Theo Thanh tra Bộ GDĐT, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng cơ bản đảm bảo điều kiện tự chủ theo quy định tại khoản 2 Điều 32 Luật Giáo dục Đại học 2012 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 17 Điều 1 Luật số 34/2018/QH14. Trường đạt chuẩn kiểm định cấp trường, đã thành lập Hội đồng Trường, ban hành được các văn bản phục vụ công tác tuyển sinh, quản lý đào tạo và quản lý cấp phát văn bằng chứng chỉ của trường.

Trường đã thực hiện công khai các nguồn lực theo quy định lên trang thông tin điện tử của trường; thực hiện xây dựng đề án mở ngành, thực hiện trình tự thủ tục mở ngành đào tạo và các quy định khác đảm bảo ngành đào tạo bám sát quy định của Bộ GDĐT và điều kiện thực tế của trường.

Cũng theo Thanh tra Bộ GDĐT, trường có nhiều cố gắng trong việc bảo đảm đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị, chương trình, giáo trình, tài liệu phục vụ cho giảng dạy theo quy định của Bộ GDĐT.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thanh tra Bộ GDĐT cũng chỉ ra những thiếu sót và trách nhiệm của tập thể, cá nhân như có 7 ngành đào tạo trình độ đại học, trường có văn bản báo cáo Bộ GDĐT dừng tuyển sinh gồm: Giáo dục thể chất, Thiết kế thời trang, Quản lý công nghiệp, Kỹ thuật xây dựng, Trung Quốc học, Hàn Quốc học, Nhật Bản học, trong đó có ngành, khi thực hiện mở ngành, trường đã thực hiện khảo sát nhu cầu xã hội không đầy đủ dẫn đến không tuyển sinh được hoặc tuyển sinh với số lượng rất thấp kể từ khi mở ngành.

Tại thời điểm mở ngành, 7/9 ngành trường tự chủ mở có giảng viên chủ trì, tổ chức thực hiện chương trình đào tạo không có ngành phù hợp với ngành dự kiến mở, trường tự xác định các giảng viên chủ trì ngành có đủ 5 năm giảng dạy đại học và có công trình nghiên cứu khoa học, bài báo về lĩnh vực ngành đăng ký đào tạo trong thời hạn 5 năm theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 2 Thông tư số 22/2017/TT-BGDĐT.

Trách nhiệm đế xảy ra thiếu sót nêu trên, theo Thanh tra Bộ GDĐT thuộc Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng phụ trách và các đơn vị liên quan thuộc trường.

Từ kết quả thanh tra, Thanh tra Bộ GDĐT kiến nghị Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng rà soát toàn bộ hệ thống văn bản nội bộ thuộc thẩm quyền của Hội đồng Trường và của trường kịp thời cập nhật chỉnh sửa, bổ sung và ban hành mới văn bản theo thẩm quyền thực hiện quản lý các hoạt động về tuyển sinh, đào tạo của trường theo quy định pháp luật hiện hành.

Rà soát và bổ sung đội ngũ giảng viên cơ hữu bảo đảm điều kiện đào tạo ngành theo quy định về chuẩn chương trình đào tạo; rà soát, xây dựng, chỉnh sửa và ban hành chương trình đào tạo các ngành, các trình độ đào tạo bảo đảm theo quy định về chuẩn chương trình đào tạo ban hành kèm theo Thông tư số 17/2021/TT-BGDĐT; rà soát báo cáo Vụ Giáo dục Đại học, xử lý theo quy định pháp luật đối với các ngành trường không tổ chức tuyển sinh và/hoặc không tuyển sinh được hoặc đã tạm dừng tuyển sinh.

Tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm (nếu có) của tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý của trường để xảy ra những thiếu sót nêu trên theo quy định pháp luật. Báo cáo kết quả thực hiện kết luận thanh tra về Thanh tra Bộ GDĐT theo quy định của pháp luật.

Thanh tra Bộ GDĐT cũng kiến nghị UBND TP Hồ Chí Minh phối hợp với Bộ GDĐT thực hiện trách nhiệm quản lý Nhà nước về giáo dục đối với các cơ sở giáo dục đại học tư thục trên địa bàn theo quy định khoản 37 Điều 1 Luật số 34/2018/QH14 ngày 19/11/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo đại học; Điều 6 Nghị định số 127/2018/NĐ-CP ngày 21/9/2018 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước về giáo dục.

Đồng thời, kiến nghị Bộ trưởng Bộ GDĐT giao Vụ Giáo dục Đại học tham mưu sửa đổi, bổ sung Thông tư số 02/2022/TT-BGDĐT ngày 18/01/2022 của Bộ GDĐT quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ theo hướng quy định rõ việc xác định ngành của giảng viên cơ hữu chủ trì tổ chức thực hiện chương trình đào tạo; hướng dẫn trường xử lý theo quy định pháp luật đối với các ngành trường không tổ chức tuyển sinh hoặc không tuyển sinh được hoặc đã tạm dừng tuyển sinh.

Liên quan đến việc mở ngành mới, tại hội nghị tuyển sinh hồi tháng 3, bên lề hội nghị, Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, khi mở ngành mới, các trường phải xác định đó có phải là những ngành phù hợp với xu hướng, nhu cầu của xã hội ở hiện tại và tương lai không. Quan trọng là, trường phải có đủ năng lực để đảm bảo chất lượng.

Bên cạnh đó, các trường phải công khai, minh bạch mọi dữ liệu tuyển sinh (từ đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, chương trình, các phương thức xét tuyển) để thí sinh lựa chọn. Hiện nay, Bộ GDĐT quản lý việc tuyển sinh, mở ngành của các trường thông qua những dữ liệu này, đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra sau mỗi mùa tuyển sinh.

Lê Phương