Theo Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm diễn biến khá phức tạp, số ổ dịch và số gia súc mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có chiều hướng gia tăng cao so với cùng kỳ năm 2023, điển hình là: Bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), lở mồm long móng (LMLM), cúm gia cầm (CGC) hay bệnh dại.

Từ đầu năm 2024, cả nước đã xảy ra 07 ổ dịch CGC A/H5N1 tại 07 huyện của 07 tỉnh. Tổng số gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu hủy là 12.424 con. So với cùng kỳ năm 2023, số ổ dịch giảm 36,36%, số gia cầm chết, tiêu hủy giảm hơn 9,89%. Đến nay, Việt Nam đã và đang kiểm soát tốt bệnh CGC, hiện cả nước không có ổ dịch CGC A/H5N1 chưa qua 21 ngày, các ổ dịch CGC chỉ xảy ra tại các hộ chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ, chưa được tiêm phòng vắc xin. Tuy nhiên, các địa phương đã chủ động phát hiện sớm, xử lý kịp thời, không để dịch bệnh lây lan diện rộng, không gây thành dịch.

Trong thời gian tới, Cục Thú y nhận định nguy cơ bệnh CGC tiếp tục xuất hiện là rất cao. Đến nay, đã có 01 người chết vì nhiễm vi rút CGC A/H5N1 và 01 người nhiễm vi rút CGC A/H9N2

Theo báo cáo của Bộ Y tế, từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước ghi nhận 44 người tử vong do bệnh dại tại 23 tỉnh, thành phố. Các địa phương có số ca tử vong cao nhất là Bình Thuận 07 ca, Đắk Lắk 05 ca; ghi nhận 96.561 trường hợp người bị chó, mèo mắc dại, nghi dại cắn, cào, phải điều trị dự phòng. So sánh với cùng kỳ năm 2023 số ca tử vong trên người tăng 30%.

Có 146 ổ dịch bệnh dại tại 34 tỉnh, thành phố, tổng số chó, mèo tiêu huỷ là 395 con. Hiện nay, có 19 ổ dịch bệnh dại trên động vật tại 10 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày. So sánh với cùng kỳ năm 2023 số ổ dịch dại trên động vật tăng 24,24% lần.

Theo nhận định của Cục Thú y, nguyên nhân chủ yếu của dịch bệnh dại gia tăng là do tổng đàn chó, mèo của cả nước là hơn 5,7 triệu con nhưng tỷ lệ được tiêm phòng trung bình chưa cao, đạt 48.35% tổng đàn, chỉ có 14 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ tiêm phòng trên 70% tổng đàn.

Bệnh DTLCP, từ đầu năm 2024, cả nước đã xảy ra 468 ổ dịch tại 41 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy 22.011 con lợn; trong đó, dịch bệnh trầm trọng và dai dẳng nhất tại một số tỉnh Bắc Kạn, Lạng Sơn, Quảng Nam, Quảng Ninh. Hiện nay, cả nước có 247 ổ dịch thuộc 68 huyện của 21 tỉnh chưa qua 21 ngày. So với cùng kỳ năm 2023, số ổ dịch tăng 2,4 lần, số lợn phải tiêu hủy tại các ổ dịch tăng 93,7%.

leftcenterrightdel

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Hoàng Nam

Trong thời gian tới, nguy cơ bệnh DTLCP tái phát và lây lan diện rộng là rất cao bởi xu hướng tái đàn ồ ạt, đặc biệt là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, các hộ trước đây đã bị dịch và mặc dù đã có vắc xin DTLCP phòng bệnh cho lợn thịt, nhưng việc quan tâm, sử dụng vắc xin còn hạn chế, tỷ lệ tiêm phòng còn rất thấp.

Về dịch LMLM, cả nước phát sinh 44 ổ dịch tuýp O tại 25 huyện của 13 tỉnh; số gia súc mắc bệnh là 1.421 con, số gia súc tiêu hủy là 123 con. So sánh với cung kỳ năm 2023, số ổ dịch tăng 2,09 lần, số gia súc mắc bệnh tăng 2,18 lần.

Hiện nay, cả nước có 03 dịch bệnh LMLM tại 02 tỉnh Yên Bái và Gia Lai chưa qua 21 ngày. Nguy cơ dịch bệnh LMLM tái phát và phát sinh cũng là rất cao

Trong 6 tháng đầu năm 2024, xây dựng được 03 vùng và 17 cơ sở an toàn dịch bệnh (ATDB). Lũy kế đến nay, cả nước có 1.930 cơ sở, vùng được chứng nhận ATDB tại 60 tỉnh, thành phố.

Theo đánh giá của Cục Thú y, việc chấp hành các quy định của pháp luật về thú y của một số tổ chức, cá nhân còn chưa cao, chưa tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, biện pháp phòng bệnh bằng vắc xin.

Công tác chủ động giám sát phát hiện, báo cáo và công bố dịch bệnh chưa kịp thời, chính quyền và các cơ quan chuyên môn còn chủ quan, lơ là, không nắm rõ thông tin dịch bệnh, người dân bán chạy động vật mắc bệnh làm lây lan dịch bệnh.

Việc tuyên truyền, cập nhật thông tin và các văn bản chỉ đạo về công tác thú y ở các địa phương còn chậm; đặc biệt tại cấp huyện và cấp xã chưa chủ động lập kế hoạch và bố trí đủ kinh phí triển khai phòng, chống dịch bệnh có hiệu quả; công tác tập huấn nâng cao kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ thú y chưa được thực hiện thường xuyên.

Các dịch bệnh động vật truyền lây sang người đang có nhiều diễn biến phức tạp; nguy cơ dịch bệnh tiếp tục xảy ra trên đàn vật nuôi và lây sang người là rất cao.

Quản lý vận chuyển chưa tốt, chưa đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh; điều kiện cơ sở vật chất của hệ thống các trạm kiểm dịch đầu mối giao thông chưa đáp ứng yêu cầu; hầu hết các trạm không có nơi xét nghiệm, không có thiết bị để thực hiện các xét nghiệm nhanh, không có khu vực nuôi nhốt cách ly động vật và nơi lưu giữ sản phẩm động vật,...

Công tác nghiên cứu khoa học, nhất là nghiên cứu dịch tễ học, nghiên cứu sản xuất vắc xin và các biện pháp phòng chống dịch chưa được quan tâm, đẩy mạnh.

Những tháng cuối năm 2024, tập trung theo dõi tình hình dịch bệnh; tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc, giám sát, tổ chức triển khai thực hiện 05 Chương trình, Kế hoạch quốc gia phòng, chống dịch bệnh động vật động vật trên cạn. Tổ chức giám sát chủ động sự lưu hành và biến đổi của vi rút CGC tại chợ buôn bán gia cầm sống, gia cầm nhập lậu; giám sát lưu hành và giám sát sau tiêm phòng đối với bệnh LMLM; xác định hiệu lực các loại vắc xin phù hợp; xây dựng bản đồ dịch tễ của các bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm để làm căn cứ chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh; tăng cường năng lực xét nghiệm. 

Tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền phòng, chống bệnh động vật. Hướng dẫn, tổ chức thực hiện Thông tư số 24/2022/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2022 quy định về cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật. Hỗ trợ các các địa phương, các doanh nghiệp xây dựng các chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh gia súc, gia cầm.

Tiếp tục triển khai các dự án, hoạt động hỗ trợ của quốc tế và các nước như FAO, CDC Hoa Kỳ, USDA, DTRA, PATH, WCS... về chủ động giám sát, cảnh báo và phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.

Hoàng Nam