Nhiều gia đình lựa chọn cho con tham gia các khoá tu mùa hè, do các chùa và tự viện tổ chức.

Thực tế, nhiều ngôi chùa trong cả nước đã thu hút được một lượng lớn các du khách nhí đến rèn luyện vào mỗi dịp hè. Đây được coi là một mô thức tu tập, sinh hoạt vui chơi bổ ích dành cho giới trẻ được các bậc phụ huynh quan tâm trong những năm gần đây.

Mục đích và ý nghĩa của các khoá tu mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam mong muốn nhằm giúp cho các bạn trẻ trở thành con ngoan, trò giỏi, học tập tiến bộ.

Từ đó, giáo dục từ bỏ thói quen xấu, tránh xa các tệ nạn xã hội, bạo lực học đường, bạo lực gia đình nhằm định hướng và xây dựng nhân cách đạo đức cá nhân tốt đẹp góp phần làm đẹp nền đạo đức xã hội.

 Giúp các khóa sinh tự tin trong cuộc sống, rèn luyện khả năng tự lập, và xây dựng trách nhiệm cho các bạn trẻ khi được tham gia các hoạt động cá nhân cũng như tập thể. Khóa tu cũng trang bị tinh thần và kỹ năng làm việc nhóm, giáo dục tinh thần đoàn kết tập thể, khai mở tư duy và giáo dục lòng tri ân, báo ân đối với những người có công với đất nước, hiếu đạo đối với cha mẹ, thày cô của mình. 

Khóa tu mùa hè là cơ hội tốt, duyên lành để cho giới trẻ Phật tử có môi trường tốt để gieo duyên với Phật pháp và hành trì lời dạy của Đức Phật xây dựng thiện nghiệp cho tương lai.

Tuy nhiên trên thực tế, đã xảy ra một số hoạt động tại các khoá tu mùa hè khiến phụ huynh lo lắng, chưa an tâm khi cho con em mình tham gia.

Câu chuyện xảy ra năm ngoái tại chùa Cự Đà, Thanh Oai, Hà Nội, khi con trai chị Nguyễn Giang Như, ở thôn Yên Xá, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì tham gia khóa tu 5 ngày (12-16/6/2023) ở chùa, thông qua một Phật tử. Chị đã đóng một triệu đồng chi phí ăn uống, đồng phục và dụng cụ học tập cho con. Sau 5 ngày, chị đến đón thì thấy con mình mặc nguyên chiếc áo từ hôm đến, mặt mũi nhem nhuốc, chân tay nhiều vết muỗi đốt. Con chị nói bị bạn đánh bằng ghế gỗ, không được tắm, nhà vệ sinh bẩn và phải ngủ dưới nền đất. Về đến nhà, bé kêu đau, tay cử động khó khăn, tinh thần hoảng sợ.

Sự việc xảy ra khiến chính quyền huyện Thanh Oai yêu cầu chùa Cự Đà dừng các khóa tu mùa hè, do chưa đảm bảo điều kiện tổ chức.

Tiếp đó, ngày 19/6/2023, Ban Tôn giáo Hà Nội lập đoàn kiểm tra các khóa tu mùa hè trên địa bàn Thủ đô có số lượng khóa sinh đông như: Chùa Phúc Lâm (huyện Thường Tín), Đình Quán (quận Bắc Từ Liêm), Khai Nguyên (thị xã Sơn Tây). Các nội dung kiểm tra bao gồm công tác quản lý của địa phương, an ninh trật tự, y tế, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm.

Ngoài ra, Ban Tôn giáo Hà Nội yêu cầu chính quyền và ban trị sự Phật giáo quận, huyện tăng cường quản lý các khóa tu mùa hè, không chấp thuận những cơ sở chưa đủ điều kiện, năng lực tổ chức các hoạt động này.

Năm 2023, trên địa bàn thành phố Hà Nội, 32 chùa tổ chức 53 khóa tu mùa hè với sự tham gia của gần 15 ngàn học sinh, sinh viên.

Năm 2024, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã ban hành thông bạch, yêu cầu Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương, Ban Hoằng pháp Trung ương, Ban Thông tin Truyền thông Trung ương và Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố phối hợp tổ chức thực hiện, hướng dẫn các chùa, cơ sở tự viện trong cả nước tổ chức các khóa tu sinh hoạt hè cho các cháu thanh, thiếu niên, học sinh và chương trình sinh hoạt Phật pháp, giáo dục đạo đức truyền thống phụng đạo yêu nước, hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo Việt Nam.

Với chủ đề: “Về nguồn”, “Tri ân và Báo ân”, “Thắp sáng niềm tin”, “Tâm trong, Trí sáng, Hoài bão lớn”… Giáo hội cũng nêu rõ, các cơ sở chùa chiền, tự viện tổ chức khoá tu mà hè phải đảm bảo các yếu tố về cơ sở hạ tầng; an toàn vệ sinh thực phẩm; phòng chống cháy nổ; an ninh trật tự…

 Nhiều bậc phụ huynh bày tỏ, các ngành chức năng như: Văn hoá, giáo dục, tôn giáo, công an, chính quyền địa phương cần phối hợp kiểm tra các khoá tu mùa hè. Trong đó, tập trung vào yếu tố đảm bảo an toàn; nội dung, chất lượng các ấn phẩm, bài giảng tại các chùa, tự viện cho khoá sinh.

Trà Vân