Chất lượng con giống chưa đảm bảo, tỷ lệ chết cao

Trong 2 năm, huyện Bình Liêu đã thực hiện 33 D.A thuộc Chương trình 135, trong đó có 32 D.A hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, 1 D.A hỗ trợ chuồng trại, chăn nuôi hợp vệ sinh theo đề án 3 trong 1 được phê duyệt riêng. Tổng số hộ tham gia thực hiện trong các dự án này là 1.480.

Tổng kinh phí thực hiện 33 D.A là hơn 19,5 tỷ đồng, bao gồm: Nguồn vốn từ Chương trình 135 (Đề án 196) hơn 12,2 tỷ đồng; nguồn vốn đối ứng của người dân quy đổi thành tiền hơn 7,3 tỷ đồng.

Thanh tra 32 D.A thuộc Chương trình 135 tại Bình Liêu, Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh chỉ rõ, một số hồ sơ D.A chưa đầy đủ thành phần, 2/7 xã chưa thực hiện lập danh mục hồ sơ theo quy định, công tác lưu trữ chưa khoa học. Các xã có thành lập ban giám sát đầu tư cộng đồng, tuy nhiên, ban chưa thể hiện được chức năng, nhiệm vụ và vai trò hoạt động theo quy định.

Đến thời điểm thanh tra, các D.A đã được triển khai thực hiện xong. Tuy nhiên, có nhiều D.A không hiệu quả, nhiều hộ dân (nhóm hộ) được hỗ trợ đã không duy trì được D.A, hết hỗ trợ là D.A cũng kết thúc; chất lượng con giống chưa đảm bảo, tỷ lệ con giống chết cao; một số lượng lớn con giống đã bị bán trước thời gian quy định.

Điển hình như tại xã Vô Ngại, có tới 12 con giống trâu, bò bị bán; chỉ còn 16/45 hộ đang chăn nuôi, phát triển bình thường; số lượng trâu, bò chết cũng lên tới 17/45 con.

Tại xã Hoành Mô, có 10 con trâu, bò được hỗ trợ bị bán; ngoài ra, xã đã thu tiền trái quy định của các hộ dân được D.A hỗ trợ để thực hiện chi trả chi phí thẩm định giá, với số tiền hơn 9,5 triệu đồng.  

Tương tự, xã Đồng Văn thực hiện 3 D.A nuôi trâu, bò với tổng kinh phí hơn 2,4 tỷ đồng, nhưng cũng không đạt hiệu quả; trong quá trình triển khai, có tới 12/35 con trâu (chiếm 34,28%) và 14/45 con bò (chiếm 31,11%) đã chết.

Còn tại xã Lục Hồn, 3 D.A chăn nuôi lợn, gà cũng đạt hiệu quả kinh tế thấp, tỷ lệ con giống chết cao (tỷ lệ gà giống chết khoảng 20-30%). Đáng nói, con giống sau thời gian nuôi, đến khi xuất chuồng có giá bán chỉ bằng hoặc thấp hơn so với số tiền hỗ trợ của Nhà nước; đa số các hộ không tái đàn.

Nghiêm trọng hơn, khi thực hiện D.A hỗ trợ giống dong riềng (năm 2017), UBND xã Húc Động đã thực hiện chỉ định thầu trái quy định đối với hợp đồng mua bán giống dong có trị giá hơn 1,6 tỷ đồng; trên địa bàn còn có trường hợp trùng lặp đối tượng, được hỗ trợ 2 năm liên tục.

Ngoài ra, D.A trồng rau an toàn tại xã Tình Húc cũng không đạt hiệu quả; một số D.A xã Đồng Tâm khi thực hiện vốn đối ứng của nhân dân không đạt 20% theo quy định…

“Buông” kết quả, chỉ quan tâm giải ngân nguồn vốn

Trên kết quả kiểm tra thực tế, Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh khẳng định, so với mục tiêu của đề án đề ra, một số D.A phát triển sản xuất, đặc biệt là D.A phát triển chăn nuôi trên địa bàn huyện Bình Liêu chưa hiệu quả, mô hình phát triển chưa bền vững.

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát triển khai thực hiện D.A của một số cấp ủy, chính quyền địa phương cấp xã chưa thường xuyên, sâu sát, quyết liệt. Một số phòng, ban, đơn vị được phân công phụ trách các xã chưa chủ động, thiếu trách nhiệm trong việc triển khai, thực hiện nhiệm vụ UBND huyện giao...

Không chỉ thế, công tác thẩm định, phê duyệt nhiều D.A còn chưa chặt chẽ. Ở một số xã xảy ra việc cấp phát tiền trực tiếp cho người dân mua con giống; trùng lặp đối tượng thụ hưởng; tỷ lệ con giống chết cao; chỉ định thầu không đúng quy định; thu tiền mặt của các hộ nghèo, hộ cận nghèo để chi trả phí thẩm định giá; bán con giống trước thời hạn... Tuy nhiên, không được phát hiện kịp thời để có biện pháp khắc phục, xử lý.

Đoàn thanh tra cũng chỉ rõ, công tác quản lý, giám sát, theo dõi các D.A sau đầu tư chưa được quan tâm thực hiện. Địa phương chỉ tập trung hỗ trợ giải ngân nguồn vốn mà chưa theo dõi, hướng dẫn kỹ thuật, thống kê tình hình sinh trưởng, phát triển của cây trồng, vật nuôi của các D.A đã hỗ trợ.

Ngoài ra, việc lựa chọn mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất ở một số địa phương còn lúng túng; hình thức hỗ trợ mang tính cào bằng (hỗ trợ ở mức tối đa) dẫn tới nhiều hộ không đảm bảo điều kiện về chuồng trại, không đủ khả năng nuôi và duy trì sau khi được hỗ trợ...

Oái oăm hơn, thời điểm hỗ trợ con giống vật nuôi để triển khai các D.A hỗ trợ phát triển sản xuất tại các xã lại thường được thực hiện vào dịp cuối năm, đây là thời điểm rét đậm, rét hại, nên đã ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của vật nuôi...

Trước những vi phạm trên, Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu UBND huyện Bình Liêu chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị có liên quan và UBND các xã tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm nghiêm túc trách nhiệm của các tập thể, cá nhân để xảy ra các tồn tại, hạn chế, thiếu sót. Đồng thời, tiến hành thu hồi về ngân sách khoản chi trùng lặp đối tượng tại xã Húc Động và yêu cầu xã Hoành Mô trả lại cho các hộ dân số tiền đã thu trái quy định.

Điều đáng nói, trước đó, trong việc phân công trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân trong triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ sản xuất, UBND huyện Bình Liêu đã phân công 1 phó chủ tịch UBND huyện phụ trách khối làm trưởng ban chỉ đạo, đồng thời kiêm chủ tịch hội đồng thẩm định các D.A/phương án phát triển sản xuất; các thành viên thẩm định và quản lý thực hiện là các phòng chuyên môn có liên quan.

Tuy nhiên, sau khi việc thực hiện chính sách hỗ trợ sản xuất thuộc Chương trình 135 trên địa bàn được chỉ ra là chưa hiệu quả, để xảy ra nhiều vụ việc "lùm xùm", thì tuyệt nhiên tại kết luận không thấy Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh có một dòng nào nhắc tới trách nhiệm của vị phó chủ tịch này!?

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.

Trọng Tài