Ni giới không tách rời lịch sử đất nước

Phật giáo Việt Nam từ thế kỷ đầu du nhập, cũng xuất hiện những bậc nữ lưu kiệt xuất, trong thành phần tham gia cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng (40 - 43) có những người là Phật tử, nhiều tu nữ và nữ tín đồ như: Công chúa Bát Nàn, Thiều Hoa… từng tham gia chống giặc ngoại xâm, giành độc lập dân tộc. Sau khi tham gia vào công cuộc đấu tranh giành độc lập cho đất nước, họ trở về chùa tiếp tục nếp sống tu hành cao quý.

leftcenterrightdel
Hội thảo Ni sư Diệu Nhân do Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội tổ chức năm 2019. Ảnh: T.V 

Đặc biệt vào thời Lý Thánh Tông có Ni sư Diệu Nhân là một vị thiền sư, tinh nghiêm giới luật, hành thiền được chính định. Thời Trần, khoảng giữa thế kỷ 14, có Ni sư Tuệ Thông, ngài tu trên núi Thanh Lương, hành khổ hạnh, trì giới chuyên cần, tuệ giải thông suốt.

Thời vua Lê chúa Trịnh, thế kỷ 17, có Ni sư Diệu Đăng, Ni sư Diệu Tín xuất thân danh gia quý tộc, các ngài giác ngộ lẽ vô thường nên từ bỏ phú quý, tìm về Yên Tử xuất gia tu tập. Khi viên tịch được xây tháp thờ kính trong vườn tháp của Sơn môn Yên Tử.

Lịch sử Phật giáo xưa nay luôn đồng hành cùng dân tộc, những trang sử ni giới cũng không tách rời lịch sử đất nước. Không những thế, trải qua các triều đại như: Lý, Trần, Lê, Nguyễn đã xuất hiện rất nhiều những vị trưởng lão ni nghiên cứu Phật pháp uyên thâm, nghiêm trì giới luật, hành thiền đắc định được môn đồ học chúng rất kính mộ. 

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
Ni giới Việt Nam tinh tấn tu, học. Ảnh: TV

Trong thời kỳ cận hiện đại, Việt Nam từng có Sư bà Diệu Không, Sư bà Như Chí, Sư bà Như Thanh, Ni sư Huỳnh Liên, Ni sư Bạch Liên… một thời vang danh trong Ni giới.

Hay như, Ni sư Trí Hải có một trình độ Phật pháp uyên thâm đóng góp cho kho tàng văn học Việt Nam qua nhiều dịch phẩm.

Ni giới đã chứng tỏ khả năng của mình qua Đại lễ Vesak các hội nghi ni giới toàn quốc.

Điểm tựa tinh thần cho nữ Phật tử

Chư Ni Phật giáo Việt Nam luôn nhận thức rõ trách nhiệm và phương châm “phục vụ chúng sinh là thiết thực cúng dàng chư Phật”.

Không chỉ ni giới, mà nữ Phật tử Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng đất nước, với truyền thống “Trung hậu - Đảm đang” được hun đúc từ ngàn đời nay, đã hăng hái tham gia các hoạt động xã hội như: Công tác từ thiện; an sinh xã hội; bảo vệ môi trường; thực hiện nếp sống văn hoá mới… được các cấp ngành đánh giá cao.

Thật xúc động biết bao, khi bắt gặp hình ảnh những ni sinh cởi áo cà sa khoác blouse xông pha nơi tuyến đầu chống dịch tại các bệnh viện dã chiến; là những tấm gương hiếu hạnh chăm sóc các bệnh nhân tại các viện dưỡng lão; là những nữ tu lặng lẽ hiến những giọt máu của mình để cứu sống nhiều bệnh nhân; là hàng trăm ni sinh trèo đèo lội suối đến với bà con vùng sâu vùng xa sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn do thiên tai bão lũ, cô nhi quả phụ…

Thật ngưỡng mộ nhiều ni sư là những vị tiến sỹ xuất sắc đứng trên giảng đường của các học viện Phật giáo uy tín trong nước để giảng dạy. Họ là những tấm gương sáng cho các hệ ni sinh noi theo.

leftcenterrightdel
Phân ban Ni giới Trung ương trao tặng lực lượng y bác sĩ và tình nguyện viên Phật giáo đang làm việc tại Bệnh viện Dã chiến thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 số 10, TP Thủ Đức. Ảnh: Long Hồ

Trong đợt dịch Covid-19 tại TP HCM vừa qua, đại diện Phân ban Ni giới Trung ương trao tặng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long và Bệnh viện Dã chiến số 3 tỉnh Bình Dương trang thiết bị y tế tại mỗi đơn vị gồm 300 bộ đồ bảo hộ cấp 4.320 khẩu trang N95-3M, 3.000 khẩu trang N95 Promask, găng tay y tế hoặc đồ sát khuẩn.

Ngoài ra, Phân ban Ni giới Trung ương cũng hỗ trợ lương thực, thực phẩm, quà nhu yếu phẩm trị giá 390 triệu đồng đến những gia đình khó khăn đang cách ly, phong tỏa tại các quận, huyện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh; cúng dường hỗ trợ khó khăn cho Phân ban Ni giới tỉnh Đồng Nai 50 triệu đồng do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Ni giới Phật giáo không những làm tốt các nhiệm vụ của người “con gái Đức Phật” mà còn là chỗ dựa tinh thần vững chắc đối với nữ Phật tử, động viên giúp đỡ họ, để họ trở thành những tấm gương sáng vừa giỏi việc nước, đảm việc nhà, đi đầu trong các phong trào xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư, xây dựng chùa tiên tiến, xây dựng gia đình văn hóa… Nữ Phật tử đã rất cố gắng để xứng đáng với vai trò của mình trong gia đình và xã hội với cái tâm của người con Phật, đó là Phật sự thiết thực và hiệu quả bền vững nhất để đưa Đạo vào đời, xây dựng và duy trì đời sống tôn giáo từ trong mỗi cá nhân, tới cộng đồng nhỏ là gia đình, rộng ra là cộng đồng dân cư, quốc gia và nhân loại.

Số lượng chư Ni ở Việt Nam vẫn tiếp tục phát triển lên đến hàng vạn người, chiếm tỉ lệ 54% trên tổng số hơn 50.000 tăng ni trong cả nước. Trong số đó, có nhiều vị tốt nghiệp học vị cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ, và giữ nhiều trọng trọng trách quan trong trong Giáo hội, nhiều đóng góp cho những thành công của Giáo hội.

Để có được một Giáo hội Phật giáo Việt Nam đổi mới, bền vững và trường tồn cùng thời gian, cùng lịch sử dân tộc, có vai trò đóng góp của nữ giới nói chung và đoàn thể ni giới Phật giáo nói riêng.

Trà Vân