Đại diện Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp cho biết, theo thống kê, từ ngày 1/1/2015-30/6/2019, cả nước đã phát hiện, xử lý về hình sự và xử lý hành chính 8.442 vụ xâm hại trẻ em với 8.709 trẻ em bị xâm hại (1.672 trẻ em nam, 7.037 trẻ em nữ). Số trẻ em bị xâm hại chiếm 0,035% tổng số trẻ em toàn quốc. Trong đó, có 857 trẻ em bị bạo lực chiếm 9,84% tổng số trẻ em bị xâm hại. Đây là tỷ lệ đáng chú ý và cần được khắc phục.

“Trẻ em là tương lai của đất nước. Chính vì vậy, để bảo vệ trẻ em, cần thực hiện đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp, trong đó một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là truyền thông, phổ biến, giáo dục pháp luật để nâng cao trách nhiệm, hiểu biết pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của toàn xã hội trong việc phòng, chống bạo lực trẻ em. Qua đó, góp phần ngăn chặn, phòng ngừa các hành vi bạo lực, xâm hại đối với trẻ em”, đại diện Bộ Tư pháp nhấn mạnh.

Cũng tại phiên thảo luận, đại diện Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, bạo lực và xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em xảy ra ở bất kỳ quốc gia và nền văn hóa nào, gây tổn thương nặng nề về thể chất và tinh thần cả trước mắt và lâu dài đối với trẻ em.

Đại diện Cục Trẻ em đưa đề xuất đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm truyền thông về bảo vệ trẻ em, phòng chống xâm hại trẻ em, bảo đảm về chất lượng, đổi mới về hình thức, nội dung; hoàn thiện các quy định của pháp luật nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích tốt nhất của người bị hại, người làm chứng và có liên quan khác là trẻ em. Đồng thời, đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành có trách nhiệm pháp lý thực hiện quyền trẻ em về kiến thức, kỹ năng trẻ em.

Đáng lo ngại tình trạng thanh thiếu niên, đặc biệt học sinh các trường phổ thông đam mê, lợi dụng mạng xã hội để bình phẩm, bình luận tục tĩu (thậm chí qua mạng nói xấu cả thầy cô, phụ huynh), thách thức nhau trên mạng sau đó thực hiện các hành vi bạo lực học đường, bạo hành, cô lập nhau… rất đáng lo ngại, nhiều trường hợp đã dẫn đến tử vong bạo lực học đường.

Thực trạng trên cho thấy thế giới mạng đã và sẽ để lại rất nhiều nguy cơ, rủi ro cho trẻ em khi tiếp cận, cũng là lĩnh vực mà tội phạm đang tích cực lợi dụng để thực hiện các hành vi, phương thức thủ đoạn để xâm hại trẻ em, tìm kiếm mại dâm, cưỡng dâm, khiêu dâm, mua bán trẻ em…

Từ những nội dung trên, xuất phát từ những yêu cầu và đòi hỏi thực tiễn, đại diện Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an, kiến nghị, tăng cường công tác tuyên truyền, truyền thông cho trẻ em và các bậc phụ huynh có ý thức và kỹ năng tiếp cận, sử dụng mạng xã hội một cách thận trọng, lành mạnh, không dễ rãi kết bạn, làm quen, nhận lời mời, nhận quà tặng từ những người mới quen trên mạng…

Bên cạnh đó, các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, nhà cung cấp mạng phải có cơ chế phối hợp nhằm kiểm soát, kịp thời phát hiện, cảnh báo, ngăn chặn bắt giữ các đối tượng, băng nhóm lợi dụng mạng xã hội để thực hiện các hành vi phạm tội và xâm hại trẻ em.

Thai Hải