Đó cũng là các tiêu đề phổ biến được đăng tải rất nhiều trên các trang tin và báo chí vì chỉ trong tháng 5 vừa qua, miền Bắc đã đón liên tiếp ba đợt nắng nóng. Mức độ liên tiếp của nó làm cho người dân mơ ước về những cơn mưa đầu hạ và khát khao chờ đợi một bầu không khí mát mẻ hạ nhiệt.

Câu hỏi trên như sự than thở biểu hiện sự bất lực của con người trước những biến đổi bất thường của thời tiết. Khoa học và trí tuệ của con người dường như không can thiệp mạnh mẽ vào sự nóng lên của trái đất từ vài thập kỷ gần đây. Với một số nước dân số đông và kém phát triển, những đợt nắng nóng kéo dài làm gia tăng dịch bệnh và số người tử vong. Phần lớn họ là những người nghèo khổ, thu nhập thấp. Nắng nóng đến bao giờ cũng như một tâm tư gửi đến ông trời về sự chịu đựng của con người đang đến giới hạn.

Tuy nhiên, có ai tự hỏi rằng: Phải chăng mỗi chúng ta, cũng đang tham góp vào việc gia tăng thêm các tình trạng tồi tệ của thời tiết và biến đổi khí hậu? Nạn chặt phá rừng đã làm mất dần các thảm thực vật khổng lồ điều tiết khí hậu. Nhiều sông ngòi, ao hồ bị lấp đầy để xây nhà làm cho hơi nước bị mất dần. Các cây xanh đô thị bị đốn hạ để làm cầu đường và xây nhà bê tông. Lượng xe hơi thải khí nóng và tràn lan ngoài đường làm cho nhiệt độ ngoài trời cao hơn so với thực tế. Các chiến lược quốc gia vì môi trường dường như ít được quan tâm chú ý. Con người vì sinh kế, đôi khi hành động theo bản năng sinh tồn, đã làm cho thiên nhiên, môi trường ngày càng bị phá huỷ, mất cân bằng và bị huỷ hoại.

Bởi vậy, điều cần suy nghĩ là: Chúng ta sẽ làm gì để chung tay hành động làm giảm nguy cơ nắng nóng?

Các quy định về giảm khí thải nhà kính vẫn không được một vài nước chấp nhận, trong khi họ là nơi thải nhiều nhất khí nóng ra môi trường. Rõ ràng, sự bất bình đẳng trong chia sẻ rủi ro đang bất lợi với nước nghèo, với người nghèo và cư dân ở tầng thu nhập thấp. Việt Nam cũng là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu.

Trong khi còn chờ đợi một kế hoạch chung tay của nhân loại và chưa biết bao giờ có hiệu quả thì những cư dân miền Bắc đã tìm mọi kỹ thuật nhỏ lẻ để bảo vệ mình như: Trú dưới những đường hầm đi bộ, cắt những tấm bìa carton chui đầu qua để làm những lá chắn chống nắng. Một số xóm trọ thì mua thật nhiều đá để trong nhà cho quạt thổi qua làm mát… Cách thức thủ công nhưng có còn hơn không. Họ tự bảo vệ mình trước khi trời cứu.

Nắng nóng liên tục liệu có thức tỉnh trong mỗi hành vi chúng ta về một ý thức chung cho mái nhà trái đất? Chính phủ và chính quyền đô thị nơi đông dân cư sẽ làm gì để bảo vệ sức khoẻ cộng đồng? Có lẽ chúng ta vẫn phải chờ!

Ngô Quốc Đông