+ Thưa ông, những diễn biến của dịch cúm gia cầm tại các địa phương trong những ngày gần đây có gì bất thường không?

- Ông Nguyễn Văn Long: Tôi cho rằng cúm gia cầm đã trở thành bệnh địa phương tại Việt Nam, vì dịch bệnh này đã xuất hiện tại Việt Nam từ năm 2003. 

Trong những năm qua, đặc biệt từ năm 2014 đến nay, Việt Nam đã tổ chức kiểm soát tốt dịch bệnh cúm gia cầm. Do đó, đã tạo điều kiện thuận lợi cho chăn nuôi gia cầm phát triển mạnh. Cụ thể, vào cuối năm 2018, tổng đàn gia cầm khoảng 380 triệu con do có kiểm soát tốt dịch bệnh, trong đó có bệnh cúm gia cầm. Hết năm 2019, cả nước có tổng cộng khoảng trên 467 triệu gia cầm. 

Tuy nhiên, vào thời điểm trước Tết và sau Tết Nguyên đán 2020, khi có các yếu tố bất lợi như tổng đàn gia cầm cao, nhất là thời tiết các tỉnh phía Bắc mưa, rét là điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh có thể phát triển và gây dịch. So với hằng năm, dịch bệnh cúm gia cầm rải rác xảy ra và không có bất kỳ diễn biến bất thường.

+ Cục Thú y đang cùng các địa phương triển khai những giải pháp gì để ngăn chặn dịch cúm gia cầm bùng phát, thưa ông?

- Ông Nguyễn Văn Long: Khi dịch bệnh mới bắt đầu xuất hiện vào đầu tháng 2/2020, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã có công điện gửi Chủ tịch UBND các tỉnh đề nghị tập trung triển khai các biện pháp ngăn chặn để tránh trường hợp dịch bệnh bùng phát, nhất là khi các ổ dịch mới phát hiện phải xử lý tiêu huỷ ngay.

Sau đó, chúng tôi đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ra công văn chỉ đạo triển khai việc này.

Gần đây nhất ngày 17/2, Cục Thú y đã tham mưu Bộ trưởng ký ban hành Chỉ thị về việc tập trung triển khai các biện pháp phòng chống dịch trên gia súc, gia cầm, đặc biệt là 2 bệnh cúm gia cầm và bệnh lở mồm, long móng.

Như vậy, phải khẳng định về văn bản chỉ đạo, văn bản quy phạm pháp luật là rất đầy đủ cho từng loại bệnh, từng địa phương. Chưa kể, Cục đã có văn bản thông báo tình hình lưu hành virus cúm gia cầm, cũng như khuyến cáo sử dụng chủng vacxin nào cho phù hợp với từng địa phương.

Trước đó, chúng tôi đã báo cáo Bộ chủ quản, Chính phủ để có quyết định xuất cấp từ nguồn dự trữ quốc gia 4,5 triệu liều vacxin giúp các địa phương có nguy cơ cao tiêm phòng cúm gia cầm. Như vậy, đến thời điểm này, việc tổ chức triển khai từ Chính phủ đã rất quyết liệt.

Vấn đề chính bây giờ là đề nghị các địa phương chủ động triển khai theo đúng Luật và chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, của Chính phủ, tránh tình trạng bệnh dịch tiếp tục phát sinh và lây lan diện rộng. 

Song song với đó, cần tập trung hướng dẫn người chăn nuôi gia cầm. Biện pháp số 1 là chăn nuôi an toàn sinh học, nếu trong trường hợp hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cần thường xuyên thực hiện vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột. Khi có nguy cơ dịch bệnh xảy ra có thể phải dùng hoá chất. 

Bên cạnh đó, tuyệt đối tiêm phòng cho đàn gia cầm, bởi hiện chúng ta có đủ lượng vacxin. Trong năm 2020, dự kiến có khoảng 500 triệu liều vacxin đảm bảo lượng vacxin chất lượng cao để tổ chức tiêm phòng.

Tiêu độc, khử trùng chuồng trại gia cầm. Ảnh: Trà Vân

 

- Thưa ông, Cục Thú y đã chủ động giám sát tình hình lưu hành virus cúm gia cầm như thế nào nhằm giúp việc tiêm phòng đạt hiệu quả cao trong thời gian qua?

- Ông Nguyễn Văn Long: Từ năm 2003 đến nay, khi dịch bệnh mới xuất hiện, Cục Thú y với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế của các nước, đặc biệt là Chính phủ Hoa Kỳ, hằng năm đã tiến hành tổ chức giám sát tại ít nhất trên 26 tỉnh, thành, có những năm lên đến gần 50 tỉnh, thành trên cả nước.

Hàng tháng, chúng tôi lấy mẫu tại các chợ buôn bán gia cầm, và xác định đó là nơi có nguy cơ cao nhất, sau đó về xét nghiệm, nếu có kết quả dương tính sẽ xử lý ngay. Cộng với truy xuất nguồn gốc để xem vùng có nguy cơ cao hay không để tìm biện pháp phòng chống. 

Cùng với việc đó, trước khi tiêu huỷ gia cầm không rõ nguồn gốc, chúng tôi đều lấy mẫu xét nghiệm. Hằng tháng đều có kết quả xét nghiệm gửi cảnh báo đến chủ các trại gia cầm cũng như cảnh báo cho cơ quan thú y địa phương triển khai biện pháp xử lý các đàn nhiễm virus cúm. 

Qua việc giám sát chúng tôi biết được chủng loại virus đang lưu hành tại Việt Nam, từ đó đưa ra khuyến cáo sử dụng loại vacxin cho từng địa phương, từng nhánh virus. Bên cạnh đó, chúng tôi có đủ cơ sở khoa học, đủ cơ sở thực tiễn cung cấp cho đối tác nhập khẩu gia cầm tại Việt Nam.

Có thể khẳng định, thông qua giám sát là điều kiện quan trọng để chủ vật nuôi, chính quyền cơ sở, cơ quan chuyên môn thú y các cấp xây dựng và chứng minh chuỗi chăn nuôi gia cầm, các vùng chăn nuôi gia cầm an toàn dịch bệnh. Đến thời điểm hiện tại chúng ta có khoảng gần 900 chuỗi, vùng chăn nuôi gia cầm an toàn dịch bệnh. Trong đó có hàng chục huyện vòng an toàn với bệnh cúm. Đây là một trong những giải pháp phòng bệnh rất chủ động mà trong nhiều năm qua Bộ và Cục đang tập trung triển khai làm tốt.

Xin nhấn mạnh để người dân yên tâm, hiện nay chúng ta có đủ lượng vacxin cúm gia cầm có chất lượng, rất mong người chăn nuôi chủ động tiêm phòng đầy đủ cho đàn gia cầm có nguy cơ cao theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT. Hiện chúng ta có 99,99% số đàn gia cầm vẫn an toàn, không có quan ngại bất kỳ điều gì liên quan đến dịch bệnh cũng như an toàn thực phẩm, do đó người tiêu dùng yên tâm tiêu thụ các sản phẩm gia cầm. Chỉ có một phần vô cùng nhỏ đã được phát hiện và xử lý triệt để. Chúng tôi tiếp tục giám sát để thực hiện việc đó.

+ Xin trân trọng cảm ơn ông!

Trà Vân (Thực hiện)