Điều này đồng thời mở ra cơ hội và thách thức mới trong quá trình chuyển đổi số và hiện đại hóa nền hành chính, nhằm tinh gọn bộ máy và giảm biên chế. Điều này cũng đòi hỏi năng lực quản lý lãnh đạo cấp cơ sở phải được đẩy lên với những khu vực dân cư quản lý lớn hơn với sự đa dạng văn hóa hơn. Mục tiêu của việc sáp nhập này là cải thiện hiệu quả quản lý Nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, việc trước tiên của quá trình này là nhiệm vụ đặt tên cho các đơn vị hành chính mới. Nghị quyết 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XV năm 2023 đã đề ra quy định cụ thể về việc này, với sự nhấn mạnh vào việc bảo đảm sự đoàn kết dân tộc và tôn trọng lịch sử, truyền thống, văn hóa của từng địa phương. Dù quy định này đã được ban hành, sự tham gia của người dân trong quá trình đặt tên vẫn còn hạn chế, khiến nhiều người cảm thấy bị loại trừ khỏi quá trình quyết định tên gọi của địa phương mình.

Từ chuyện này, ngẫm lại mới thấy, các việc ở cơ sở như bảo vệ di tích, trùng tu, tôn tạo du tích, phát triển kinh tế địa phương, du lịch cộng đồng, kết nối di sản… thành công hay thất bại ở là đều do chính quyền hay người thực hiện đã biết chắt lọc lắng nghe nhu cầu, tâm tư, nguyện vọng và khơi gợi được tính chủ thể trong lòng dân để có kết quả, nguồn lực tốt nhất. Thiết nghĩ việc đặt tên này, tính chủ thể lại càng mạnh, do vậy không thể xem nhẹ việc trưng cầu ý kiến người dân.

Một thách thức khác là việc đặt tên mới không phản ánh đúng lịch sử, văn hóa và truyền thống của địa phương. Có ý kiến cho rằng, các tên gọi mới thường quá xa lạ, khó nhớ và không thể hiện được bản sắc của địa phương, gây khó khăn trong việc thực thi hành chính và tạo rối trong giao tiếp hàng ngày. Yếu tố văn hóa rõ ràng là những giá trị mà cộng đồng cư dân ở những nơi sáp nhập không muốn bị biến mất trong đợt cải cách hành chính này. Suy cho cùng, trong xã hội hiện đại và luân chuyển không ngừng, người ta mới chợt nhớ ra cái hồn văn hóa, ký ức nó quan trọng đến nhường nào. Vì thiếu nó, coi như mất đi cái hồn cốt của địa phương, của mảnh đất quê hương nơi mà họ sinh sống.

Hơn nữa, việc thay đổi tên gọi địa phương cũng gây ra bất tiện cho người dân, đặc biệt là người cao tuổi và người dân tộc thiểu số. Họ không có mặt bằng tri thức như những cư dân ở vùng phát triển khác. Sự thay đổi này không chỉ làm phức tạp quá trình hành chính mà còn tốn kém ngân sách Nhà nước, với chi phí cho việc in ấn, tuyên truyền và thay đổi biển báo, hướng dẫn cách đọc, cách viết…

Bởi vậy, việc đặt tên cho các đơn vị hành chính mới đòi hỏi sự tham gia cẩn thận của cộng đồng. Lắng nghe và tham gia của người dân không chỉ giúp tạo ra các tên gọi phù hợp với bản sắc địa phương mà còn giúp giảm thiểu các rủi ro và chi phí không cần thiết trong quá trình này. Nhân dân mới chính là chủ thể văn hóa. Thiếu họ sự gán ghép hay việc sáng tạo ra các tên phố, tên phường, tên làng mới đều không đám ứng nhu cầu tâm lý của họ và tạo sự không hài lòng với họ. Bởi vậy, việc đặt tên hành chính mới phải xuất phát từ chính chủ thể, tôn trọng và lắng nghe tiếng nói từ người dân, cùng bàn thảo, để từ đó mà có một giải pháp hài hòa, thiết thực nhất.

Ngô Quốc Đông