Ông Hồ Anh Tuấn - Chủ tịch Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam cho biết, sau 5 năm triển khai Cuộc vận động Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, Ban Tổ chức Cuộc vận động xây dựng văn hoá doanh nghiệp Việt Nam (Ban Tổ chức 248) và Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam - Cơ quan Thường trực của Ban Tổ chức đã và đang góp phần lan tỏa thông điệp “văn hóa là hệ điều tiết phát triển kinh tế - xã hội”, góp phần khẳng định vai trò của văn hóa trong kinh tế, vai trò văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh.

Trong đó, năm 2021, Ban Tổ chức 248 đã công bố Bộ Tiêu chí văn hoá kinh doanh Việt Nam. Bộ Tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam là bộ chuẩn mực đầu tiên về văn hóa kinh doanh được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện, các bộ, ngành tham gia.

“Quá trình xây dựng Bộ Tiêu chí đã nhận được sự đóng góp trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm của các bộ, ngành, nhà khoa học, chuyên gia, các doanh nghiệp và báo chí truyền thông”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Bộ Tiêu chí văn hoá kinh doanh Việt Nam gồm 2 phần với 5 điều kiện bắt buộc, 16 tiêu chí cụ thể và 40 chỉ số đánh giá, đo lường, là căn cứ cho việc xét công nhận “doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam” hàng năm.

Theo ông Hồ Anh Tuấn, một trong những nội dung trọng tâm cần thực hiện ngay trong năm 2022 của Ban Tổ chức 248 và Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam là tổ chức hướng dẫn về triển khai Bộ Tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam đến cộng đồng doanh nghiệp trên toàn quốc.

Tại hội nghị, các đại biểu tham dự nghe giới thiệu về Bộ Tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam và Quy chế xét, công nhận “doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam”; trao đổi, hướng dẫn cách thức tham gia xét “doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam”; nghe một số đại diện doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam năm 2021 chia sẻ kinh nghiệm trong việc “xây dựng thương hiệu bằng sứ mệnh xã hội”.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho rằng, văn hóa doanh nghiệp không chỉ là hình ảnh doanh nghiệp mà còn là hình ảnh quốc gia, với các hành vi ứng xử cụ thể, gồm ứng xử với khách hàng, cộng đồng; là cách giao tiếp với đối tác trong và ngoài nước, trách nhiệm với xã hội, nhất là khi chúng ta tham gia các hiệp định đối tác song phương, đa phương thì vai trò của văn hóa doanh nghiệp càng được thể hiện sâu sắc, toàn diện.

Trải qua các giai đoạn phát triển của đất nước, cùng với nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hóa, môi trường văn hóa, nhiệm vụ xây dựng văn hóa doanh nghiệp ngày càng được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, kế thừa, bổ sung, phát triển và hoàn thiện trong các Nghị quyết trọng tâm về văn hóa.

Đó là Nghị quyết Trung ương 5 Khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Nghị quyết Trung ương 9 Khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng một lần nữa nhấn mạnh nhiệm vụ “xây dựng văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân và kinh doanh”.

Đặc biệt là ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021 và Chiến lược Phát triển văn hóa đến năm 2030 tiếp tục nhấn mạnh vai trò xây dựng văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân, khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh trong quá trình phát triển bền vững của đất nước.

Nhằm cụ thể hóa các quan điểm của Đảng về vị trí, vai trò quan trọng của văn hóa doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã chọn ngày 10/11 hàng năm là Ngày Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, bởi xây dựng văn hóa doanh nghiệp chính là xây dựng lợi thế cạnh tranh, lợi thế thương mại và bản sắc văn hóa Việt Nam trên sân chơi của nền kinh tế toàn cầu.

“Đây là nhiệm vụ quan trọng của Chính phủ kiến tạo, Chính phủ hành động, trong đó có cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp phải là một phần không thể tách rời trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng Việt Nam trở thành một quốc gia sáng tạo, khởi nghiệp; đồng thời xây dựng, phát triển nền tảng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam gắn với những truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc, coi phát triển văn hóa doanh nghiệp là yêu cầu cơ bản, cấp thiết, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp để phát triển bền vững”, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh.

Bà Thủy tin tưởng, việc triển khai Bộ Tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam sẽ là cơ sở, tạo niềm tin vững chắc với cộng đồng doanh nghiệp trong lao động sản xuất, kinh doanh; khích lệ tính sáng tạo với những mô hình hay, cách làm mới để doanh nghiệp Việt Nam ngày càng phát triển.

Thái Hải