Thanh tra Bộ Nội vụ đã kiểm tra 9 địa phương, đơn vị về thông tin "bổ nhiệm người nhà", "cả nhà làm quan" được báo chí nêu, trong đó phát hiện 58 người có quan hệ ruột thịt, họ hàng.

Theo Phó Thanh tra Nội vụ Nguyễn Mạnh Khương, đến nay, về cơ bản các cơ quan đã khắc phục được những sai sót trong việc bổ nhiệm cán bộ, công chức theo kiến nghị sau thanh tra, kiểm tra; đồng thời đã xem xét, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan.

Riêng trường hợp ông Phạm Sỹ Quý, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Yên Bái (em trai bà Phạm Thị Thanh Trà, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái), khi bổ nhiệm chưa có nghiệp vụ chuyên viên chính.

Ông Nguyễn Mạnh Khương cho biết, giai đoạn bổ nhiệm, ông Phạm Sỹ Quý đã được cơ quan có thẩm quyền có quyết định cử đi học lớp quản lý Nhà nước chương trình chuyên viên chính.

“Đến tháng 11/2016, đồng chí này đã được cấp chứng chỉ chuyên viên chính, đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn. Sai phạm thiếu chứng chỉ quản lý Nhà nước chuyên viên chính mà trong quá trình thanh tra đã chỉ ra thì đã khắc phục được”, ông Khương nói.

Cũng theo Phó Chánh Thanh tra Bộ Nội vụ, UBND tỉnh Yên Bái đã tổ chức kiểm điểm tập thể, cá nhân có liên quan, Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Nội vụ, Ban Tổ chức Tỉnh ủy và đã yêu cầu thời gian tới khi bổ nhiệm các chức danh phải bảo đảm các điều kiện theo quy định.

“Việc này, UBND tỉnh Yên Bái cũng đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ”, ông Khương chốt lại.

Vẫn có chuyện “lạm phát cấp phó”, bổ nhiệm trái luật

Tại buổi họp báo, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Thành thông tin về việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý ở một số địa phương, gây bức xúc bất bình trong dư luận, làm giảm sút lòng tin của người dân đối với nền công vụ.

Bên cạnh 9 địa phương, đơn vị đã công bố trước đó, thì có thêm hai đơn vị nữa được thanh tra, kiểm tra công vụ là huyện An Dương (TP Hải Phòng); huyện Kim Thành (Hải Dương), đưa tổng số các địa phương, đơn vị được kiểm tra lên 11.

Qua thanh tra, kiểm tra, Bộ Nội vụ phát hiện một số sai phạm trong công tác tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ công chức. Bộ đã báo cáo cấp có thẩm quyền đề xuất kiến nghị khắc phục, xử lý những tồn tại hạn chế, sai phạm trong công tác tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức.

“Thủ tướng đã có ý kiến chỉ đạo xử lý nghiêm, yêu cầu thu hồi quyết định trái pháp luật, xem xét miễn nhiệm chức vụ, chấm dứt hợp đồng đối với các trường hợp qua kiểm tra phát hiện sai phạm; kiểm điểm xác định rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý đối với tổ chức cá nhân có sai phạm theo quy định của pháp luật”, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ cho biết.

Theo quy định Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015, số cấp phó của người đứng đầu Bộ, cơ quan ngang Bộ (Thứ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ không quá 5 người, riêng Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao không quá 6 người); số lượng cấp phó của người đứng đầu cấp vụ, văn phòng, thanh tra, cục, đơn vị sự nghiệp công lập không quá 3 người và số lượng cấp phó của người đứng đầu Tổng cục không quá 4 người.

Năm 2014, Chính phủ ban hành Nghị định 24, Nghị định 37 quy định, số lượng cấp phó của người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh (Phó Giám đốc Sở) không quá 3 người; số lượng cấp phó của người đứng đầu cơ quan chuyên môn cấp quận, huyện, thị xã (Phó Trưởng phòng) không quá 3 người.

“Tuy nhiên, thời gian qua, số lượng cấp phó tại một số cơ quan, đơn vị vượt quá so với quy định”, ông Thành nói.

Thực hiện chức năng được giao và chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Nội vụ đã kiểm tra, thanh tra tại một số đơn vị như Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Thanh Hóa (có 8 Phó Giám đốc Sở); Sở Tài nguyên & Môi trường Bình Định (có 6 Phó Giám đốc Sở), Sở Lao động, Thương binh Xã hội Hải Dương (có 44/46 công chức giữ chức vụ lãnh đạo); Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Thái Nguyên (thừa 23 cấp phó).

Thanh tra Chính phủ và Bộ Nội vụ sẽ tăng cường thanh tra tổ chức cán bộ

Trên cơ sở báo cáo kết quả thanh tra, kiểm tra của Bộ Nội vụ, Thủ tướng đã chỉ đạo yêu cầu các địa phương có phương án sắp xếp số lượng cấp phó bảo đảm đúng số lượng theo quy định và tổ chức kiểm tra, xác định rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý đối với các tổ chức, cá nhân sai phạm theo quy định pháp luật.

Để tăng cường hơn nữa số lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra trong công tác tổ chức cán bộ, Bộ Nội vụ đã đề nghị Thanh tra Chính phủ phối hợp tổ chức thanh tra, kiểm tra về công tác tổ chức cán bộ trong đó có nội dung về tuyển dụng, bổ nhiệm; Thanh tra Chính phủ đã thống nhất với đề nghị của Bộ Nội vụ.

Theo đó, trong năm 2017 và các năm tới, Bộ Nội vụ phối hợp với Thanh tra Chính phủ tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra về công tác tổ chức cán bộ trên phạm vi 63 tỉnh, TP thuộc Trung ương và giao các Bộ, địa phương tự kiểm tra, thanh tra tối thiểu 30% đơn vị thuộc và trực thuộc.

Bộ Nội vụ cũng đề xuất Thủ tướng chỉ đạo Bộ trưởng, Thủ trưởng các ngành và Chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác tổ chức cán bộ. Trước mắt tập trung vào công tác tuyển dụng, nâng ngạch, bổ nhiệm; chủ động tiếp nhận, xem xét các thông tin liên quan được các phương tiện thông tin đại chúng và công dân phản ánh, kịp thời chấn chỉnh, xử lý vi phạm (nếu có) theo thẩm quyền.

Thảo Nguyên