Đoàn tiến hành thanh tra tại Di tích Lịch sử Quốc gia đặc biệt Chùa Keo, xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư; Di tích Lịch sử văn hóa Đền Đồng Bằng, xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ; Di tích Đền Tiên La, xã Đoan Hùng, huyện Hưng Hà; Di tích Đền Trần, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà.

Kết luận thanh tra chỉ ra, công tác quản lý và tổ chức lễ hội tại các di tích của tỉnh Thái Bình đã được UBND tỉnh, Sở VHTTDL, các cấp chính quyền quan tâm; các nguồn lực được đầu tư cho bảo vệ, tu bổ và tôn tạo di tích đã góp phần làm cho diện mạo di tích ngày càng thay đổi, trở thành tiềm năng trong phát triển kinh tế - xã hội và đặc biệt là phát triển văn hóa - du lịch của địa phương.

Kiểm tra thực tế tại Di tích Lịch sử Quốc gia đặc biệt Chùa Keo cho thấy, công tác tổ chức lễ hội đã thực hiện theo quy định, Ban Quản lý (BQL) di tích đã phối hợp với các đơn vị, UBND xã Duy Nhất chủ động xây dựng kế hoạch, phương án huy động lực lượng, phân công các điểm, chốt hợp lý đảm bảo an ninh trật tự, sẵn sàng ngăn chặn tình trạng trộm cắp, móc túi, xóc thẻ, trò chơi mang tính cờ bạc trá hình. Phân luồng phương tiện của du khách đến với lễ hội, tránh ùn tắc giao thông.

Chủ động xây dựng kế hoạch lễ hội, dự toán thu, chi tổ chức hoạt động lễ hội đảm bảo công khai, minh bạch; công tác phòng cháy, chữa cháy, an ninh trật tự được chú trọng. Lực lượng an ninh, tổ bảo vệ phân công trực gác 24/24 giờ để đảm bảo an toàn tuyệt đối di tích, thường xuyên nhắc nhở du khách thắp hương đúng nơi quy định. Các di vật, cổ vật, bảo vật đều được gìn giữ, bảo vệ an toàn.

Tuy nhiên, Di tích Lịch sử Quốc gia đặc biệt Chùa Keo còn tiếp nhận hiện vật như ghế xi măng có in lô-gô quảng cáo, còn để đồ phục vụ hành lễ trong nội tự. Một số trang thiết bị chưa đảm bảo công tác an toàn cháy nổ tại di tích.

Tại Đền Đồng Bằng, công tác tổ chức lễ hội hàng năm cơ bản đã thực hiện theo quy định. Công tác an ninh trật tự đảm bảo, không xảy ra mất an ninh trật tự, trộm cắp tại khu di tích. Các hoạt động thực hành tín ngưỡng, hầu đồng, hát văn tại đền được thực hiện đảm bảo theo quy định, đảm bảo an ninh trật tự, phòng, chống cháy nổ và các điều kiện theo nội quy của nhà đền. Công tác bảo vệ di vật, cổ vật tại khu di tích đã được BQL thực hiện với nhiều các biện pháp, phân cử người trực bảo vệ và làm việc tại di tích 100% thời gian cả ngày và đêm; lắp đặt hệ thống camera an ninh ở các điểm trong khu di tích; hoàn thiện phương án phòng cháy, chữa cháy trong khu di tích theo quy định. Việc tiếp nhận, mua sắm, sửa chữa tài sản luôn tuân thủ quy định hiện hành của pháp luật; việc sử dụng tài sản, trang thiết bị đúng mục đích, có hiệu quả, không gây thất thoát.

Tuy nhiên, thời điểm thanh tra, nhà Trung cung của Di tích Đền Đồng Bằng bố trí lắp đặt hệ thống điện chưa đảm bảo công tác phòng, chống cháy nổ. Bên cạnh đó, đền còn tiếp nhận hiện vật như ghế  xi măng có in lô-gô quảng cáo trong khuôn viên di tích và bài trí một số hiện vật phục vụ hành lễ không có trong danh mục hồ sơ xếp hạng di tích như: Đèn điện, lọ lục bình trong nội tự.

Đền Tiên La, tại thời điểm thanh tra, di tích được tu bổ khang trang, sạch đẹp, nội quy thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội được chấp hành đầy đủ. Công tác quản lý khu vực bảo vệ di tích khi tổ chức lễ hội được BQL di tích xây dựng phương án bảo vệ; có phương án bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội. Việc bảo vệ môi trường trong hoạt động tổ chức lễ hội; bảo vệ và phát huy giá trị di tích được tăng cường. Tuy nhiên, tại sân tiền tế có tượng tả, hữu bằng đá bị hư hại gãy kiếm, bên trong nội tự còn bày đồ phục vụ hành lễ chưa đảm bảo mỹ quan.

Tại Di tích Đền Trần, hằng năm, BQL di tích đều chủ động phối hợp với Phòng Văn hoá và Thông tin, UBND xã Tiến Đức và các đơn vị, địa phương liên quan tham mưu cho UBND huyện xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội truyền thống, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá, lịch sử của di tích. BQL di tích đã thực hiện việc tiếp nhận hiện vật công đức đúng quy định; có sổ ghi chép tiền công đức, tổ chức kiểm đếm tiền công đức công khai... BQL di tích thực hiện tốt công tác tham mưu tu bổ, chống xuống cấp di tích; nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ, giữ gìn và khai thác, phát huy giá trị của di tích, đề cao việc bảo vệ các yếu tố gốc của di tích. Việc tiếp nhận hiện vật công đức được thực hiện đúng quy định. Bảo vệ, gìn giữ cảnh quan, đảm bảo công tác vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm trong khuôn viên di tích.

Tại thời đểm thanh tra, Đền Trần còn tiếp nhận một số hiện vật như: Lọ lục bình, đèn thờ không nằm trong danh mục hồ sơ xếp hạng di tích, còn sử dụng nến cốc, vật dễ cháy trong nội tự.

Thanh tra Bộ VHTTDL kiến nghị Sở VHTTDL tỉnh Thái Bình tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm công tác quản lý, tổ chức hoạt động lễ hội và khai thác giá trị di tích lịch sử - văn hoá tại địa phương theo quy định của Luật Di sản văn hóa, Luật Tín ngưỡng tôn giáo; các chỉ thị về công tác quản lý và tổ chức lễ hội; tăng cường công tác tuyên truyền về di tích và lễ hội.

BQL di tích, ban tổ chức lễ hội, thủ từ thực hiện nghiêm công tác quản lý di tích, tổ chức lễ hội. Không tiếp nhận hiện vật không rõ nguồn gốc (linh vật, đồ thờ cúng,...) không có trong danh mục hồ sơ xếp hạng di tích.

BQL di tích, ban tổ chức lễ hội tăng cường sự phối hợp, nâng cao tinh thần trách nhiệm; kịp thời giải quyết, chấn chỉnh những phát sinh, tồn tại diễn ra trong lễ hội trên địa bàn như: Đốt nhiều vàng mã, ăn xin, khấn thuê; hàng quán lấn chiếm lối đi vào di tích; bố trí lực lượng thu gom kịp thời tiền đặt lễ và tiền dầu nhang; hướng dẫn nhân dân và du khách thực hiện nếp sống văn minh khi tham gia lễ hội.

Tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm những hiện tượng phản cảm diễn ra trong lễ hội.

Tăng cường công tác tuyên truyền về lịch sử di tích và ý nghĩa lễ hội; đồng thời tuyên truyền với nhân dân và du khách trong việc thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội.

Bảo Anh