Nước sinh hoạt thừa mà thiếu

Ông Lê Thành Nguyên, Trưởng xóm Chự, xã Yên Sơn cho biết: Mấy năm về trước, người Dao xóm Chự không thiếu nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Con suối Cái giữa xóm quanh năm nước trong vắt, sáng sớm hay cuối buổi chiều đi làm đồng, làm nương về bà con trong xóm lại ra suối giặt rũ, tắm mát. Nhiều vũng nước to bằng nửa cái ao làng là “bể bơi” cho lũ trẻ. Trong xóm nhà nào cũng đào giếng lấy nước sinh hoạt, ăn uống, khách xa, gần đến chơi đều khen nước suối Cái sạch, mát. Từ khi Nhà máy Bột giấy Thuận Phát tại xã Tu Lý, huyện Đà Bắc, Hòa Bình đi vào sản xuất thì con suối Cái bị ô nhiễm rất nghiêm trọng, mỗi lần nhà máy xả nước thải là nước suối vàng đặc, ngầu bọt, mùi từ suối bốc lên ngột ngạt không thể thở được, người lội qua suối đều bị ngứa, lở loét chân tay, trâu bò uống vào là chương bụng, chết.

“Đã 15 năm nay con suối Cái trở thành con suối “chết”, nếu không xử lý dứt điểm “thủ phạm” bức tử suối Cái thì không phải hôm nay mà đời con, đời cháu, chắt ở xóm Chự sẽ phải gánh chịu hậu quả khôn lường, sức khỏe sẽ bị hủy hoại. Chính quyền xóm đã nhiều lần kiến nghị bằng giấy (đơn), bằng miệng (đề nghị trực tiếp) lên chính quyền các cấp, kể cả các cuộc tiếp xúc cử tri của HĐND huyện Thanh Sơn, HĐND tỉnh Phú Thọ nhưng cũng không thấy chuyển biến gì. Năm 2010, xóm Chự được Chương trình 135 xây dựng công trình nước sạch, bà con rất phán khởi, nhưng chỉ dùng được mấy năm thì vỡ ống, bể nứt nẻ, công trình bỏ hoang 4 - 5 năm rồi".

Ông Trưởng xóm Chự còn bức xúc: Bây giờ người dân cũng không thể đào giếng lấy nước để dùng, vì có đào thì nước suối Cái ngấm vào cũng bằng không.

Cơ quan chức năng là Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) tỉnh Phú Thọ và huyện Thanh Sơn đã nhiều lần làm việc trực tiếp với Sở TNMT tỉnh Hòa Bình và huyện Đà Bắc để giải quyết việc Nhà máy Bột giấy Thuận Phát xả thải gây ô nhiễm nguồn nước suối Cái ảnh hưởng trực tiếp đời sống của nhân dân xã Yên Sơn, xã Yên Lương của huyện Thanh Sơn. Và, UBND tỉnh Hòa Bình đã nhiều lần xử phạt Nhà máy Bột giấy Thuận Phát. Thậm chí đình chỉ hoạt động của nhà máy. Thế nhưng, có lẽ nhà máy này đã “nhờn luật”.

Ông Lê Thành Nguyên cho biết: Để có nước sinh hoạt, các hộ phải lên núi tìm khe nước rồi mua ống dẫn nước bằng nhựa đưa nước về nhà. Khe nước nào gần nhà nhất cùng 1000 mét, xa nhất là 3.000 mét. Chi phí cho một “công trình nước tự chảy” của mỗi hộ không dưới 3 triệu đồng, mất tiền nhưng nước chưa chắc đã sạch. Phải nói rằng, nước sạch, nước hợp vệ sinh đang là vấn đề bức thiết nhất của 75 hộ dân người Dao xóm Chự.

leftcenterrightdel

Những lúc Nhà máy Bột giấy Thuận Phát không xả thải, người dân cũng không dám cho chân, tay xuống nước suối - ông Lê Mạnh Hùng, nhà bên bờ suối Cái bức xúc nói. Ảnh: TH

Lớp học trước có nay không

Xóm Chự cách trung tâm xã Yên Sơn hơn 10 km đường núi. Xóm nằm trong một thung lũng nhỏ bao quanh là núi. Từ năm học 2019 - 2020 về trước, xóm Chữ có một lớp mầm non, một lớp ghép hai trình độ: Lớp 1 và lớp 2, hàng năm lớp mầm non có khoảng 30 cháu. Lớp ghép có khoảng 40 học sinh. Lớp học được làm giữa xóm nên việc đi học của các cháu rất thuận lợi, các cháu có thể cùng nhau tự đi đến lớp, tan học tự về nhà không cần đến bố, mẹ phải đưa đón. Các cháu mầm non thì người nhà chỉ mất 10 - 15 phút đưa đón nên bố mẹ có thời gian làm việc.

Ông Trưởng xóm Lê Thành Nguyên phàn nàn: Năm học 2021 - 2022, tự dưng xóm nghe thông báo “miệng” là học sinh lớp mầm non và lớp ghép xóm Chự ra học chung với học sinh xóm Chen. Việc học chung hay học riêng không thành vấn đề, nhưng cái bất cập ở chỗ xóm Chự cách xóm Chen hơn 4 km, vùng địa hình thuận lợi thì 4 km không có gì trở ngại, nhưng ở miền núi, địa hình như khu dân cư xóm Chự, xóm Chen thì rất khó khăn, vất vả. Lúc đến lớp từ xóm Chự đến xóm Chen phải vượt qua con dốc dài hơn 2 km gần như dựng đứng, nhiều đoạn cua gấp, lúc về thì xuống dốc rất nguy hiểm nhất là mùa mưa. Từ chỗ các cháu tự đi học, tự về, nay một ngày gia đình mỗi học sinh phải đưa đón 4 lần, gia đình có điều kiện còn đỡ, gia đình không có điều kiện thì coi như mất hẳn một lao động chính phục vụ con, cháu đi học.

Ông Nguyên bày tỏ: Do đặc thù về dân cư, địa hình nên tuy ít hộ, ít khẩu nhưng xóm Chự không phải sáp nhập với xóm khác. Để đảm bảo cho các cháu có điều kiện thuận lợi để học tập, đảm bảo sức khỏe và nhất là an toàn cho các cháu. Người dân xóm Chự mong muốn ngành Giáo dục huyện Thanh Sơn nên xem xét lập lại lớp mầm non và hai lớp học (lớp 1, lớp 2) tại xóm Chự để giảm bớt khó khăn cho cả học sinh và phụ huynh.

Trưởng xóm Lê Thành Nguyên thẳng thắn nói: Mùa Đông ở vùng núi, rét như cắt da cắt thịt, sáng sớm người lớn cũng không muốn bước ra đường nói gì đến trẻ nhỏ phải vượt hơn 4 km đường núi đến lớp. Nếu vì lớp học ở xóm Chữ chưa đảm bảo thì người dân xóm Chữ sẵn sàng đóng góp công, của để làm lớp học mới. Vì cái chữ cho con cái thì người Dao xóm Chữ không nề hà gì.                                                     

Trung Hiếu