Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai vừa ký ban hành kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 13 ngày 16/01/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá 11 về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Nghiên cứu thí điểm mô hình đầu tư công - quản trị tư

Tại kết luận, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên tập trung thực hiện có hiệu quả 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.

Trong đó, Bộ Chính trị yêu cầu có các giải pháp chủ yếu để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đi trước một bước; có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên những lĩnh vực đột phá, cơ bản…

Mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng tương xứng với nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; hoàn thành các dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia, quy mô lớn, kết nối với khu vực và thế giới.

Định hướng đến năm 2045, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại gắn với nước phát triển, thu nhập cao; kết nối và hội nhập với phát triển của thế giới.

Bộ Chính trị cũng yêu cầu khẩn trương rà soát, sửa đổi, ban hành chính sách, pháp luật liên quan đến phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng gắn với mục tiêu xây dựng công nghiệp hiện đại đến năm 2030, nhất là chính sách, pháp luật về đầu tư công, quy hoạch, đối tác công - tư, ngân sách nhà nước, phát triển hạ tầng số, kinh tế số, xã hội số...

Nghiên cứu tổ chức thí điểm mô hình đầu tư công - quản trị tư, đầu tư tư - sử dụng công; hoàn thiện mô hình phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng (TOD); xây dựng cơ chế tài chính đặc thù đối với các công trình hạ tầng văn hoá, xã hội.

Đồng thời xây dựng cơ chế, chính sách đủ mạnh để hình thành một số tập đoàn kinh tế lớn hàng đầu, có đủ nguồn lực, năng lực quản trị hiện đại, tiếp cận, chuyển giao và làm chủ được công nghệ tiên tiến trong đầu tư, xây dựng những công trình hạ tầng lớn, có ý nghĩa quan trọng, chiến lược đối với phát triển đất nước.

Ưu tiên nguồn lực hoàn thành cao tốc Bắc - Nam

Nhiệm vụ nữa là nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, phân cấp, phân quyền gắn với năng lực tổ chức thực hiện và đề cao trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền, người đứng đầu ở địa phương, rút ngắn quy trình ra quyết định, tạo thuận lợi cho việc triển khai thực hiện đầu tư.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo sự liên thông giữa các thủ tục đầu tư với các thủ tục về đất đai, xây dựng, đấu thầu, môi trường; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện cho khu vực kinh tế ngoài nhà nước tham gia; phân cấp đầu tư và giao trách nhiệm cho người đứng đầu trong quyết định đầu tư.

Bộ Chính trị lưu ý việc nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách rút ngắn quy trình bồi thường, giải phóng mặt bằng; tách dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư ra khỏi dự án đầu tư theo quy hoạch…

Tập trung đầu tư, sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thuỷ nội địa, đường hàng không kết nối các địa phương, vùng và khu vực, quốc tế.

Phát triển hạ tầng năng lượng, nhất là bảo đảm cung cấp đủ, ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội và an ninh năng lượng; hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, nhất là các đô thị lớn; tạo sự đột phá trong phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, công nghệ số…

Đáng chú ý là Bộ Chính trị yêu cầu ưu tiên nguồn lực đầu tư hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, các trục cao tốc Đông - Tây và các tuyến giao thông kết nối đa phương thức theo quy hoạch; các sân bay quốc tế; hạ tầng các cảng biển lớn, các tuyến đường thuỷ nội địa có nhu cầu vận tải lớn; dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, các tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Lạng Sơn - Hà Nội, Móng Cái (Quảng Ninh) - Hải Phòng, TP.HCM- Cần Thơ, Biên Hoà - Vũng Tàu, Thủ Thiêm - Long Thành...

Cùng với đó là tiếp tục triển khai đầu tư các tuyến đường sắt đô thị, tàu điện ngầm có quy mô vận tải lớn tại Hà Nội, TP HCM và một số TP lớn khác.

Ngoài ra, phát triển đồng bộ, đa dạng hoá các loại hình nguồn điện, cơ cấu hợp lý, bảo đảm an toàn hệ thống, giá thành hợp lý; phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch phù hợp với điều kiện, trình độ phát triển kinh tế trong từng thời kỳ…

Theo kết luận của Bộ Chính trị, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 13 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trong đó, nhiều chương trình, dự án, công trình được đưa vào khai thác, vận hành, phát huy hiệu quả, nhất là hạ tầng giao thông, năng lượng, thuỷ lợi, đô thị, thông tin và truyền thông…

Tuy nhiên, Bộ Chính trị cho rằng, việc thực hiện mục tiêu cơ bản của Nghị quyết số 13 chưa đạt yêu cầu đề ra, chưa tạo được bước đột phá trong huy động nguồn lực, hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, bảo đảm cho phát triển nhanh và bền vững.

Một số cơ chế, chính sách ban hành chậm, thiếu thống nhất; công tác quản lý Nhà nước, phân cấp, phân quyền còn bất cập. Tình trạng ách tắc giao thông, úng ngập, ô nhiễm môi trường kéo dài nhiều năm, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân tại một số đô thị lớn… 

Hương Giang