Trong những năm qua, Trung tâm đã trở thành mái ấm của những NNCĐDC/dioxin có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của TP, là nơi tỏa sáng những tấm lòng nhân hậu.

Những nạn nhân “đặc biệt”

Sau Tết Nguyên đán, không khí ở Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị NNCĐDC/dioxin Hà Nội (gọi tắt là Trung tâm), như vui nhộn hơn, rực rỡ hơn. Những hàng hoa dã quỳ, hoa cúc, hoa hồng khoe màu dưới nắng xuân. Trên sân, các nhân viên đang hướng dẫn nạn nhân múa, hát, đọc sách, chơi bóng…

Ông Trần Đăng Khoa, Giám đốc Trung tâm cho biết, Trung tâm có chức năng, nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, điều trị, phục hồi chức năng và tẩy độc cho cựu chiến binh (CCB) và con của CCB bị nhiễm chất độc hóa học do quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam, hiện nay gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống và đang hưởng chế độ ưu đãi hàng tháng tại nhà theo Nghị định số 31/2013/NĐ-CP của Chính phủ.

Trung tâm đang quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng 92 NNCĐDC/dioxin (45 nam, 47 nữ), người cao tuổi nhất là 53, thấp tuổi nhất là 25. Trong số 92 nạn nhân, có 7 nạn nhân bị liệt toàn thân, 9 nạn nhân bị liệt chân, 3 nạn nhân bị liệt cả chân và tay, 55 nạn nhân không tự phục vụ được, 69/92 nạn nhân không làm chủ được hành vi. Đây là những nạn nhân “đặc biệt”, cần sự chăm sóc, nuôi dưỡng theo một phác đồ đặc biệt.

Phác đồ điều trị đặc biệt

Xuất phát từ đặc thù của nạn nhân là đối tượng “đặc biệt”, nên sau khi tiếp nhận nạn nhân, Trung tâm đã chủ động xây dựng phác đồ chăm sóc, nuôi dưỡng, điều trị, quản lý nạn nhân theo phương án “đặc biệt”, chi tiết đến từng nhóm nạn nhân.

Ông Trần Đăng Khoa, cho biết: Công tác tiếp nhận nạn nhân được khảo sát, thực chứng tại gia đình. Có nhiều trường hợp trước khi tiếp nhận vào Trung tâm, gia đình phải làm cũi nhốt, lấy dây sắt buộc chân, tay vào giường, hoặc cởi trần đi lang thang khắp ruộng đồng, bãi tha ma, bạ gì ăn nấy, tối đâu ngủ đấy… Vì vậy khi tiếp nhận vào Trung tâm, bộ phận quản lý tiến hành lập hồ sơ, cập nhật thông tin chi tiết về tình trạng sức khỏe, bệnh tật, đặc tính của từng nạn nhân từ đó xây dựng kế hoạch trợ giúp phù hợp nhất. Tiếp đến là phân công cụ thể cán bộ, nhân viên phụ trách từng phòng ở, từng nạn nhân, từ đó nắm bắt được thói quen sinh hoạt, đặc tính của từng người để có phương pháp chăm sóc, nuôi dưỡng và quản lý hợp lý. Duy trì chế độ sinh hoạt hàng ngày của nạn nhân đúng nền nếp, các nhân viên được giao nhiệm vụ phụ trách, quản lý phòng, nhóm phải kiên trì hướng dẫn, hỗ trợ về kỹ năng sinh hoạt, kỹ năng sống cho nạn nhân, như: Việc ăn, uống, vệ sinh, đi lại… để từng bước nạn nhân tự chủ được một phần trong sinh hoạt.

leftcenterrightdel
Nạn nhân học nghề làm hoa đá. Ảnh: Hồng Bài 
 

Anh Nguyễn Văn Thuấn, nhân viên Phòng Chăm sóc, cho biết: Hàng ngày nhân viên phụ trách phòng phải túc trực, kiểm tra thường xuyên để kịp thời phát hiện, can thiệp những vụ việc do nạn nhân gây ra, như: Đập phá tài sản, trang thiết bị, đánh chửi nhau, tự hủy hoại bản thân, bỏ Trung tâm ra ngoài. Cùng với công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, quản lý, trong những năm qua Trung tâm duy trì thường xuyên phong trào hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, sinh hoạt tập thể, tạo không khí vui vẻ, môi trường thân thiện giữa cán bộ, nhân viên với nạn nhân. Đây cũng là một phác đồ “đặc biệt” giúp cho nạn nhân mạnh dạn, tự tin hơn trong giao tiếp.

Bệnh nhân “đặc biệt”. Phác đồ điều trị “đặc biệt” đã đem lại hiệu quả thiết thực, đến nay một số nạn nhân đã bỏ được thói quen sinh hoạt tự do, bừa bãi và dần có ý thức, như: Biết vệ sinh cá nhân đúng nơi quy định; không nói tục, chửi bậy, tự xúc cơm ăn, biết tham gia các trò chơi tập thể, biết xưng hô, chào hỏi.

Những tấm lòng nhân hậu

Anh Nguyễn Văn Thuấn, nhân viên chăm sóc đã gắn bó với Trung tâm hơn 10 năm. Anh rất khiêm tốn khi nói về công việc của mình, nhưng không chỉ cán bộ, nhân viên Trung tâm mà cả gia đình nạn nhân đều cảm phục, trân trọng tấm lòng của anh dành cho nạn nhân.

Anh Thuấn cho biết: Trung tâm có hơn 90 đối tượng là NNCĐDC, mỗi người mỗi bệnh, mỗi tính, rất khó chiều, mùa hè, một ngày 3 - 4 lần tắm, thay quần áo cho nạn nhân. Mùa đông thì một đêm phải 4 - 5 lần đi kiểm tra các phòng, đắp lại chăn cho từng người, nhất là đối tượng bị liệt, khi đạp chăn ra góc giường thì không thể tự đắp lại được, nhiều lần nhìn nạn nhân rét run cầm cập mà không cầm được nước mắt, quần áo một ngày không biết bao nhiêu lần thay. Vừa thay xong, lên cơn động kinh là xé, cởi bỏ hết ném lung tung khắp nhà. Nhiều lần anh đã bị nạn nhân tâm thần cầm gạch đuổi đánh chạy khắp sân, có lần cắn, cào cấu xước da, rách thịt, đau điếng người nhưng không thể cáu gắt, quát tháo, đánh lại nạn nhân mà phải dịu dàng như dỗ trẻ con.

Anh Thuấn chia sẻ: Nhiều khi nhìn nạn nhân vui đùa với nhau, mình cũng thấy vui. Sợ nhất là số nạn nhân tâm thần nặng, lúc lên cơn cứ sùi bọt mép, chân tay co quắp, người run bần bật, lúc đó anh em phải khống chế không cho nạn nhân va chạm vào vật nhọn, vật cứng, không cắn vào lưỡi, không để lưỡi tụt vào đè đường thở, như trường hợp Phạm Lan Phương (SN 1987, quê Từ Liêm, Hà Nội), khi động kinh, nhân viên cho uống thuốc thì nằm im, ngủ, nhưng chỉ 30 - 40 phút sau lại lên cơn, vùng vằng, quậy phá, gặp ai là đánh. Trường hợp này chị em phải thay nhau túc trực bên cạnh suốt ngày đêm.

Nhiều trường hợp nạn nhân bị ốm hay mới dứt cơn động kinh, anh em phải trải chiếu ngoài hiên ngủ canh nạn nhân. Nếu sơ xuất là nạn nhân trong phòng đánh lẫn nhau, đập phá giường, xé chăn màn. Anh chị em nhân viên không nề hà bất cứ một công việc gì từ đổ bô vệ sinh, tắm, rửa, lau dọn phòng ngủ, giặt chăn chiếu khi nạn nhân vấy bẩn.

leftcenterrightdel
Chăm sóc nạn nhân như chăm sóc người thân trong gia đình. Ảnh: Hồng Bài 
 

Chị Đào Thị Thủy, là người có mặt ở Trung tâm lâu nhất, đã gần 20 năm. Hiểu tính tình, bệnh tật, sở thích của từng nạn nhân, chị Thủy nói: Ở Trung tâm, hàng ngày mình chăm sóc nạn nhân còn nhiều hơn, chu đáo hơn chăm sóc bố, mẹ, chồng con ở nhà.

Chị Thủy cho biết: Đối với bệnh nhân nữ, nhân viên còn phải làm một việc mà nhân viên nam không thể làm thay. Đó là phải lập sổ theo dõi chu kỳ “bệnh” hàng tháng của từng người để giúp nạn nhân vệ sinh. Đối với nạn nhân bị liệt, tâm thần nặng thì chị em nhân viên phải làm tất cả. Chị Thủy nói vui: Ở nhà con khóc, chưa chắc mình hát hay mở điện thoại dỗ nó, ở đây thì thường xuyên. Thậm chí phải ngồi bên cạnh vỗ về, xoa lưng, mở điện thoại để bên tai nạn nhân để dỗ ngủ. Theo chị Thủy, vất vả nhất là khi nạn nhân câm, điếc bị ốm, họ không biết kêu mà chỉ ú ớ, quằn quại, nước mắt chảy giàn dụa trên mặt làm chị em y tế cũng khóc theo. Thương lắm!

Phó phòng Chăm sóc, nuôi dưỡng Phùng Trần Luận, nói: Nỗi vất vả của nhân viên Trung tâm nói cả ngày, cả tháng, viết cả ngàn trang giấy cũng không hết, có việc anh em làm, nói ra không mấy người tin. Ví như, một ngày nhân viên phải 4 - 5 lần lau rửa cho nạn nhân “đi nặng” bê bết trên giường, trên người; việc chị em thay bỉm cho nạn nhân nữ đến kỳ, trong khi Trung tâm có 47 nạn nhân nữ, làm phép tính đơn giản cũng thấy, một ngày, một nhân viên phải làm “công việc ấy” bao nhiêu lần. Đến chị em ruột thịt, người cùng máu mủ mà ốm đau cũng khó chăm sóc chu đáo được như vậy, người không có tâm, không có tình thì không thể làm được ở Trung tâm và, càng không thể yên tâm, gắn bó với Trung tâm, yêu thương nạn nhân lâu dài như chị Đào Thị Thủy, anh Nguyễn Văn Thuấn và nhiều anh chị em khác.    

Giám đốc Trần Đăng Khoa bày tỏ: Việc tổ chức chăm sóc, nuôi dưỡng, quản lý nạn nhân “đặc biệt” thì người làm công tác ở Trung tâm cũng phải là những con người thật “đặc biệt”, đó là phải giàu lòng nhân ái, có tấm lòng nhân hậu. Mọi lời nói, việc làm của cán bộ, nhân viên đều phải xuất phát từ đáy lòng, từ cái tâm của mình. Có như vậy mới hoàn thành tốt nhiệm vụ, xây dựng Trung tâm trở thành mái ấm, nơi tỏa sáng những tấm lòng nhân hậu dành cho những NNCĐDC/dioxin, những số phận phải gánh chịu thảm họa của chất độc hóa học do quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam để lại.    

Nguyễn Hồng Bài