Thông tin tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, hơn 2 thập kỷ qua, nhiều dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi đã xảy ra trên toàn thế giới như dịch hạch, SARS, cúm gia cầm A(H5N1), đại dịch cúm A(H1N1), MERS-CoV, Ebola và gần đây nhất là đại dịch COVID-19, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người cũng như tác động lớn đến kinh tế, xã hội của các quốc gia; trong đó khoảng 70% các bệnh truyền nhiễm là các bệnh lây truyền từ động vật sang người.

Trong các bệnh lây truyền từ động vật sang người, cúm gia cầm và bệnh dại thuộc 5 bệnh truyền nhiễm ưu tiên theo Thông tư Liên tịch số 16/TTLT-BYT-BNNPTNT-2013. Với cúm A(H5N1), sau 8 năm kể từ năm 2014 không ghi nhận ca mắc mới, trong tháng 8/2022 và tháng 3/2024 đã ghi nhận thêm 2 trường hợp mắc mới, trong đó có 1 trường hợp tử vong. Đối với bệnh dại, đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch có số tử vong trên người cao trên thế giới cũng như tại Việt Nam.

Từ năm 2023 đến nay, tình hình bệnh dại tại Việt Nam diễn biến phức tạp; từ đầu năm 2024, số ca mắc tiếp tục gia tăng đột biến với 27 trường hợp tử vong do dại, tăng 16 ca so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhận định về tình hình dịch cúm gia cầm và bệnh dại trong thời gian tới, tại hội nghị, đại diện Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho biết, trong thời gian tới, nguy cơ dịch bệnh cúm gia cầm lây lan và xảy ra trên phạm vi rộng là rất cao do tổng đàn gia cầm lớn, chăn nuôi nhỏ lẻ còn chiếm đa số, chưa đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y, nhiều đàn gia cầm chưa được tiêm phòng vắc xin.

Bên cạnh đó, vi rút cúm gia cầm (các chủng vi rút A/H5 bao gồm: H5N1, H5N6, H5N8...) lưu hành ở nhiều địa phương với tỷ lệ khá cao (khoảng 5%); giao thương buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm trong nước gia tăng, giết mổ nhỏ lẻ còn rất phổ biến.

Đáng lưu ý, tình trạng nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm còn xảy ra tại các tỉnh biên giới; thời tiết diễn biến cực đoan, làm giảm sức đề kháng của vật nuôi, tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển, gây bệnh.

Ngoài ra, nguy cơ xuất hiện một số chủng vi rút cúm gia cầm xâm nhiễm vào Việt Nam thông qua hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là đối với các tỉnh biên giới.

leftcenterrightdel
Tỷ lệ chó, mèo được tiêm phòng trung bình rất thấp là một trong những nguyên nhân chủ yếu của dịch bệnh dại gia tăng. Ảnh minh hoạ: Internet

Đánh giá về nguyên nhân chủ yếu của dịch bệnh dại gia tăng, đại diện Cục Thú y cho biết, hiện tổng đàn chó, mèo của cả nước là hơn 7 triệu con nhưng tỷ lệ chó, mèo được tiêm phòng trung bình rất thấp, chỉ có 12 (19%) tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ tiêm phòng trên 70% tổng đàn; chó mắc bệnh dại chủ yếu là chó không xác định được chủ, chưa được tiêm phòng vắc xin dại.

Công tác quản lý đàn chó của một số địa phương còn lỏng lẻo; hầu hết các địa phương chưa thành lập đội chuyên trách để bắt chó thả rông; người nuôi chó không chấp hành việc đăng ký, nuôi nhốt chó; tình trạng chó thả rông, không đeo rọ mõm phổ biến dẫn đến cắn trọng thương, chết nhiều người, gây bức xúc trong xã hội. Vi rút dại còn lưu hành trên động vật.

Nhiều địa phương chưa áp dụng các chế tài xử lý vi phạm quy định về quản lý chó nuôi, tiêm phòng vắc xin dại cho chó theo quy định; công tác thông tin, tuyên truyền phổ biến pháp luật về phòng, chống bệnh dại còn hạn chế, chưa phong phú và không thường xuyên; việc bố trí kinh phí cho công tác phòng, chống bệnh dại còn ít, chưa đảm bảo duy trì các hoạt động phòng, chống dịch bệnh dại kịp thời; phối hợp liên ngành, nhất là ngành Thú y, ngành Y tế và chính quyền ở một số địa phương còn rất hạn chế…

Phát biểu tại hội nghị, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, với nguồn bệnh lây truyền từ động vật, việc kiểm soát nguồn lây khó khăn nên công tác phòng, chống và kiểm soát các bệnh lây truyền từ động vật sang người không chỉ dựa vào nỗ lực đơn lẻ của ngành Y tế hoặc ngành Thú y mà cần sự phối hợp liên ngành một cách chủ động, chặt chẽ, thường xuyên; đồng thời cần sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương các cấp, các bộ, ban ngành liên quan và đặc biệt là sự tham gia chủ động của người dân, cộng đồng.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong thời gian qua, ngành Y tế và ngành Thú y đã có sự phối hợp lâu dài, chặt chẽ và đạt được một số thành tích nhất định.

Năm 2013, hai ngành đã phối hợp xây dựng và tổ chức thực hiện Thông tư Liên tịch số 16/TTLT-BYT-BNNPTNT-2013 và đặc biệt là đồng chủ trì Khung Đối tác Một sức khỏe, phối hợp xây dựng và triển khai kế hoạch chiến lược quốc gia về Một sức khỏe từ năm 2016 đến nay, tập trung vào phòng, chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người; xây dựng và triển khai Chương trình Quốc gia phòng, chống dịch bệnh dại, giai đoạn 2022-2030.

Nhân dịp này, Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển khai đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đồng thời chỉ đạo chính quyền địa phương huy động nguồn lực, sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội đối với công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, quan tâm đến các bệnh lây truyền từ động vật sang người; trong đó quan tâm bố trí kinh phí, nguồn nhân lực cho việc triển khai các hoạt động phòng, chống dịch nhằm bảo vệ sức khỏe người dân, bảo vệ đàn vật nuôi, đảm bảo nguồn cung thực phẩm gia cầm an toàn, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và đẩy mạnh xuất khẩu gia cầm và sản phẩm gia cầm.

Nguyễn Nhuần