ liệu; 100% hồ sơ cán bộ công chức viên chức tỉnh Yên Bái được đồng bộ với CSDL quốc gia về cán bộ công chức viên chức; 99% tổng số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong toàn tỉnh được xác thực với CSDL quốc gia về dân cư…

Khuyến khích đưa các ý tưởng, sáng kiến, cách làm sáng tạo về CĐS vào cuộc sống

Sau gần 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 51 ngày 22/7/2021 của Tỉnh ủy Yên Bái về CĐS giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và các chương trình, kế hoạch thực hiện của UBND tỉnh, đến nay, Yên Bái đã triển khai công tác CĐS một cách bài bản, khoa học, sáng tạo, hiệu quả, đạt nhiều kết quả tích cực, có mặt nổi trội.

Trong đó, tỉnh đã khẩn trương quán triệt, cụ thể hóa, thể chế hóa và ban hành đồng bộ các chương trình, kế hoạch, cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện CĐS trên địa bàn, tạo ra đường hướng và xác định lộ trình CĐS rõ ràng, hiệu quả, khả thi cho từng năm và cả giai đoạn đến năm 2030. Đáng chú ý, Yên Bái có nhiều nội dung về CĐS đi tiên phong của cả nước.

Bí thư Tỉnh uỷ Yên Bái Đỗ Đức Duy đánh giá cao sự tham gia, phối hợp chặt chẽ của các ban, sở, ngành, địa phương; sự nỗ lực, chung tay đồng hành, tham gia có hiệu quả của các tập đoàn công nghệ; sự đồng thuận, ủng hộ, tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp đã đóng góp vào những kết quả rất đáng khích lệ của công tác CĐS thời gian qua.

Minh chứng rõ nét nhất là chỉ số chuyển đổi số DTI của tỉnh tăng nhanh và đều qua các năm. Tính đến hết năm 2022, Yên Bái đứng thứ 15/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tăng 25 bậc so với năm 2020, đứng thứ 3/63 tỉnh, thành phố về khả năng cải thiện chỉ số DTI.

Bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, Yên Bái cũng còn một số hạn chế, khó khăn, thách thức trong công tác CĐS như: Nhận thức của một bộ phận cán bộ và người dân về CĐS chưa thực sự đầy đủ, chưa sẵn sàng tiếp cận công nghệ số; nguồn lực dành cho công tác CĐS còn hạn chế; mức độ CĐS trong các loại hình doanh nghiệp còn chậm…

Năm 2024, tỉnh Yên Bái tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông mạnh mẽ về CĐS; phát huy vai trò của người đứng đầu mỗi cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp và sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân triển khai hiệu quả công tác CĐS theo phương châm "Toàn dân, toàn diện”. 

Cùng với đó, duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ CĐS cộng đồng; tập trung phát triển kinh tế số; đẩy mạnh thu hút cán bộ có trình độ chuyên môn về công nghệ thông tin vào làm việc trong hệ thống chính trị; tiếp tục hoàn thiện, triển khai hiệu quả và nghiên cứu xây dựng các nền tảng số…

Chủ động tiếp cận các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh để tư vấn các giải pháp số phù hợp nhằm đổi mới mô hình quản trị, tổ chức sản xuất kinh doanh để tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng doanh thu và lợi nhuận cho doanh nghiệp.

Yên Bái cũng khuyến khích và tiên phong đưa các ý tưởng, sáng kiến, cách làm sáng tạo, hiệu quả về CĐS vào cuộc sống.

Đẩy mạnh phong trào phát triển công dân số, phấn đấu 100% cán bộ, công chức, viên chức đạt tiêu chí công dân số, 70% người dân trưởng thành đạt tiêu chí công dân số; xây dựng xã, phường, thị trấn; huyện, thị, thành phố; sở, ban, ngành đạt CĐS nâng cao…

Bùi Bình