Văn bản không phù hợp Luật Tín ngưỡng, tôn giáo?

Cụ thể, trước đó, UBND tỉnh Quảng Ninh từng ban hành Văn bản  số 489/UB - VX1, ngày 23/1/2017 “về việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước của chính quyền địa phương về tiền công đức tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh”.

Tiếp đến, UBND TP Uông Bí, căn cứ ý kiến chỉ đạo theo Công văn 489/UB-VX1 và Thông báo số 975-TB-TU ngày 10/9/2018, của Thường trực Thành ủy về công tác quản lý tiền công đức tại các cơ sở thờ tự trên địa bàn TP.

Theo đó, giao cho Ban Quản lý Di tích và Rừng Quốc gia Yên Tử chịu trách nhiệm tổ chức triển khai việc thu tiền công đức và nộp vào Kho bạc TP;  các  phòng, ban chức năng của TP chịu trách nhiệm trước UBND TP giám sát việc thu, chi nguồn tiền công đức; sư trụ trì tại Khu Di tích Yên Tử có trách nhiệm phối hợp giám sát việc thu tiền công đức tại các chùa.

Về công tác thu tiền công đức: Ban Quản lý Di tích và Rừng Quốc gia Yên Tử chịu trách nhiệm toàn diện về quá trình tiếp nhận công đức.

Nguồn thu từ tiền công đức sử dụng chi cho công tác tổ chức lễ hội, đầu tư xây dựng cơ bản, trùng tu tôn tạo, tu bổ di tích…

Hàng tháng Ban Quản lý Di tích và Rừng Quốc gia Yên Tử báo cáo tình hình thực hiện việc thu tiền công đức; hàng năm UBND TP chỉ đạo cơ quan chuyên môn, tổ chức kiểm tra thẩm định, quyết toán, thu chi công đức tại Yên Tử.

Luật gia Nguyễn Văn Nam, Hà Nội cho rằng, mấu chốt là bởi Văn bản số 489/UB - VX1, ngày 23/1/2017 của UBND tỉnh Quảng Ninh.Đây là văn bản hành chính thông thường nhưng lại có nội dung quy phạm pháp luật không phù hợp với các điều khoản được quy định tại các luật đã được Quốc hội và Nghị định đã được Chính phủ ban hành.

Hòm công đức: Hai khóa, hai chìa?

Sau khi nhận được Bản Quy chế về việc quản lý thu chi tiền công đức tại Khu Di tích Yên Tử, Đại đức Thích Đạo Hiển, Phó Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tỉnh Quảng Ninh kiêm Chánh Thư ký, cho rằng, quy chế này không phù hợp với hoạt động của tôn giáo. Điều đáng nói, trước khi ban hành quy chế, tại Biên bản làm việc ngày 16/2/2017, với đại diện lãnh đạo UBND TP Uông Bí, các sư trụ trì trên địa bàn. không đồng ý với chủ trương của UBND tỉnh Quảng Ninh về hòm công đức phải có 2 khóa, 2 chìa.Các văn bản của Chính phủ, bộ, ngành TƯ, Hiến chương Giáo hội không quy định nội dung này.

“Chưa tìm được hướng giải quyết quản lý hòm công đức trên địa bàn toàn tỉnh, chưa lấy ý kiến rộng rãi của các chư, tăng, ni trên địa bàn, thì UBND TP Uông Bí lại đề ra quy chế quản lý hòm công đức một cách áp đặt khiên cưỡng. Chủ thể trong quy chế này là Ban Quản lý Di tích và Rừng Quốc gia Yên Tử, là đơn vị trực tiếp quản lý hòm công đức, trong lúc đó chùa do sư trụ trì. Như thế là bất hợp lý”, Đại đức Thích Đạo Hiển nhấn mạnh.

Các vị trụ trì bất bình Công văn 489 (ảnh) của UBND tỉnh Quảng Ninh

 

Lý giải cho việc, đền Cửa Ông do địa phương quản lý tiền giọt dầu có hiệu quả, Đại đức Khai Từ, cho rằng, chùa Yên Tử là có sư trụ trì, do Giáo hội Phật giáo Việt Nam quản lý, khác hẳn với những ngôi đền không có trụ trì. Tiền công đức là tài sản của Giáo hội.Chúng tôi, đại diện cho ngôi Tam Bảo, sử dụng rất hiệu quả nguồn tiền này. Chỉ tính từ năm 2007 đến nay, Ban Trị sự Phật giáo Quảng Ninh đã xây dựng, trùng tu, tôn tạo hàng chục ngôi chùa trong Khu Di tích Yên Tử, xây dựng chùa Đồng, Bảo tượng Phật hoàng, xây dựng cung Trúc Lâm, xây dựng trụ sở làm việc của Ban Trị sự Phật giáo tỉnh lên tới hàng trăm tỷ đồng. Chưa kể, hàng năm, tiền công đức còn được Giáo hội phục vụ cho công tác hoằng dương Phật pháp, đào tạo tăng, ni, làm công tác từ thiện xã hội trên địa bàn.

Đại diện Văn phòng Luật sư tại Hà Nội cho rằng, UBND TP Uông Bí giao cho Ban Quản lý Di tích và Rừng Quốc gia Yên Tử quản lý toàn diện hòm công đức, là không phù hợp với quy định pháp luật. Bởi, Điều 56, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 quy định: “Tài sản của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo bao gồm tài sản được hình thành từ đóng góp của thành viên, tổ chức, quyên góp, tặng cho của tổ chức, cá nhân hoặc các nguồn khác theo quy định của pháp luật”.

Như vậy tiền công đức, tiền giọt dầu tại các chùa Phật giáo là tài sản của Giáo hội và của các cơ sở thờ tự Phật giáo bất khả xâm phạm, không một tổ chức, cá nhân nào có quyền niêm phong hoặc xâm phạm. Điều này cũng phù hợp với các quy định về tài sản, tiếp nhận tài sản, hưởng dụng tài sản và định đoạt tài sản quy định trong Bộ Luật Dân Sự năm 2015 và đúng với khoản 6 Điều 7 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016.

Phát biểu tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội tại Hội trường của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa 14, ngày 27/10/2018, Đại biểu Quốc hội, Thượng tọa Thích Thanh Quyết nêu quan điểm, việc một số địa phương quản lý hòm công đức mà chỉ áp dụng đối với chùa thờ Phật của Phật giáo mà không thấy áp dụng đối với nhà thờ của Công giáo là không bảo đảm chính sách mọi tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật.

“Một số địa phương đánh đồng giữa quản lý tôn giáo, với quản lý tín ngưỡng, quản lý di tích lịch sử với quản lý tín ngưỡng tôn giáo và đưa ra cách làm không đúng với luật pháp, tạo nên những bức xúc không đáng có”, Thượng tọa nói.

Chúng tôi sẽ tiếp tục trở lại vấn đề này!

“Trụ trì, hoặc Ban hộ tự (tự viện chưa có trụ trì) là người được Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) giao quyền sử dụng, quản lý tự viện theo Hiến chương GHPGVN và pháp luật Nhà nước. Quyền định đoạt tài sản tự viện do Giáo hội nắm giữ”, Điều 27, Hiến chương GHPGVN.

“Không được cản trở, thực hiện hành vi khác gây khó khăn hoặc xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp quyền hưởng dụng của Trụ trì”, Điều 31 Hiến chương GHPGVN.


Thanh Uyên