Cử tri mong muốn TP không để “làn sóng Covid thứ 2” xảy ra

Ghi nhận nỗ lực của TP trong thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 và thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế thời kỳ “hậu Covid”, cử tri Hồ Mai Lâm, phường Hàng Trống mong muốn TP tiếp tục chỉ đạo giải quyết khó khăn cho phát triển kinh tế sau thời kỳ Covid. Không để “làn sóng dịch Covid thứ 2” xảy ra.

Trả lời cử tri về vấn đề này, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nói: “Chúng ta đã rất thành công trong phòng Covid-19. Kết quả này cũng khẳng định sự ưu việt của chế độ, của Đảng trong công tác phòng, chống dịch bệnh, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng…”.

Sau dịch bệnh đến nay, TP đang tập trung vào các vấn đề liên quan đến an sinh xã hội, đồng thời thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế. Trong 6 tháng đầu năm, TP đã đạt được thành tựu nhất định, TP Hà Nội phấn đầu tăng trưởng cao hơn cả nước, đồng thời phấn đấu đạt các chỉ tiêu đã đề ra trong năm 2020.

Chủ tịch Hà Nội cũng cho biết, hơn 2 tháng vừa qua, khi dịch Covid-19 chấm dứt, TP đã trở lại trạng thái “bình thường mới”, du lịch trên địa bàn bắt đầu khôi phục trở lại. Tuy nhiên, các cơ sở lưu trú chỉ đạt được tỷ lệ lấp đầy vào khoảng 60%, trong đó các khách sạn trên địa bàn quận Hoàn Kiếm ảnh hưởng lớn nhất.

“Khách du lịch trong nước về Hà Nội trong dịp này cũng thấp hơn cùng kỳ. Đây là vấn đề TP cũng rất trăn trở, làm sao khuyến kích, kích cầu được người dân trong nước đi du lịch nhiều hơn”- ông Chung cho hay.

Phát biểu tại đây, cử tri Đào Tuyết Thanh (phường Hàng Trống) phản ánh về việc hàng nghìn tấn rác thải đang bị ùn ứ trong nội thành, do bãi rác Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) bị người dân “phong tỏa” vào tối ngày 13/7 vừa qua.

“Do rác thải đã ùn ứ lâu ngày trên các tuyến phố nên đã bốc mùi hôi thối ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống người dân. Trong những ngày nắng nóng, rác không được chuyển ra ngoài để xử lý đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng”, cử tri Thanh nói.

Theo bà Thanh, đây đã là lần thứ 6, bãi rác Nam Sơn bị người dân chặn xe chở rác không cho vào. “Người dân chặn xe chở rác vì TP chưa thực hiện xong chính sách giải phóng mặt bằng cho người dân” & bà Thanh nêu.

Đồng thời đề nghị, trước mắt, TP phải có giải pháp cấp bách để sớm giải phóng được rác ra khỏi nội thành càng sớm càng tốt. Về tầm nhìn xa, TP cần có quy hoạch như thế nào để đáp ứng lượng rác của hơn 8 triệu dân giải phóng ra hàng ngày…

TP không hẹp hòi với người dân quanh bãi rác Nam Sơn

Trả lời câu hỏi của cử tri, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết, từ tối ngày 13, do người dân chặn không cho xe chở rác vào bãi Nam Sơn nên rác thải bị ùn ứ lại ở 4 quận nội thành từ đó đến nay.

leftcenterrightdel
Rác thải "bủa vây" các tuyến phố. Ảnh: HH 

“Trước vấn đề trên, TP đã chỉ đạo chuyển lượng rác ùn ứ trong nội thành về bãi rác ở Ba Vì và Cầu Diễn. Các lực lượng đang phấn đấu đến hết ngày hôm nay sẽ vận chuyển cơ bản lượng rác ùn ứ ra khỏi nội thành” - ông Chung nói.

Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội, giải pháp căn cơ xử lý rác thải trên địa bàn TP đã được tính toán từ nhiều nhiệm kỳ qua. Việc này Hà Nội cũng nhận được rất nhiều sự quan tâm của Trung ương.

Để xử lý vấn đề này, năm 2017, Hà Nội đã khánh thành nhà máy xử lý rác thải độc hại. Rác thải y tế cũng được thu gom, xử lý 100%. Với rác thải sinh hoạt và kinh doanh Hà Nội đã đấu thầu dịch vụ này, bố trí nhiều thùng rác nơi công cộng...

Về chiến lược lâu dài, ông Chung cho biết, Hà Nội đã kêu gọi các đầu tư vào lĩnh vực này. Hiện có 3 nhà đầu tư đăng ký xây dựng nhà máy xử lý đốt và phát điện. Riêng nhà máy điện rác Xuân Sơn (Ba Vì), nếu không có dịch bệnh Covid-19 thì tháng 8 sẽ vận hành thử và tháng 10 sẽ vận hành thương mại. Sau thời gian dịch, Hà Nội đã cho 300 chuyên gia vào làm việc, công trình sẽ hoàn thành vào tháng 11, 12 năm nay.

Bên cạnh đó, hiện ở khu Xuân Sơn có 3 nhà máy, vừa qua do dịch Covid nên nhà máy đầu tư nước ngoài bị chậm lại, gần đây đã được khởi động lại. Theo lộ trình, đến quý 1/2022 sẽ hoàn thành nhà máy 1.500 tấn. Lúc đó cơ bản Hà Nội sẽ đảm bảo rác thải sinh hoạt hàng ngày được đốt điện.

Với chất thải rắn từ các công trình xây dựng, TP khuyến khích doanh nghiệp đưa máy nghiền, để làm nguyên vật liệu tái tạo cho san nền, tránh được rác thải rắn. Tuy nhiên, những rác thải từ điện tử như ti vi, tủ lạnh, điện thoại cũ, ô tô cũ… hiện nay Hà Nội chưa có bãi xử lý nào. Đây là vấn đề đặt ra trong thời gian tới cần phải giải quyết.

Về những bức xúc của người dân sống xung quanh bãi rác thải Nam Sơn dẫn đến sự việc thường xuyên chặn xe ra vào bãi rác, ông Chung cho biết, những ngày qua, lãnh đạo TP đã cử các đoàn công tác lên kiên trì đối thoại với người dân để sự việc được giải quyết trong thời gian sớm nhất.

Chủ tịch Hà Nội chia sẻ thêm: Vấn đề ở bãi rác Nam Sơn lâu nay có 3 vướng mắc cơ bản. Thứ nhất, liên quan đến giá và đất nhà tái định cư cho người dân, đến nay đã được TP bố trí xong; thứ 2 là kinh phí đảm bảo giải phóng mặt bằng cũng đã được bảo đảm đủ.

Tuy nhiên, vấn đề vướng mắc nhất hiện nay, đó là hạn định nguồn gốc đất (diện tích đất được bồi thường giải phóng mặt bằng). Trong hạn định từ 0 m -1.200 m, nếu trong vòng 400 m thì được bồi thường, còn ngoài 400 m là hỗ trợ. Hiện nay, những công trình tài sản trên đất ở trên 400 m đang ở mức thấp hơn nên người dân thắc mắc.

Ngoài ra, theo Chủ tịch TP, 1 trong những nguyên nhân dẫn đến người dân ở bãi rác Nam Sơn phản đối không cho xe chở rác thải vào còn là do bãi xử lý rác thải cũ hoạt động từ năm 1997 đến nay xử lý theo công nghệ chôn lấp. Công nghệ này cứ 1m3 rác thì phát sinh ra 1,2m3 nước rỉ rác.

Trên khu vực này có 3 hồ chứa nước rỉ rác, TP đã kêu gọi đầu tư 2 nhà máy xử lý nước rỉ rác. Từ 2019 trở về trước TP đều đặt hàng doanh nghiệp, nhưng theo quy định mới phải đấu thầu, nên vừa rồi việc xử lý bị chậm lại mấy tháng, nước rỉ rác dâng cao, bốc mùi hôi thối, người dân kéo ra đường chặn xe vào bãi rác...

Về hướng giải quyết, Chủ tịch TP nêu quan điểm: “TP luôn đồng cảm với người dân sống xung quanh bãi rác, vì họ chịu thiệt thòi gánh vác để bảo đảm môi trường chung của TP. Do vậy, TP cũng không hẹp hòi gì trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng, những chính sách tốt nhất đã được TP áp dụng để giúp người dân.

“Tuy nhiên, có những vấn đề liên quan đến quy định của pháp luật cần phải có thời gian để xử lý. Hi vọng trong tháng 10, tháng 11 khi đưa nhà máy đốt phát điện đưa vào hoạt động thì vấn đề này sẽ được xử lý bền vững hơn” - ông Chung nói.

Hải Hà