Mục đích là tuyên truyền, phổ biến đến cán bộ, công chức, viên chức trong ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố Hải Phòng các quy định của Luật Tiếp công dân năm 2013; Luật Khiếu nại năm 2011; Luật Tố cáo năm 2018; Nghị định số 64/1014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiếp công dân; Thông tư số 04/2021/TT-TTCP và Thông tư số 05/2021/TT-TTCP ngày 01/10/2021 của Thanh tra Chính phủ quy định quy trình tiếp công dân, quy trình xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn.

Đây là các văn bản pháp luật quan trọng tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện cho tổ chức, cá nhân trong việc tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo và kiến nghị, phản ánh trong ngành, góp phần đưa công tác quan trọng này vào nề nếp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, đóng góp vào việc thực hiện nhiệm vụ, vì sự ổn định và phát triển của toàn ngành: Các cán bộ, công chức, viên chức, các thầy cô giáo “không sợ”, “không ngại” khi thực hiện nhiệm vụ tiếp dân.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Kiệm đánh giá rất cao Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu cho Sở tổ chức các hội nghị tuyên truyền, phổ biến Luật Tiếp công dân nhằm nâng cao kiến thức, nghiệp vụ và kỹ năng tiếp công dân, xử lý đơn thư giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị, phản ánh tại các cơ sở giáo dục cho đội ngũ công chức, viên chức ngành giáo dục trên địa bàn Hải Phòng.

Các cán bộ, giáo viên đại diện cho ngành Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng được nghe giới thiệu các nội dung chính của Luật Tiếp công dân, các quy định về quy trình tiếp công dân, quy trình xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh. Những thành tích, kết quả nổi bật của ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố đã đạt được trong thời gian vừa qua. Theo đó, các đơn vị giáo dục trên địa bàn thành phố sẽ làm tốt công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư tại các cơ sở giáo dục.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu: Các đơn vị thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong công tác tiếp công dân nói chung vốn đã đặc thù và khác biệt thì công tác tiếp công dân của ngành Giáo dục lại càng có nhiều điểm đặc biệt. Không chỉ đơn thuần đến trụ sở của ngành Giáo dục để khiếu nại liên quan đến quyền lợi ích của mình, hay tố cáo, phản ánh hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật; mà còn có những nội dung kiến nghị, trao đổi về hoạt động dạy và học, về chất lượng giáo viên, học sinh, về học phí, về khối lượng học tập, về thi cử. Qua đó để thấy rằng, các cán bộ, các thầy, cô giáo khi làm công tác tiếp dân cần hiểu, thông cảm và đặc biệt là chia sẻ với đối tượng mà mình tiếp. Cần đặt mình vào vị trí người đi khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ảnh để tiếp, hướng dẫn, cần xem đó như là việc của mình, là “người nhà” mình để lắng nghe, để tiếp thu.

Có nhiều trường hợp, công dân khi đến điểm tiếp dân tinh thần rất căng thẳng, thái độ gay gắt, bức xúc, nhưng nếu chúng ta có kỹ năng, biết lắng nghe, ứng xử linh hoạt thì người dân sẽ dịu xuống, và phối hợp tốt với cán bộ tiếp dân, không khí buổi tiếp sẽ không còn căng thẳng, chất lượng, hiệu quả buổi tiếp sẽ được nâng cao rõ rệt.

“Điều quan trọng trong công tác tiếp dân là chúng ta nắm được nội dung chính trong đơn công dân trình bày là gì, nội dung nào là khiếu nại, là tố cáo, là kiến nghị hay phản ánh, từ đó mới xác định đúng thẩm quyền để hướng dẫn hay có cách xử lý phù hợp, đặc biệt là việc bảo vệ bí mật thông tin của người tố cáo; bảo vệ vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người tố cáo, vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo theo quy định của Luật Tố cáo”, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh.

Kim Thành