Đặc biệt, qua một năm thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP tại 30 quận, huyện, thị xã đã giúp cho nhận thức về ATTP của người kinh doanh, chế biến thực phẩm được nâng lên rõ rệt.

Nhiều mô hình và cách làm hiệu quả

Với dân số hơn 10 triệu dân, Hà Nội phải chịu nhiều áp lực về vấn đề bảo đảm ATTP, chính vì vậy trong những năm qua, TP Hà Nội đã tổ chức quyết liệt, gay gắt và vào cuộc tích cực từ công tác chỉ đạo đến triển khai thực hiện.

Hà Nội đã xây dựng và triển khai nhiều mô hình điểm về phòng, chống ngộ độc thực phẩm như: Quản lý ATTP bếp ăn tập thể, hướng dẫn quy trình giám sát ATTP và xử lý ngộ độc thực phẩm tại trường học, kiểm soát ATTP tại bữa cỗ tập trung đông người, xây dựng tuyến phố ATTP có kiểm soát…

Từ năm 2015 đến nay, Hà Nội tiếp tục triển khai cải thiện ATTP đối với kinh doanh dịch vụ ăn uống tại 198 phường, thị trấn với mục tiêu “tăng cường kiểm soát ATTP, tạo ra sự chuyển biến rõ nét đối với kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhằm giảm thiểu ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm, góp phần bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng và văn minh đô thị”.

Thực hiện Chỉ thị số 08/CT-UBND ngày 14/4/2016 của UBND TP “về việc triển khai tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố”, Hà Nội đã triển khai và duy trì các hoạt động đảm bảo ATTP dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố tại 584 xã, phường, thị trấn (hiện nay là 579 xã, phường, thị trấn), triển khai mô hình ATTP 60 tuyến phố văn minh, đồng thời tổ chức các hội thi ATTP dịch vụ ăn uống.

Kết quả quản lý 32.451 cơ sở dịch vụ ăn uống và 5.488 cơ sở thức ăn đường phố, đã kiểm tra, giám sát 100% cơ sở, tỷ lệ các tiêu chí ATTP đạt từ 80 - 98,8%.

Hàng năm, UBND TP ban hành kế hoạch về triển khai công tác y tế trường học, đồng thời chỉ đạo Sở Y tế và Sở Giáo dục và Đào tạo ban hành kế hoạch liên ngành phối hợp triển khai công tác phòng, chống dịch và ATTP tại trường học.

Thống kê cho thấy, trên địa bàn TP có 5.281 bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ quan, bệnh viện, trường học... 100% được tuyên truyền, phổ biến kiến thức về ATTP và được giám sát, kiểm tra thường xuyên, đặc biệt đối với các bếp ăn tập thể căng tin trường học, nhà trường tổ chức tuyên truyền lồng ghép về ATTP cho giáo viên, học sinh và có sự tham gia của cha mẹ học sinh, hướng dẫn quận, huyện, thị xã phối hợp triển khai công tác đảm bảo ATTP tại các cơ sở giáo dục, 100% cơ sở được kiểm tra, giám sát. Ban hành tài liệu hướng dẫn quản lý bếp ăn tập thể. Hướng dẫn quy trình giám sát ATTP và xử lý ngộ độc thực phẩm tại trường học.

Từ năm 2017, TP đã nhân rộng mô hình kiểm soát bữa cỗ tập trung đông người tại quận Long Biên và huyện Quốc Oai. Đến năm 2019, mô hình này tiếp tục được duy trì và nhân rộng tại 15 quận, huyện, thị xã: Thanh Oai, Phú Xuyên, Quốc Oai, Long Biên, Chương Mỹ, Sóc Sơn, Thường Tín, Phúc Thọ, Thanh Trì, Sơn Tây, Ba Vì, Đan Phượng, Đông Anh, Gia Lâm, Ứng Hòa.

Trong năm 2020, TP tiếp tục xây dựng kế hoạch triển khai mô hình kiểm soát ATTP bữa cỗ tập trung đông người tại 240 xã, phường thuộc 20 quận, huyện, thị xã. Nhờ mô hình này, từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn TP không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm tại bữa cỗ đông người.

Bên cạnh đó, hơn 2 năm qua, Hà Nội đã xây dựng thí điểm mô hình “tuyến phố ATTP có kiểm soát” tại 14 tuyến phố của 12 quận, huyện với tổng số 508 cơ sở, tỷ lệ các tiêu chí ATTP đạt từ 80,7 - 100%.

Từ khi được gắn biển “tuyến phố ATTP có kiểm soát”, diện mạo của những tuyến phố, như Duy Tân (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy); phố Nguyễn Sơn, chợ ẩm thực Ngọc Lâm (phường Ngọc Lâm, quận Long Biên); phố Hàm Nghi (phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm)… đã thay đổi rõ rệt, các nhà hàng ăn uống đều khang trang, lịch sự.

Nâng cao hiệu quả chuyên ngành thanh tra ATTP

Để nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về ATTP, tập trung vào thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm cơ sở không đảm bảo ATTP, năm 2019, UBND TP triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP trên địa bàn TP từ 10/7/2019 - 10/7/2020, kết quả: Số cơ sở vi phạm bị phát hiện và bị xử lý vi phạm, mức xử phạt/1 cơ sở tăng hơn so với cùng kỳ năm trước.

Qua một năm thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP tại 30 quận, huyện, thị xã và 579 xã, phường, thị trấn đã có nhiều kết quả khả quan. Các địa phương đã thanh tra 8.119 cơ sở, trong đó, có 2.050 cơ sở vi phạm (chiếm tỷ lệ 25,2%), xử phạt 2.050 cơ sở (chiếm tỷ lệ 25,2%) với tổng số tiền phạt hơn 3 tỷ đồng. Các nội dung vi phạm chủ yếu là nhân viên sản xuất chế biến thực phẩm chưa có giấy khám sức khỏe, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc hết hạn sử dụng, không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, chất lượng sản phẩm chưa đúng với công bố, vi phạm về nhãn hàng hóa, thiếu bảo hộ lao động, còn ô nhiễm hóa chất, vi sinh vượt quá giới hạn cho phép, không đảm bảo về cơ sở vật chất, trang thiết bị.

Ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, thông qua thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP đã giúp cho nhận thức về ATTP của người kinh doanh, chế biến thực phẩm được nâng lên rõ rệt. Nếu mô hình này được duy trì trong thời gian tới, TP sẽ tiếp tục phát triển hệ thống cảnh báo nhanh trong việc phát hiện, điều tra, giám sát phòng, chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm từ TP tới xã, phường, thị trấn, qua đó góp phần tăng hiệu quả cho công tác quản lý ATTP ngay tại từng địa phương.

Đánh giá về kết quả thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, có được kết quả này là do lãnh đạo các đơn vị đều xác định sự cần thiết của thanh tra chuyên ngành tuyến quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn và coi đó là nhiệm vụ trọng tâm.

Cùng với đó là sự chủ động và phối hợp chặt chẽ giữa Sở Y tế với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, đặc biệt là sự giúp đỡ tạo điều kiện thuận lợi của Thanh tra Bộ Y tế, Cục ATTP, Trường Cán bộ Thanh tra, Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia trong việc đào tạo, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho lực lượng thanh tra chuyên ngành.

Tại hội nghị tổng kết phong trào thi đua ATTP giai đoạn 2016 - 2020 và đánh giá 1 năm triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP tuyến quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn mới đây, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo công tác ATTP TP cho biết, giai đoạn 2016 - 2020, TP Hà Nội đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các nội dung hoạt động về ATTP và hoàn thành tốt các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra, được Trung ương đánh giá cao.

Để tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý ATTP, Ban Chỉ đạo công tác ATTP TP Hà Nội cho biết, giai đoạn 2021 - 2025 sẽ tiếp tục tập trung vào 7 nhiệm vụ chính là thi đua thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước của các ngành, các cấp thuộc thành phố; thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm; tăng cường công tác truyền thông về ATTP.

Cùng với đó là phát triển các vùng sản xuất, kết nối tiêu thụ các thực phẩm an toàn; kiểm soát thực phẩm đầu vào; nghiên cứu, thực hiện thí điểm một số quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về thực phẩm tiêu dùng cũng như thực phẩm xuất khẩu; đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ, truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm an toàn.

Nguyễn Nhuần