Nỗ lực lớn

Miền Tây Nghệ An có 11 huyện, thị xã, với diện tích tự nhiên 13.747 km2. Dân số có trên 1.131.000 người, gồm các dân tộc: Thái, Thổ, Nùng, Khơ Mú, Mông, Đan Lai, Ơ Đu và Kinh chung sống. Từ nhiều năm trước, khu vực miền Tây Nghệ An vẫn là vùng kém phát triển so với các vùng khác của tỉnh. Nhiều huyện như: Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong, Quỳ Châu… đang là những “vùng trũng” của Nghệ An. Tuy nhiên, nhiều năm qua được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và của tỉnh Nghệ An nhiều chương trình, dự án xóa đói, giảm nghèo được triển khai vì vậy cuộc sống của nhân dân miền Tây đã có nhiều khởi sắc.

Năm 2016, từ nguồn vốn từ ngân sách tỉnh, công trình đường giao thông nối các huyện miền Tây (đường Tây Nghệ An) được thi công, hoàn thành và đưa vào sử dụng đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho các huyện.

Ông Vi Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Tri Lễ, huyện Quế Phong cho biết, trước đây khi con đường chưa hình thành, giao thông từ xã Tri Lễ sang xã Nhôn Mai huyện Tương Dương chỉ là một lối mòn như sợi chỉ vắt qua những dãy núi cao, rồi đột ngột chui xuống khe. Hàng ngày, bà con dân bản vẫn phải leo dốc để lên nương sản xuất. Còn vận chuyển lương thực đến trung tâm xã phải mất 1 ngày trời. Từ khi tuyến đường Tây Nghệ An đưa vào sử dựng, bà con “hạ sơn” xuống xã, xuống huyện rất thuận lợi. Cuộc sống của người Mông ở nhiều bản có rất nhiều đổi thay.

Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn, ông Vi Hòe phấn khởi cho hay: Thực tế 5 năm qua, từ các chính sách lớn của Đảng, Nhà nước, sự quan tâm của tỉnh, sự năng động của cấp ủy, chính quyền địa phương, các huyện phía Tây của tỉnh đã có những bước ngoặt lớn. Không chỉ tạo động lực trong phát triển kinh tế qua các chương trình, dự án (DA) như 135, 134, 30a… mà các huyện đã có nhiều cơ hội để tạo đột phá. Minh chứng rõ nét nhất đối với huyện Kỳ Sơn đó là trong tháng 9 này huyện đã ban hành nhiều nghị quyết về phát triển kinh tế như:  Xây dựng DA nông nghiệp công nghệ cao kết hợp khu du lịch sinh thái tại xã Na Ngoi; nghị quyết xây dựng khu du lịch tại xã Mường Lống; DA vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại xã Hữu Kiệm…

Theo số liệu thống kê, nhiệm kỳ 2015- 2020, tốc độ tăng trưởng bình khu vực miền Tây Nghệ An đạt khoảng 8,5%/năm, thu nhập bình quân đầu người khoảng 26,5 triệu đồng/người/năm.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng nhanh, với mức bình quân 11%/năm. Giao thông miền Tây rất thuận lợi, được đầu tư mạnh ở các huyện Quế Phong, Tương Dương, Kỳ Sơn kết hợp các DA với đường tuần tra biên giới kết hợp phát triển kinh tế cùng hàng ngàn kilomet đường giao thông nông thôn được rải nhựa và bê tông kiên cố các xã đặc biệt khó khăn. Bộ mặt miền Tây Nghệ An thay đổi nhanh chóng. Nhiều công trình trọng điểm, nhiều DA được đầu tư vào miền Tây Nghệ An đã và đang phát huy hiệu quả; chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới có nhiều khởi sắc (64/203 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 5 xã thuộc huyện nghèo 30a và xã biên giới…).

Hướng "bứt phá" miền Tây

Theo ông Thái Thanh Quý, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, mục tiêu lớn mà Đảng bộ tỉnh xác định với trọng điểm miền Tây theo hướng phát triển bền vững, thiết thực; gắn phát triển kinh tế với giải quyết tốt các vấn đề xã hội và xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh. Điều này được khẳng định tại cuộc làm việc giữa Bộ Chính trị với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 26. Để tạo bước đột phá trong giai đoạn tới, cần phải đặt miền Tây Nghệ An trong tổng thể phát triển của tỉnh, của khu vực, của quốc gia. Phải xác định, những lĩnh vực có lợi thế so sánh của miền Tây Nghệ An với các địa phương khác để đầu tư. Tập trung khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế; tranh thủ sự hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương để phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.

leftcenterrightdel
Phát triển du lịch cộng đồng ở làng văn hóa Khe Rạn, xã Bồng Khê, huyện Con Cuông. Ảnh: Xuân Thống 

 

Trong chiến lược phát triển, tỉnh sẽ khai thác hợp lý, hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh, phát triển các sản phẩm có lợi thế vùng, như kinh tế rừng, cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả, cây dược liệu, chăn nuôi gia súc. Đồng thời, chú trọng đầu tư ngành công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến để phát triển một số sản phẩm có lợi thế cạnh tranh như sữa, chè, cây ăn quả, cây dược liệu, gỗ và các sản phẩm từ gỗ. Đặc biệt, tỉnh sẽ quảng bá, thu hút đầu tư phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng… từ đó tạo sự phát triển bền vững cho vùng đất giàu tiềm năng khu cực phía Tây của tỉnh.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được miền Tây Nghệ An cần có những đột phá về chính sách để khai thác các nguồn lực như ngân sách Nhà nước, các nguồn lực xã hội để phát triển, mạnh, toàn diện.

Nhiều tiềm năng chưa được khai thác như: Kinh tế cửa khẩu, kinh tế rừng, chế biến nông lâm sản; sản xuất nông nghiệp còn mánh mún, phân tán, đầu tư khoa học công nghệ còn hạn chế. Hiệu quả sử dụng các nguồn lực, các lợi thế như đất đai, tài nguyên khoáng sản chưa đúng mức; hạ tầng giao thông, văn hóa xã hội còn yếu kém; đội ngũ cán bộ còn thiếu tư duy, tầm nhìn trong giai đoạn mới, vẫn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Vì thế, Đảng bộ, chính quyền Nghệ An cũng như các cấp ủy, chính quyền và nhân dân các huyện miền Tây cần nhận thức đầy đủ, đánh giá đúng toàn bộ về đất đai, con người, tài nguyên, khoáng sản… từ đó đánh thức tiềm năng và lợi thế, từng bước xây dựng miền Tây Nghệ An trở nên giàu đẹp, văn minh.

Xuân Thống