Ai từng ra quần đảo Trường Sa thân yêu của Tổ quốc, đều không khỏi xúc động và dành những giây phút tịnh tâm để hướng đến những ngôi chùa - cột mốc văn hóa Việt trên biển Đông. Giữa biển khơi mênh mông, những ngôi chùa bình yên mang nét đẹp văn hóa riêng của người Việt và thể hiện tình yêu nồng nàn của nhân dân cả nước với vùng đất đầu sóng ngọn gió này, tiếp thêm sức sống mãnh liệt, bồi đắp thêm quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa hiện có 9 ngôi chùa tại 9 đảo. Hàng năm, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh đều đề cử chư tăng luân phiên ra trụ trì theo hạn định. Tất cả chư tăng ra nhận nhiệm vụ trụ trì của Giáo hội Phật giáo đều với tinh thần tự nguyện.

Khác với trên đất liền, tên các chùa ở Trường Sa cũng là tên của đảo nơi chùa tọa lạc. Chùa không còn đơn thuần là nơi để thể hiện tín ngưỡng tôn giáo, mà còn hiện thân cho những giá trị tâm linh mà người Việt hằng gìn giữ ở giữa ngàn khơi...

Đến 9 đảo Song Tử Tây, Nam Yết, Sơn Ca, Sinh Tồn, Sinh Tồn Đông, Đá Tây A, Phan Vinh, Trường Sa Đông, Trường Sa Lớn của quần đảo Trường Sa, đều bắt gặp màu ngói đỏ của ngôi chùa Việt thấp thoáng giữa cây xanh.

Cảm xúc dâng trào như trở về với quê hương khi hình bóng rõ hiện dần lên với tam quan, mái chùa dưới bóng cây to và hướng ra biển lớn, gần gũi như hình ảnh cây đa bến nước sân đình của làng quê Bắc Bộ trên đất liền.

Có khác chăng là cây nơi đảo xa không phải là đa mà thay vào đó là cây phong ba hay cây bàng quả vuông, nhưng về độ lớn, xòe bóng mát thì không thua kém gì, có những cây đã được xếp hạng là cây di sản.

leftcenterrightdel
Du khách ngồi trò chuyện cùng sư trụ trì chùa Sinh Tồn Đông Thích Lệ Quang 

Chùa Song Tử Tây được xem là ngôi chùa lớn nhất được tôn tạo, sửa chữa lại từ năm 2007. Chùa có kiến trúc mái cong, lợp ngói giống như các ngôi chùa miền Bắc. Chùa Song Tử Tây được xây dựng theo lối kiến trúc truyền thống với kết cấu một gian, hai chái, mái cong vút. Chùa có Tam bảo, điện, điện thờ và ban thờ các anh hùng liệt sĩ.

Tượng Phật bà Quan Âm nằm trong khuôn viên nhìn thẳng ra hướng biển như che chở cho ngư dân bám biển vươn khơi. Đây là một trong những ngôi chùa nằm cạnh bờ biển với bãi cát trắng đẹp ở huyện đảo Trường Sa.

Sư thầy Thích Nhật Anh, trụ trì chùa Song Tử Tây cho biết, chùa Song Tử Tây tọa lạc trên hòn đảo được coi là xa nhất của quần đảo Trường Sa. Đây cũng là ngôi chùa lớn nhất ở Trường Sa và có kiến trúc đặc biệt (có kiểu bố trí mặt bằng không gian theo chữ Công), đậm nét văn hóa Phật giáo Việt Nam. Theo sử sách ghi lại, không biết tự bao giờ, ngay tại nơi chùa Song Tử Tây tọa lạc, những ngư dân Việt đã dựng một ngôi miếu nhỏ để thờ thần, Phật. Mỗi lần ra khơi đánh cá, họ lại lên đảo thắp hương lễ Phật. Những năm gần đây, Phật tử trong cả nước và những ngư dân ở quần đảo Trường Sa đã đóng góp và trùng tu, xây dựng chùa khang trang, to đẹp như hôm nay.

“Chùa là nơi lui tới thường xuyên của quân, dân đang sinh sống, làm việc trên đảo. Ngoài ra, ngư dân khi ra khơi đánh cá cũng thường ghé qua thắp hương cầu nguyện. Ngày mùng 1, ngày rằm, Tết… người dân trên đảo đều đến chùa để cầu mưa thuận, gió hòa, đất nước phồn vinh, thái bình và gia đình yên ấm, hạnh phúc. Giữa ầm ào sóng gió Biển Đông, tiếng chuông chùa ngân vọng khiến lòng người lắng lại, bình yên đến lạ”, thầy Thích Nhật Anh cho biết thêm.

leftcenterrightdel
Cổng tam quan chùa Trường Sa Lớn 

Nằm giữa trung tâm thị trấn Trường Sa là chùa Trường Sa. Giữa biển khơi, những ngôi chùa là địa điểm linh thiêng, khẳng định Phật giáo có mặt và đồng hành cùng người dân vùng biển đảo. Ở đâu có người Việt sinh sống, ở đó có văn hóa tâm linh.

Nếu chùa Song Tử Tây tọa lạc trước ngọn hải đăng cao vút, thì ngôi chùa ở Trường Sa Lớn tọa lạc cạnh đường băng, chùa Sinh Tồn sát bên cụm 7 hộ gia đình dân cư sinh sống. Chùa ở đảo Sơn Ca tọa lạc giữa triền cát trắng, tiếp giáp với ngọn hải đăng, phía đón những tia nắng bình minh đầu tiên của mỗi ngày.

Chùa ở đảo Nam Yết, Phan Vinh lại nằm sát cạnh bờ biển, từ bên trong sân chùa Vinh Phúc nhìn ra sẽ thấy hai cây cột sừng sững, cảnh vật uy nghiêm và mái chùa cong cong in trên nền biển xanh; xưa kia, chùa chỉ là một chiếc am nhỏ được nhiều đời ngư dân Việt Nam đi đánh cá ở Trường Sa dựng nên để cầu trời khấn phật, phù hộ độ trì cho những chuyến đi biển bình yên, bội thu tôm cá.

Trên đảo Nam Yết có ngôi chùa Nam Huyên - cái tên hàm nghĩa là “mái che tâm hồn con người, che hồn dân tộc Việt Nam”. Chùa có hệ thống tượng Phật bằng chất liệu đá ngọc quý tạo nên sự bền vững, phù hợp với ngôi chùa ở vùng biển Đông. Khung chùa được làm hoàn toàn bằng các loại gỗ có chất lượng tốt, đặc biệt hệ thống cửa gỗ được thiết kế đẹp mắt và rất chắc chắn. Những viên gạch tại chùa Nam Yết đều in hình Quốc huy, khẳng định chủ quyền dân tộc. Đặc biệt, trong khuôn viên chùa có bia chủ quyền được xây bằng vôi vữa, trong diện tích xấp xỉ 16m2, hiện đã bị mất phần chóp, chỉ còn phần thân cao 1,32m.

Trải qua thời gian cùng những biến động của lịch sử, đến nay chỉ có đảo Nam Yết và đảo Song Tử Tây còn tồn tại bia chủ quyền cũ nhất được bảo tồn, xếp hạng là di tích lịch sử quốc gia. Trong không gian tĩnh lặng của ngôi chùa giữa biển khơi, ai cũng nghĩ như mình đang ở đất liền, trào dâng niềm thương mến, tự hào về biển đảo quê hương.

Sư trụ trì chùa Sinh Tồn Đông Thích Lệ Quang cho hay: Ngay tại vị trí chùa tọa lạc, từ thời vua Gia Long đã cho người đến đây dựng cột mốc và lập các ngôi miếu thờ thần, chùa thờ Phật để ngư dân mỗi khi đi biển đến thắp hương cầu mong mưa thuận, gió hòa, sóng yên, bể lặng. Khi đất nước thống nhất, chùa được xây dựng to đẹp và khang trang. Đến năm 2018 thì chùa được trùng tu, nâng cấp. Hiện nay, khuôn viên của chùa có diện tích khoảng 500 m2, gồm cổng tam quan, chính điện và một nhà tăng.

Cũng theo sư trụ trì Thích Lệ Quang, do đảo Sinh Tôn Đông nằm ở vị trí thường đón sóng to, gió lớn và hay bị giặc ngoại bang nhòm ngó nên ngay từ khi đặt nền móng, cha ông ta đã chọn vị trí ngay bên bãi biển và mặt chính quay ra biển để trấn trị. “Còn nhớ vào giữa tháng 12/2021, khi cơn bão số 9 đổ bộ vào quần đảo Trường Sa với sức gió giật trên cấp 17. Khi ấy, sóng biển cao ngang mái chùa đánh từ ngoài vào đảo Sinh Tồn Đông làm cho cây cối trên đảo đổ rạp hết, nhưng chùa và các hạng mục khác trên đảo vẫn bình an vô sự” - sư trụ trì Thích Lệ Quang cho biết thêm.

leftcenterrightdel
Cổng chùa đảo Sinh Tồn Đông vào sáng sớm 

Những ngôi chùa ở đảo Trường Sa, Song Tử Tây, Sinh Tồn, Sơn Ca, Nam Yết, Phan Vinh... dù quay về hướng nào cũng đều hướng ra biển Đông và đón được tia nắng sớm nhất lúc bình minh.

Thầy Thích Nhuận Đạt, trụ trì chùa Trường Sa Lớn cha sẻ: "Chùa là chỗ dựa vững chắc cho bà con nơi biển đảo xa xôi và có ý nghĩa thiêng liêng với bà con khi ra sinh sống ở đảo Trường Sa. Giúp mọi người giữ vững niềm tin, an toàn công tác nơi đầu sóng ngọn gió, để giữ biển đảo của Tổ quốc".

Những ngôi chùa ở đây là nơi tham quan cho những đoàn khách công tác từ đất liền ra thăm các xã đảo và cũng là nơi để cư dân sinh sống trên các đảo lên chùa thắp hương cầu nguyện cho mưa thuận gió hòa, ngư dân đánh bắt đầy khoang, mong cho mọi điều tốt lành mà còn tìm đến một điểm tựa tinh thần.

Dù quỹ đất hạn hẹp nhưng những ngôi chùa trên quần đảo Trường Sa cũng có đủ tam quan, sân chùa, gác chuông, cấu trúc thường bố cục chữ Đinh với nhà chính điện nối thẳng góc với nhà tiền đường. Mái nghiêng, lợp ngói và vút cong ở đầu đao, không lẫn với bất kỳ ngôi chùa nào của các nước châu Á.

Theo quan sát, tất cả tên chùa, hoành phi, các bức đại tự, đôi câu đối đều sử dụng chữ tiếng Việt. Bát hương và đồ thờ trong chùa đều được in Quốc huy của Nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Hai chữ “từ bi”, “hùng lực” trên 2 lối vào của mỗi tam quan thể hiện tinh thần độc lập, tự cường, hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo Việt Nam.

Còn với nhiều ngư dân chúng tôi tiếp xúc tại âu tàu đảo Trường Sa Lớn cho biết, họ mỗi khi ghé đảo tránh trú giông bão, trao đổi hàng hóa hay chữa bệnh cũng đều lên chùa thắp hương. Nhất là mỗi dịp đến ngày rằm, mùng một, vu lan, Tết, lễ khi tàu vào đảo thì mọi người đều lên chùa. Lễ vật đơn sơ có thứ gì bày đó, gói bánh hay bất cứ lễ vật gì, nhưng đượm lòng thành kính. Tiếng chuông chùa vào giờ khắc bình minh trên đảo từ bao lâu đã trở nên thân thuộc…

Qua năm tháng, cùng với những ngôi chùa đang sừng sững giữa nắng gió và bám màu thời gian, sẽ có những ngôi chùa mới tiếp tục được xây dựng tại các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa. Chùa góp phần khẳng định chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.

Tuy chùa ở xa đất liền, nhưng lại giúp đất liền và hải đảo thêm gần nhau hơn. Để dù ở bất cứ nơi đâu trên đất nước Việt Nam này, dân ta đều được ấm lòng khi nghe một tiếng chuông chùa…


Để đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của quân và dân trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, được sự đồng ý của các cấp, ngành chức năng, cách đây gần 20 năm Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường đã phát tâm đầu tư tu bổ, khôi phục 6 ngôi chùa Song Tử Tây, Trường Sa Lớn, Sinh Tồn, Nam Yết, Sơn Ca và Phan Vinh tại huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa.

 
Nam Dũng