Nguyên nhân tàu cá chưa đăng kiểm, đăng ký do nhận thức của một bộ phận ngư dân còn hạn chế nên khi đóng tàu, mua bán tàu không thực hiện các thủ tục đăng ký tàu cá theo quy định. Năng lực kiểm soát tàu cá phát sinh do đóng mới, mua bán tàu cá còn hạn chế do thiếu nhân lực quản lý tàu cá từ cấp tỉnh đến cấp xã; địa bàn rộng, bờ biển dài; có nhiều sông, kênh, rạch thông ra biển; có nhiều bãi ngang, đảo.

Tàu cá đã bị xóa đăng ký theo quy định tại Điều 12 Quyết định số 10/2006/QĐ-BTS ngày 03/7/2006 của Bộ Thủy sản về việc ban hành quy chế đăng ký tàu cá và thuyền viên, chủ tàu không làm thủ tục xóa đăng ký, nộp giấy chứng nhận đăng ký tàu cá cho cơ quan cấp giấy chứng nhận mà tiếp tục hoạt động khai thác thủy sản hoặc bán tàu cá cho người khác.

Kiên Giang có bờ biển dài trên 200km, hơn 140 hòn đảo lớn nhỏ, có khoảng 100 con sông, kênh, rạch thông ra biển Tây và ngư trường rộng hơn 63.290km2, thuận lợi cho phát triển nghề cá. Thực hiện phân cấp quản lý tàu cá trên địa bàn, tỉnh giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang đăng ký đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12m trở lên, quản lý hoạt động khai thác thuỷ sản ở vùng lộng; giao cho UBND cấp huyện đăng ký tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 6m đến dưới 12m, quản lý hoạt động khai thác thuỷ sản ở vùng ven bờ.

Theo đó, đối với tàu cá đủ điều kiện đăng ký, tỉnh đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sửa đổi, bổ sung Thông tư số 23/2018/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2018 để hướng dẫn địa phương xử lý dứt điểm đối với nhóm tàu cá “3 không” (không đăng ký, không giấy phép khai thác, không đăng kiểm).

Trên cơ sở đó, tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các huyện, thành phố có liên quan làm việc, trực tiếp hướng dẫn từng chủ tàu thủ tục đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép và cập nhật 100% dữ liệu tàu cá vào Cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia.

Mặt khác, đối với tàu cá không đủ điều kiện đăng ký theo quy định mới sau khi sửa đổi, bổ sung Thông tư số 23/2018/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh Kiên Giang chỉ đạo các huyện, thành phố tuyên truyền, vận động ngư dân chuyển nghề, không sử dụng tàu cá vào khai thác thủy sản.

Đồng thời, Bộ đội Biên phòng Kiên Giang, Kiểm ngư tỉnh tăng cường kiểm soát tàu cá tại các cửa sông, kênh, rạch thông ra biển và các bãi ngang không cho tàu cá “3 không” ra biển đánh bắt thủy sản, tăng cường tuần tra, kiểm tra, xử lý nghiêm tàu cá “3 không” hoạt động khai thác trên ngư trường.

Ngành chức năng tỉnh, đơn vị có liên quan tăng cường năng lực quản lý, bố trí nguồn lực về nhân lực, tài chính, phương tiện… cho cấp xã, huyện phù hợp với nguồn lực của tỉnh, nhằm kiểm soát tốt tàu cá trên địa bàn quản lý.

Tỉnh cũng tăng cường kiểm tra, quy trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị thuộc cấp xã, huyện và các sở, ban, ngành chức năng liên quan nếu để xảy ra trường hợp phát sinh tàu cá đóng mới không có văn bản chấp thuận, không đăng kiểm, đăng ký, không có giấy phép khai thác thuỷ sản.

Tỉnh đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu cho Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ chuyển đội nghề theo định hướng cắt giảm tàu, chuyển đổi các nghề xâm hại sang các nghề thân thiện với môi trường, đảm bảo cường lực khai thác phù hợp với khả năng phục hồi nguồn lợi thủy sản.

Tỉnh kiến nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sớm tham mưu Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ ngư dân chuyển đổi từ nghề khai thác thủy sản sang các nghề khác, giảm cường lực khai thác đánh bắt ven bờ, giảm xâm hại các bãi giống thủy sản trên ngư trường và khu bảo tồn biển tự nhiên để khôi phục, tái tạo nhanh nguồn lợi thủy sản tự nhiên, phát triển nghề cá bền vững.

Lê Huy Hải