Thanh tra tỉnh Bắc Ninh đã tiến hành thanh tra việc chấp hành pháp luật trong quá trình thực hiện D.A Đầu tư xây dựng Bệnh viện Cuộc sống mới và chỉ ra nhiều vi phạm.

Hơn 1 thập kỷ, các hạng mục chính vẫn… “nằm trên giấy”

D.A do Công ty TNHH Quốc tế công nghệ cao Hamec, nay là Công ty Cổ phần Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Cuộc sống mới (gọi tắt là Công ty Hamec) là nhà đầu tư.

Trước đó, ngày 7/7/2009, Công ty Cổ phần Y tế Cuộc sống mới Việt Nam được Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh giao đất và cho thuê đất để thực hiện D.A Bệnh viện Cuộc sống mới.

Tuy nhiên, đến năm 2012-2013, Công ty Cổ phần Y tế Cuộc sống mới Việt Nam không thực hiện được D.A đã đề nghị chuyển nhượng D.A và đề nghị UBND tỉnh thu hồi đất và giao cho Công ty Hamec thuê.

Dự án được xây dựng trên khu đất hơn 70 nghìn m2, với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 1.450 tỷ đồng; được xây dựng tại phường Tân Hồng, TP Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

Khi đầu tư xây dựng, D.A được kỳ vọng sẽ trở thành bệnh viện đa khoa đạt tiêu chuẩn quốc tế kết hợp Đông - Tây y trong khám, chẩn đoán và điều trị, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng tăng của Nhân dân các vùng lân cận.

Đồng thời, tạo môi trường cạnh tranh thu hút bệnh nhân đến từ các địa phương trong cả nước và các nước trong khu vực. Đặc biệt, chú trọng đầu tư thiết bị, công nghệ cao để khám, chuẩn đoán sớm và điều trị các bệnh hiểm nghèo, cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng đạt chất lượng cao cho Nhân dân.

D.A có quy mô 300 giường gồm các khoa chuyên khoa, các khoa y học cổ truyền, trung tâm nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học, trung tâm đào tạo lại, đào tạo bổ sung, đào tạo nâng cao, đào tạo thực hành cho y bác sĩ, y tế, hộ sinh và nhân viên điều dưỡng.

Được kỳ vọng là vậy, tuy nhiên, quá trình đầu tư, xây dựng, D.A lại dính nhiều vi phạm. D.A kéo dài hơn 10 năm, chậm tiến độ, đã được UBND tỉnh gia hạn sử dụng đất một lần, điều chỉnh tiến độ đầu tư 2 lần.

Theo kế hoạch, D.A phải hoàn thành và đi vào hoạt động toàn bộ từ tháng 1/2023, nhưng đến thời điểm thanh tra, các hạng mục chính của D.A vẫn chưa được thi công xây dựng và đưa vào hoạt động theo đúng tiến độ đã đăng ký.

Đến nay, D.A mới san lấp cơ bản khoảng 95% diện tích; xây dựng tường rào quây tôn, 2 tuyến đường giao thông từ cổng vào đến nhà điều hành, 1 trạm biến áp 400KVA kiểu treo, xây thô 4 khung nhà dang dở (2 nhà đang xây dựng thô tường gạch; 2 nhà còn lại đang đổ cột bê tông); các hạng mục chính theo thiết kế được duyệt chưa xây dựng.

Thanh tra việc thu hồi đất và giao đất, Thanh tra tỉnh Bắc Ninh cho biết, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quyết định thu hồi hơn 70 nghìn m² đất đã giao cho Công ty Cổ phần Y tế Cuộc sống mới Việt Nam thuê và giao khu đất thu hồi này cho Công ty Hamec thuê để xây dựng Bệnh viện Cuộc sống mới khi chưa kiểm tra việc thực hiện nghĩa vụ tài chính của Công ty Cổ phần Y tế Cuộc sống mới Việt Nam. Trong khi thực tế, công ty này chưa nộp tiền thuê đất (thời gian từ 7/7/2009 đến 12/11/2013), do đó, chưa đủ điều kiện để chuyển nhượng D.A theo quy định.

Liên quan đến bồi thường giải phóng mặt bằng, ngày 27/12/2012 UBND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Kết luận số 2706/KL-UBND, kết luận thanh tra, kiểm tra các D.A được giao đất, thuê đất chậm sử dụng trên địa bàn tỉnh, trong đó đã đánh giá, D.A không có tồn tại, hạn chế liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Về thuê đất, Sở TN&MT đã xác định thời điểm tính tiền thuê đất trong hợp đồng thuê đất không đúng quy định tại khoản 2, Điều 7, Nghị định số 142/2005 của Chính phủ.

Nhà đầu tư không đủ năng lực tài chính để thực hiện D.A

Liên quan đến đầu tư D.A, Thanh tra tỉnh đã tiến hành thanh tra việc cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu năm 2013.

leftcenterrightdel
D.A kéo dài hơn 10 năm, nhưng đến nay vẫn chỉ là khu đất bỏ hoang với số ít hạng mục thi công… dang dở. Ảnh: HH 

Theo kết luận thanh tra, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã tham mưu cho UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư cho D.A khi chưa thực hiện đầy đủ một số thủ tục, trình tự.

Đáng nói, Công ty Hamec đã báo cáo không trung thực về tình hình tài chính, nguồn vốn chủ sở hữu cho Sở KH&ĐT. Công ty không đáp ứng đủ năng lực tài chính theo yêu cầu để thực hiện D.A.

Đoàn thanh tra chỉ rõ, vốn chủ sở hữu trong báo cáo tài chính của công ty năm 2011, 2012 và 2013 không đủ 100 tỷ đồng vốn chủ sở hữu theo cam kết. Sở KH&ĐT khi thẩm tra D.A đã không báo cáo UBND tỉnh việc Công ty Hamec không đáp ứng yêu cầu vốn chủ sở hữu.

Thanh tra quyết định chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thay đổi lần 1 năm 2018, đoàn thanh tra cho biết, Sở TN&MT khi được lấy ý kiến tham gia về chủ trương đầu tư đã không đề cập đến việc Công ty Hamec vi phạm quy định về đất đai, D.A có yêu cầu được gia hạn sử dụng đất hay bị thu hồi theo quy định tại Điều 64, Luật Đất đai năm 2013.

Tại báo cáo thẩm định của Sở KH&ĐT cũng chưa báo cáo đầy đủ nguyên nhân, lí do D.A chậm tiến độ đầu tư; việc đáp ứng năng lực tài chính của nhà đầu tư khi thay đổi quy mô tổng mức đầu tư.

Đặc biệt, đoàn thanh tra phát hiện, Công ty Hamec đã gửi báo cáo tài chính cho Sở KH&ĐT để làm căn cứ quyết định chủ trương đầu tư và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thay đổi lần 1 là tài liệu không chính xác, có dấu hiệu được chỉnh sửa số liệu để đạt được đủ 20% vốn chủ sở hữu theo yêu cầu để thực hiện D.A.

Hồ sơ thẩm định chủ trương đầu tư không có tài liệu chứng minh việc cam kết, hỗ trợ tín dụng từ nguồn vốn vay để thực hiện D.A. Như vậy, Công ty Hamec không đủ năng lực theo yêu cầu để thực hiện D.A đầu tư.

Thanh tra quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh lần 2 năm 2021, đoàn thanh tra phát hiện, Công ty Hamec đã báo cáo ngày 9/6/2021 không trung thực về tình hình thực hiện D.A.

Công ty cũng không đủ điều kiện về năng lực tài chính để bảo đảm việc sử dụng đất theo tiến độ của D.A đầu tư được quy định tại khoản 2, Điều 14, Nghị định số 43/2014 của Chính phủ.

Đến thời điểm thanh tra, Công ty Hamec vẫn chưa thực hiện ký quỹ này. Số tiền chưa thực hiện ký quỹ đoàn thanh tra tạm tính là 28.740.000.000 đồng.

Về tiến độ thực hiện D.A, kết luận thanh tra cho biết, nhà đầu tư chậm đầu tư thực hiện D.A; D.A phải điều chỉnh tiến độ đầu tư 2 lần. Đến nay, D.A đã hết thời gian điều chỉnh tiến độ. Tuy nhiên, D.A vẫn chưa thực hiện xong phần các hạng mục chính theo D.A đã đăng ký và chưa đưa vào hoạt động.

Từ năm 2018 đến nay, sau khi hết dịch covid-19, Công ty Hamec hầu như không triển khai bất kỳ hoạt động thi công xây dựng nào trên khu đất của D.A. Như vậy, có thể thấy, nguyên nhân chủ yếu của việc chậm tiến độ đầu tư là do Công ty Hamec không đủ năng lực để thực hiện D.A.

Ngoài hàng loạt vi phạm trên, tại kết luận này, Thanh tra tỉnh Bắc Ninh còn chỉ rõ thêm một số vi phạm về quy hoạch xây dựng; thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai. Đồng thời, kiến nghị xử lý nhiều nội dung quan trọng liên quan đến D.A.

Bài 2: Chấm dứt đầu tư dự án

Hải Hà