Phát triển hạ tầng giao thông để phát triển kinh tế - xã hội

Sau 49 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đã chuyển đổi thành công từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung quan liêu, bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đưa cả nước nói chung và các tỉnh phía Nam nói riêng thoát khỏi tình trạng kém phát triển, hàng loạt các khu công nghiệp có quy mô vừa và lớn đã hình thành và hoạt động hiệu quả.

Bức tranh kinh tế của các tỉnh thành miền Nam đã có biến đổi rất lớn, nhiều thành tựu đáng tự hào. Số lượng các doanh nghiệp của các thành phần kinh tế đang hoạt động trên cả nước cũng như ở phía Nam tăng lên rất nhiều lần, hạ tầng thiết yếu được xây dựng cho thấy cơ chế chính sách đã tạo ra sức bật mới cho nền kinh tế.

Để đạt được những thay đổi ngoạn mục về kinh tế - xã hội phải kể đến sự quan tâm chỉ đạo mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước và Chính phủ trong việc đẩy mạnh đầu tư các công trình giao thông đường bộ tại các tỉnh phía Nam, đặc biệt là tại Thành phố Hồ Chí Minh trong những năm qua.

Hạ tầng giao thông Thành phố Hồ Chí Minh đã không ngừng phát triển, có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển không chỉ với thành phố mà còn cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Hàng loạt công trình giao thông trọng điểm được xây dựng, đặc biệt là hệ thống đường trục Bắc - Nam với nhiều cây cầu lớn...

Cùng với đó, hệ thống đường trục Ðông - Tây của thành phố cùng các tuyến đường chính ở cửa ngõ như Trường Chinh, xa lộ Hà Nội, Quốc lộ 13, đường Nguyễn Văn Linh... đã hình thành mạng lưới giao thông đồng bộ, kết nối thuận lợi cho các hướng Ðông - Tây và Bắc - Nam của thành phố, kéo theo sự phát triển kinh tế - xã hội dọc tuyến.

Nhiều dự án mang tính chiến lược, kết nối vùng cũng lần lượt hoàn thành đưa vào sử dụng như tuyến đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây và tuyến Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương, đường Xuyên Á (Quốc lộ 22)... Ðây là những tuyến đường kết nối trực tiếp với các tỉnh lân cận như Ðồng Nai, Tiền Giang, Tây Ninh.

leftcenterrightdel
 Tuyến đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây đưa vào sử dụng đã tạo sức bật mới cho kinh tế các tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ. Ảnh: A.X

Thành phố Hồ Chí Minh với nhiều dự án giao thông trọng điểm

Từ năm 2020 đến nay, hạ tầng giao thông, kết nối vùng các tỉnh thành phía Nam tiếp tục chứng kiến những thay đổi ngoại mục, đáng tự hào. Nhiều dự án đường giao thông trọng điểm, kết nối vùng có giá trị đầu tư hàng nghìn tỷ đồng đã được triển khai với tốc độ nhanh chóng…

Việc phát triển hạ tầng giao thông giai đoạn này đã được gắn với cụm từ “kết nối vùng” với ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ với tiêu chí lấy Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm.

Tại vùng Đông Nam Bộ với trung tâm phát triển là Thành phố Hồ Chí Minh, những năm qua hạ tầng giao thông đã được đầu tư mạnh mẽ. Những công trình giao thông đã hoàn thành và đưa vào sử dụng góp phần rút ngắn khoảng cách đi lại, thông thương hàng hóa, cụ thể: Nút giao thông ngã 3 Cát Lái (thành phố Thủ Đức) nằm ở điểm đầu Đại lộ Đông - Tây kết nối với Xa lộ Hà Nội; đại lộ Mai Chí Thọ (từ Xa lộ Hà Nội về đến hầm vượt sông Sài Gòn); hầm Thủ Thiêm; tuyến Đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ; đại lộ Nguyễn Văn Linh thuộc đường Vành đai 2; cầu Phú Mỹ kết nối thành phố Thủ Đức và quận 7 được xem là biểu tượng của thành phố.

Đặc biệt, thời gian tới, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tập trung hoàn thành khép kín Vành đai 2 với tổng chiều dài hơn 60km. Tuyến đường này khi hoàn thành sẽ tạo sự đồng bộ, tăng cường kết nối, rút ngắn quãng đường vận chuyển hàng hóa ra vào các cảng khu vực phía Đông, Đông Bắc và phía Nam thành phố (cảng Cát Lái, cảng Phú Hữu…).

Cùng với đó, dự án cầu Thủ Thiêm 4 bắc qua sông Sài Gòn dài 2,1km, sẽ được khởi công trong năm 2025, nhằm kết nối Khu đô thị mới Thủ Thiêm với Khu đô thị mới Nam thành phố.

Tuyến Metro số 1 (đoạn Bến Thành - Suối Tiên) sẽ được đưa vào hoạt động trong năm 2024. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng, dài gần 20km. Sau tuyến này, tuyến Metro số 2 (đoạn Bến Thành - Tham Lương) đang được thành phố giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật để khởi công các gói thầu chính vào năm 2025…

leftcenterrightdel
 Phát triển hạ tầng giao thông, kết nối vùng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ... Ảnh: A.X

Tập trung phát triển hạ tầng giao thông để kết nối vùng Đông Nam Bộ

Hiện, vùng Đông Nam Bộ có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, là đầu tàu kinh tế, trung tâm công nghiệp, cảng biển, hàng không và logistics lớn của cả nước với vùng động lực là Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Đây cũng là vùng kinh tế năng động, đầu mối giao thông quan trọng với đầy đủ 5 phương thức vận tải, đóng vai trò kết nối quan trọng trong giao thương với cả nước và quốc tế như: Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Cảng Hàng không quốc tế Long Thành (đang đầu tư xây dựng), hệ thống cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh.

Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông kết nối vùng Đông Nam Bộ gắn với các vùng lân cận và cảng biển, sân bay sẽ thông qua các tuyến đường bộ cao tốc. Từ năm 2020 đến nay, tại các tỉnh vùng Đông Nam Bộ hàng loạt công trình giao thông trọng điểm đã và đang được hoàn thiện nhằm đồng bộ hạ tầng giao thông vùng. Có thể kể đến như tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây (kết nối Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai); tuyến cao tốc Bắc - Nam (đoạn từ Dầu Giây - Phan Thiết - Vĩnh Hảo, Cam Lâm - Nha Trang đã đưa vào sử dụng; đoạn Vĩnh Hảo - Cam Lâm chính thức thông xe vào ngày 30/4 tới đây).

Đường vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang được các nhà thầu gấp rút triển khai thi công. Toàn tuyến đường này đi qua Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, đã được khởi công xây dựng vào tháng 6/2023, với tổng vốn hơn 75.300 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026. Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu kết nối tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đang được đẩy nhanh tiến độ thực hiện; tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài (kết nối thành phố với Tây Ninh) và cao tốc Dầu Giây - Liên Khương (kết nối Đồng Nai và Lâm Đồng) cũng nằm trong kế hoạch triển khai trong thời gian tới…

leftcenterrightdel
 Hiện cao tốc Cần Thơ - Cà Mau cũng đang được các nhà thầu tập trung cao độ thi công. Ảnh: A.X

Tăng cường kết nối hạ tầng giao thông vùng đồng bằng sông Cửu Long

Tại các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, cuối tháng 12/2023 vừa qua, cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ được đưa vào sử dụng đã giúp những nút thắt hạ tầng giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long từng bước được tháo gỡ. Đây cũng là 2 dự án cuối của tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn từ Thành phố Hồ Chí Minh đến thành phố Cần Thơ dài 120km. Việc thông tuyến cao tốc này cũng góp phần hình thành tuyến hành lang giao thông trục dọc vùng  Đồng bằng sông Cửu Long, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh vùng Tây Nam Bộ nói chung và các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, thành phố Cần Thơ. Trước đó, tuyến cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi - Cao Lãnh cũng đã thông xe đưa vào sử dụng, kết nối các tỉnh thành từ Kiên Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp.

Hiện cao tốc Cần Thơ - Cà Mau cũng đang được các nhà thầu tập trung cao độ thi công. Tuyến cao tốc này sẽ đi qua các tỉnh, thành: Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau là dự án cuối cùng của tuyến đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2, dự án này được kỳ vọng sẽ khép kín trục dọc "xương sống mới" kết nối nội vùng, liên vùng, thông tuyến cao tốc Bắc Nam từ Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, kết nối các đường cao tốc trục ngang Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu trong tương lai…

Chu Tuấn