"Treo" hồ sơ cấp GCNQSDĐ...

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Thanh tra tỉnh Quảng Ninh đã tiến hành thanh tra toàn diện việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý, sử dụng đất (SDĐ) trên địa bàn huyện Vân Đồn.

Thời kỳ thanh tra từ 1/1/2015 đến 31/12/2017 và kế thừa kết quả thanh tra, kiểm tra, rà soát của huyện, các sở, ban, ngành. Đoàn không tiến hành thanh tra các tổ chức được giao, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư; tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang SDĐ lâm nghiệp.

Trong công tác đo đạc, lập bản đồ địa chính; đăng ký đất đai, lập hồ sơ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền SDĐ (GCNQSDĐ), đoàn thanh tra chỉ rõ, việc cấp GCNQSDĐ trên địa bàn huyện còn chậm so với kế hoạch đề ra, chỉ đạt 84,28%. Cá biệt, UBND xã Hạ Long đã được Xí nghiệp Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) 3 bàn giao 85 hồ sơ đăng ký cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp từ năm 2012, nhưng đến nay vẫn còn tới 65 hồ sơ chưa được giải quyết.

Qua kiểm tra 12/12 xã, thị trấn trong huyện cho thấy, các xã chưa tiến hành xét duyệt làm cơ sở cho việc cấp mới, cấp đổi GCNQSDĐ theo bản đồ địa chính, dẫn đến một số thửa đất sai về đối tượng, mục đích SDĐ giữa bản đồ địa chính, sổ mục kê so với thực tế các hộ đang sử dụng.

Công tác xét duyệt nguồn gốc, quá trình SDĐ để xác nhận tính chính xác của hồ sơ địa chính sau khi thành lập bản đồ địa chính chưa được UBND các xã quan tâm, dẫn đến việc theo dõi, quản lý diện tích thửa đất, quy chủ hồ sơ địa chính một số thửa đất không đúng với hiện trạng. Bên cạnh đó, việc theo dõi, cập nhật, chỉnh lý biến động đất đai chưa kịp thời; công tác kiểm kê, thống kê đất tại xã chưa được thực hiện theo đúng quy định.

Ngoài ra, việc tiêu hủy phôi GCNQSDĐ bị hỏng, xóa bỏ không được UBND huyện thực hiện hàng năm; không báo cáo Sở TN&MT để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

"Nhức nhối" tình trạng chuyển mục đích SDĐ trái phép

Trong công tác giao, cho thuê đất, chuyển mục đích SDĐ, UBND huyện Vân Đồn chưa chỉ đạo các xã, thị trấn tiến hành rà soát các hộ gia đình, cá nhân SDĐ nông nghiệp được giao theo Nghị định 64/CP đã hết hạn SDĐ, dẫn đến tình trạng lãng phí và găm giữ đất để chờ thu hồi, giải phóng mặt bằng tại địa phương.

Tại xã Ngọc Vừng, có 7 trường hợp đã hết hạn SDĐ, các hộ đã chuyển khỏi địa phương và không trực tiếp sản xuất nông nghiệp trên thửa đất, tuy nhiên vẫn được UBND xã "ưu ái" xác nhận và được UBND huyện gia hạn SDĐ và cấp giấy chứng nhận.

Không chỉ thế, tại xã Đài Xuyên, trong 2 năm (2015 - 2016) có 11 hộ gia đình, cá nhân đã tự ý chuyển mục đích SDĐ, tiến hành trồng cam, đào trên đất rừng sản xuất với diện tích khoảng 65.000m2; 1 hộ tự ý xây dựng xưởng băm dăm gỗ trên diện tích đất ở, đất vườn và đất trồng lúa - nơi không phải quy hoạch chế biến gỗ.

 

Thủ tướng chỉ đạo xử lý nghiêm người đứng đầu buông lỏng quản lý đất đai

Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 3/1/2018 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai và xây dựng hệ thống thông tin đất đai, nêu rõ: Chấn chỉnh và xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích SDĐ, đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận, tính thu nghĩa vụ tài chính về đất đai không đúng quy định của pháp luật.

Đồng thời, xử lý nghiêm người đứng đầu của các cơ quan, đơn vị buông lỏng quản lý để xảy ra tình trạng lấn chiếm, chuyển nhượng, chuyển mục đích SDĐ trái phép, giao đất không đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật...

Tại thôn Khe Ngái, xã Đoàn Kết, trong năm 2016 và 2017, có 11 trường hợp tự ý san gạt, hạ cốt đất rừng sản xuất sang trồng cây ăn quả, xây dựng nhà.

 

Nghiêm trọng hơn, tại 7 xã, thị trấn trong huyện, đoàn thanh tra phát hiện có tới 426 hộ gia đình, cá nhân tự ý SDĐ sai mục đích, xây dựng nhà, công trình trên đất nông nghiệp trước 1/7/2014. Cá biệt, tại thời điểm kiểm tra, còn có hộ gia đình đang xây dựng thêm nhà thứ 2 trên đất nông nghiệp được giao.

"UBND các xã đã không phát hiện kịp thời để ngăn chặn và xử lý theo quy định; UBND huyện và các phòng, đơn vị chuyên môn chưa thường xuyên kiểm tra để xử lý kịp thời tại thời điểm xảy ra hành vi vi phạm" - đoàn thanh tra khẳng định.

Năm 2015, UBND huyện Vân Đồn đã có thông báo về việc kiểm tra, rà soát cấp GCNQSDĐ đối với hộ gia đình, cá nhân thuộc trường hợp SDĐ sai mục đích, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả và cũng chưa xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm nêu trên.

Ngoài ra, trong quá trình xin chuyển mục đích SDĐ, có 6 hồ sơ thực hiện việc trích lục bản đồ địa chính không đúng quy định, nhưng Phòng TN&MT vẫn thẩm định và Văn phòng Đăng ký quyền SDĐ vẫn dùng để làm căn cứ và cấp giấy chứng nhận cho các hộ dân...

Kết luận thanh tra cũng chỉ rõ, công tác giải quyết tranh chấp đất đai, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về đất đai còn chưa được quan tâm đúng mức; số lượng vụ việc phát sinh nhiều, dẫn đến chưa giải quyết triệt để một số vụ việc mới phát sinh; công tác khắc phục xử lý sau kết luận thanh tra, kiểm tra tại các phòng, đơn vị chuyên môn và UBND một số xã chưa khẩn trương, dứt điểm.

Đoàn thanh tra khẳng định, để xảy ra các tồn tại, thiếu sót trên, trách nhiệm thuộc về UBND huyện Vân Đồn; chủ tịch, phó chủ tịch, công chức địa chính các xã, thị trấn; Phòng TN&MT; Văn phòng Đăng ký quyền SDĐ; Chi cục Thuế huyện...

Đồng thời, yêu cầu UBND huyện Vân Đồn tổ chức họp lãnh đạo chủ chốt đến cấp phòng và UBND các xã, thị trấn để rút kinh nghiệm đối với tập thể, cá nhân có liên quan; có hình thức xử lý kỷ luật đúng quy định đối với tập thể, cá nhân vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật. 

Rõ ràng, công tác quản lý về đất đai trên địa bàn huyện Vân Đồn đã và đang bộc lộ nhiều hạn chế, thể hiện sự thiếu quyết liệt, kịp thời trong việc xử lý vi phạm. Trước thực trạng này, đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo các ngành chức năng vào cuộc xem xét, làm rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị khi để xảy ra các vi phạm về đất đai; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, tránh để xảy ra các hệ lụy đáng tiếc về sau.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.

Trọng Tài