Bài toán khó về kinh tế báo chí - truyền thông chưa có lời giải thỏa đáng

 Theo PGS.TS Bùi Chí Trung, vấn đề kinh tế báo chí - truyền thông Việt Nam chưa bao giờ nóng bỏng, phức tạp và nan giải như những năm gần đây. Trong khi, cả giới báo chí cùng các nhà thiết kế chính sách đã bàn luận về nhiều định hướng, mô hình và phương thức tháo gỡ.

Bài toán khó về kinh tế báo chí - truyền thông Việt Nam dường như vẫn chưa có lời giải đáp thoả đáng; những kết quả đạt được mới chỉ tiến đến một vài khía cạnh của cơ chế chính sách, những ý kiến đề xuất dường như mới tóm lược một số mô hình tham khảo bên ngoài.

leftcenterrightdel
PGS.TS Bùi Chí Trung. Ảnh: TH

“Chúng ta vẫn chưa thực sự thẳng thắn đề cập đến bản chất, thậm chí còn đang né tránh những nút thắt cơ bản kìm hãm sự phát triển kinh tế báo chí - truyền thông. Nút thắt đó mang tính nguyên lý, như một “vòng kim cô” cần được “niệm chú” nới bỏ”, PGS.TS Bùi Chí Trung nhấn mạnh.

Trong Chiến lược Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 348 phê duyệt ngày 6/4/2023 với một mục tiêu cụ thể được đặt ra là đến năm 2030 các cơ quan báo chí cần tối ưu hóa nguồn thu, trong đó 30% cơ quan báo chí tăng doanh thu tối thiểu 20%. Như vậy, có thể thấy Chính phủ đã đặt ra vấn đề kinh tế báo chí như là một động lực quan trọng để phát triển báo chí - truyền thông trong thời đại kinh tế số.

Năm 2023, doanh thu toàn ngành Báo chí - Truyền thông ước đạt 3.744.214 tỷ đồng cho thấy sự tăng trưởng và tiềm năng, nộp ngân sách Nhà nước ước đạt 99.323 tỷ đồng, đóng góp vào GDP của ngành Thông tin và Truyền thông ước đạt 887.398 tỷ đồng với tổng số lao động toàn ngành năm 2023 ước khoảng 1.767.766 lao động, tăng 2,72% so với năm 2022.

Nhìn vào thực tế lĩnh vực báo chí - truyền thông Việt Nam hiện nay, có thể thấy có bốn biểu hiện đặc trưng căn bản của lĩnh vực này trong kỷ nguyên số đó là: Tổ chức và phân công lao động báo chí - truyền thông đã đạt mức chuyên sâu; các hình thức sở hữu tư liệu sản xuất trong lĩnh vực truyền thông đa dạng; sự phát triển kỹ thuật - công nghệ mới và nhu cầu hưởng thụ tạo áp lực lớn đối với cơ quan báo chí - truyền thông; sự phân công lao động đã đạt mức chuyên sâu và trao đổi trong lĩnh vực báo chí - truyền thông dần hướng tới mức độ liên kết, ảnh hưởng sâu rộng ở phạm vi khu vực và quốc tế.

Và chỉ khi nhận thức được đúng những biểu hiện này góp phần vào hiểu được xu hướng báo chí - truyền thông, từ đó như đưa ra được lời giải thỏa đáng cho vấn đề kinh tế trong lĩnh vực báo chí.

Sớm giải mã nút thắt để kinh tế báo chí - truyền thông có sự chuyển biến tích cực và rõ ràng

Về một số điểm nghẽn kìm hãm sự phát triển của kinh tế báo chí - truyền thông Việt Nam hiện nay, PGS.TS Bùi Chí Trung cho rằng phải kể đến đầu tiên đó là điểm nghẽn trong nhận thức bởi thực tế, khái niệm “kinh tế báo chí - truyền thông” chưa được thống nhất và chưa xuất hiện chính thức trong bất kỳ một văn bản quy định pháp luật nào.

Bài toán đặt ra hiện nay cho báo chí - truyền thông Việt Nam nhằm hướng đến mục tiêu làm thế nào để các cơ quan báo chí “tự chủ được tài chính”, tự đảm bảo được “nguồn lực kinh tế - kỹ thuật” cho các hoạt động nghiệp vụ, cũng như khả năng mở rộng quy mô sản phẩm và khả năng ảnh hưởng.

Đề cập về những mô hình, giải pháp kinh tế báo chí - truyền thông ở Việt Nam hiện nay đã có nhiều ý kiến, nhưng đa phần chỉ dừng lại ở góc độ mô tả chung chung, trong đó nổi lên là một số mô hình tham khảo từ nước ngoài, đưa ra một số khuyến nghị thiếu cụ thể với cấp quản lý về cơ chế chính sách.

Trong nền kinh tế thị trường, cơ quan báo chí chỉ có thể vận hành hoạt động kinh tế linh hoạt nếu như có vị thế của một doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong thực tế điều này không được khẳng định, thừa nhận đúng vai trò trong các quy định pháp luật hiện hành.

Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các cơ quan báo chí, nhất là các cơ quan báo chí chính trị chủ lực, vừa phải thực hiện nhiệm vụ chính trị, vừa phải thực hiện nhiệm vụ báo chí, vừa phải chăm lo đời sống cho cán bộ, phóng viên, biên tập viên.

Điểm nghẽn giữa mục tiêu phát triển kinh tế báo chí với các nguyên tắc hoạt động báo chí - truyền thông làm thế nào để báo chí vẫn giữ được tôn chỉ, mục đích, làm tròn trách nhiệm của cơ quan thông tin đại chúng, có tính chất định hướng về chính sách của Đảng, Nhà nước, là diễn đàn của Nhân dân nhưng vẫn phải có được nguồn thu để tái sản xuất, đầu tư và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của độc giả, đó là một bài toán khó giải quyết trong một sớm một chiều.

Điểm nghẽn giữa bùng nổ kỹ thuật và công nghệ, giữa nhu cầu hưởng thụ của công chúng với khả năng đáp ứng thực tế của hệ thống báo chí - truyền thông; điểm nghẽn trong việc hài hòa mối quan hệ lợi ích, tạo động lực cho sự phát triển nền báo chí - truyền thông đặc thù Việt Nam; điểm nghẽn trong xây dựng cấu trúc hệ thống tổng thể của nền kinh tế báo chí - truyền thông và thể chế quản lý báo chí - truyền thông đáp ứng yêu cầu mới... được đặt trong việc sắp xếp hệ thống báo chí toàn quốc.

Chúng ta quy hoạch về số lượng hay về bản chất cần quy hoạch nguồn ngân sách nhà nước cho hoạt động báo chí truyền thông? Những đơn vị thụ hưởng ngân sách phải đạt được mục tiêu gì, chỉ số nào khi nhận ngân sách từ đồng thuế mà mỗi người dân đóng góp?

PGS.TS Bùi Chí Trung: “Chúng ta đã nhìn thấy đầy đủ các “nút thắt”, lộ được hết những khó khăn hay còn né tránh?

Những thách thức, những nút thắt trên cần sớm được đánh giá, phân tích toàn diện, cặn kẽ, khoa học; để sự phát triển kinh tế báo chí - truyền thông trong giai đoạn mới có sự chuyển biến tích cực và rõ ràng”.

Đã đến lúc phải thực sự coi báo chí là hàng hóa công

Nhà báo Nguyễn Thu Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Sản xuất và Phát triển nội dung số, VTV cho rằng: “Sự sống còn của báo chí lại đang bị đe dọa, đòi hỏi tìm ra mô hình phát triển mới cho báo chí, và mô hình “báo chí là hàng hóa công” là một đề xuất được nhiều tổ chức và chuyên gia truyền thông ủng hộ, kêu gọi toàn xã hội tăng cường hỗ trợ cho các cơ quan báo chí, nhằm đảm bảo rằng báo chí có thể tiếp tục hoạt động hiệu quả như một dịch vụ công.

Tại Việt Nam, doanh thu của các cơ quan báo chí cũng sụt giảm nghiêm trọng, năm 2023, chỉ tính doanh thu của các Đài Truyền hình Việt Nam cũng đã sụt giảm tới 40%. Trong bối cảnh đó, nhiều cơ quan báo chí đang cố gắng giữ bằng được một phần doanh thu quảng cáo, bất chấp sự nhượng bộ và hy sinh các nguyên tắc báo chí để đổi lấy quyền lợi cho các nhà quảng cáo.

Khi doanh thu quảng cáo sụt giảm, một số tờ báo và tạp chí đã chuyển sang chiến lược đăng ký thuê bao để tạo nguồn thu ổn định. Tuy nhiên, khi báo chí chỉ tập trung vào việc phục vụ những người đăng ký thuê bao thì thông tin của họ có thể bị thiên lệch, và loại trừ những độc giả không có tiền mua thông tin, đồng nghĩa là không phục vụ cho lợi ích chung của cộng đồng.

Về cơ bản, dù đã nỗ lực đa dạng hóa nguồn thu bằng cách triển khai nhiều hoạt động dịch vụ, song những khoảng trống mất đi trong doanh thu của báo chí vẫn không gì có thể bù đắp lại. Những thách thức này là nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm nguồn cung cấp tin tức từ báo chí chính thống.

leftcenterrightdel
 Nhà báo Nguyễn Thu Hà. Ảnh: TH

“Hơn lúc nào hết ngành Báo chí đang đứng trước những khó khăn chưa từng có, để tiếp tục tồn tại và phát huy chức năng của mình, các tòa soạn buộc phải tìm ra một mô hình phát triển mới phù hợp với môi trường truyền thông số và có một cơ cấu nguồn thu mới và đa dạng”, nhà báo Thu Hà cho rằng đây không chỉ là vấn đề của riêng ngành Báo chí mà còn là vấn đề của toàn xã hội.

Báo chí có vai trò như một loại hàng hóa công và dịch vụ thiết yếu, nhà báo Thu Hà cũng dẫn ý kiến của các chuyên gia cho rằng, đã đến lúc phải thực sự coi báo chí là hàng hóa công, là dịch vụ thiết yếu, để từ đó có những thay đổi cơ bản và toàn diện trong những chính sách hỗ trợ đối với báo chí.

Xã hội sẽ ra sao nếu không còn báo chí mà chỉ còn những thông tin có phần hỗn loạn và không được kiểm chứng trên mạng xã hội. “Nếu không có sự thay đổi hiệu quả, người thua cuộc lớn nhất sẽ là công chúng”, nhà báo Thu Hà đặt vấn đề.

Phải chăng đã đến lúc phải thực sự coi báo chí là hàng hóa công, là dịch vụ thiết yếu, để từ đó có những thay đổi cơ bản và toàn diện trong những chính sách hỗ trợ đối với báo chí, nhà báo Thu Hà nhấn mạnh.

Công chúng thụ hưởng thông tin cần chi trả phí sòng phẳng

Trước áp lực của việc sụt giảm nguồn thu từ quảng cáo truyền thống, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Thông tin và Truyền thông Trần Anh Tú cho rằng: “Những người thụ hưởng sản phẩm thông tin, công chúng cần thể hiện vai trò “người mua” bằng cách chi trả một phần kinh phí cụ thể và sòng phẳng”.

Tại Việt Nam, việc thu phí nội dung trên báo chí điện tử hiện có 5 cơ quan báo chí triển khai gồm: Báo Điện tử VietnamPlus (năm 2018), Báo Điện tử VietnamNet, Tạp chí Điện tử Ngày Nay (năm 2021), Báo Người lao động, Báo Tuổi trẻ (năm 2022) và một số dạng thu phí kiểu “thưởng cho tác giả” hay “mời tác giả cốc cafe” (Tạp chí Lao động và Công đoàn…).

leftcenterrightdel
Phó Tổng Biên tập Tạp chí Thông tin và Truyền thông Trần Anh Tú. Ảnh: DT  

Ông Trần Anh Tú cho rằng, việc triển khai thu phí nội dung tại Việt Nam cũng đã có nhưng mới chỉ dừng lại ở mức “thử nghiệm”.

“Những khó khăn trong việc áp dụng “tường phí” cho báo chí là thói quen đọc của công chúng và việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ”, ông Trần Anh Tú nói.

Cho rằng, công chúng tại Việt Nam vẫn đang “quen” với việc thụ hưởng các sản phẩm thông tin nhất là thông tin trên môi trường Internet miễn phí, Ông Trần Anh Tú cho rằng, việc thu phí cần có sự chuẩn bị, có đợt truyền thông sâu rộng, bao phủ hầu hết các bộ phận của công chúng về việc thu phí đọc báo.

Hiện nay, rất ít tờ báo tại Việt Nam được bao cấp 100%, ngân sách không thể bao quát hết mọi chi phí của tòa soạn. Do vậy, là những người thụ hưởng sản phẩm thông tin, công chúng cần thể hiện vai trò “người mua” bằng cách chi trả một phần kinh phí cụ thể.

“Tất nhiên, “người mua” cần “người bán” - các cơ quan báo chí cung cấp sản phẩm hấp dẫn, phù hợp thị hiếu và độc quyền.

Muốn vậy, ngoài nỗ lực của các cơ quan báo chí, cơ quan quản lý báo chí và các cơ quan chức năng khác cần nghiêm khắc hơn trong việc xử lý vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ trong báo chí”, ông Trần Anh Tú nhận định.

Thu phí độc giả là hướng đi đúng đắn mà nhiều tờ báo nổi tiếng trên thế giới đang đi. Nhưng việc thu phí nội dung không thể tiến hành nếu các cơ quan liên quan không triển khai đồng bộ những giải pháp khác như: Hỗ trợ kỹ thuật cho các cơ quan báo chí, xử lý nghiêm hiện tượng vi phạm về sở hữu trí tuệ, hỗ trợ các công cụ thanh toán cho tòa soạn thu phí độc giả…

Không thể xây dựng “nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại” như yêu cầu của Đại hội Đảng lần thứ XIII nếu không có sự nỗ lực của các cơ quan báo chí, không có cái nhìn đúng đắn về các sản phẩm báo chí, không có sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, Phó Tổng Biên tập Trần Anh Tú nêu quan điểm.

Thanh Thanh