Theo Thông tư này, mô hình Trường Chuyên Hà Nội - Amsterdam và Trường Chuyên Trần Đại Nghĩa tại TP Hồ Chí Minh từ năm học 2024 - 2025 có thể phải dừng tuyền sinh hệ không chuyên vào lớp 6. 

Khi biết quan điểm chỉ đạo này của Bộ GDĐT, riêng Sở GDĐT Hà Nội vẫn khẳng định ý chí “giữ ổn định” việc tuyển sinh hệ THCS của Trường Chuyên Hà Nội - Amsterdam. Đồng thời cam kết sẽ tham mưu để TP Hà Nội xin cơ chế đặc thù, nhằm duy trì hệ THCS của trường chuyên. Còn tại TP HCM, lãnh đạo Sở cũng sẽ tham mưu UBND thành phố đề xuất Bộ GDĐT cho phép tiếp tục tuyển sinh lớp 6 Trường Chuyên Trần Đại Nghĩa trong năm nay. Nghĩa là, cả hai trường hợp liên quan đến thông tư đều muốn xin cơ chế đặc thù. 

Xung quanh việc này, phần lớn dư luận đồng lòng rằng việc dừng tuyển sinh hệ chuyên từ cấp 2 là động thái chính xác, hỗ trợ sự phát triển toàn diện của trẻ. Tuy nhiên, ít phụ huynh cảm thấy lo ngại về việc con cái của họ không thể tiếp tục học lên cấp 6 sau 5 năm ở cấp 1. Nhiều người đã từ trạng thái bất ngờ, hẫng hụt khi nhận ra rằng những kế hoạch và chi phí lớn mà họ đầu tư cho con cái từ lớp 1 đến 5 có thể trở nên vô ích nếu con không thể tiến vào cấp II ở trường các chuyên.

Những quan điểm cho rằng nên loại bỏ trường chuyên thường nhấn mạnh đến áp lực và chi phí lớn đặt ra cho học sinh để đạt được mục tiêu của phụ huynh. Các số liệu thống kê từ nhiều năm trước cũng chỉ ra những điểm cao ở đầu vào tuyển sinh các trường này đến mức kinh ngạc, khiến cho chủ trương này càng được ủng hộ. Một số ý kiến còn đặt vấn đề lớn hơn là, có lẽ nên nghiên cứu về việc loại bỏ hoàn toàn hệ thống trường chuyên trên toàn quốc. 

Các chuyên gia cho rằng, nên cân nhắc hơn về tính hợp lý của trường chuyên và cần sự thảo luận kỹ lưỡng khi đưa ra một quyết định ảnh hưởng lớn như vậy đối với giáo dục Việt Nam. 

Thực ra, vấn đề về việc bảo toàn hay từ bỏ hệ thống trường chuyên đã đặt ra từ hơn một thập kỷ. Tuy nhiên, quan điểm giữ hay nên bỏ trường chuyên thường cảm tính và không dựa trên luận cứ khoa học. Việc này đi đến một thực tế, quyết định về việc duy trì hay loại bỏ cần được đưa ra một cách cân nhắc và chính xác. Điều này đòi hỏi sự phân tích sâu rộng, đánh giá tỷ mỉ và sự tuân thủ đầy đủ đối với cơ sở pháp lý và kiến thức khoa học để tránh sự bất đồng cũng như những dư luận xôn xao trong xã hội.

Rõ ràng câu chuyện về trường chuyên không chỉ là vấn đề pháp lý mà còn đặt ra những thảo luận sâu sắc về triết lý giáo dục. Hệ thống trường chuyên, mặc dù đạt được nhiều thành công trong các cuộc thi, nhưng cũng tạo ra nhiều tranh cãi về công bằng và phát triển trong giáo dục. 

Từ câu chuyện trường chuyên mới thấy: Việc đảm bảo công bằng, tính toàn diện trong giáo dục hay nhằm tạo ra những “ứng viên đấu giải”, hoặc “tư duy thành tích” đang đặt ra thách thức lớn đối với giáo dục Việt Nam?

 
TS Ngô Quốc Đông