Toàn huyện có 12 đơn vị hành chính cấp xã, thị trấn trực thuộc, 13 cơ quan hành chính và 29 đơn vị sự nghiệp có quan hệ với ngân sách huyện.

Thanh tra huyện được giao 5 chỉ tiêu biên chế, nhưng nay mới có 4 cán bộ, thanh tra viên, trong đó có một người đồng bào dân tộc thiểu số.

Bên cạnh đó, từ tháng 6/2010 đến tháng 5/2019, Chủ tịch UBND huyện giao Thanh tra huyện phụ trách luôn Phòng Tiếp dân của huyện, sau đó mới bàn giao cho Văn Phòng HĐND&UBND huyện đảm nhận.

Ít người nhưng công việc bề bộn, hàng năm, Thanh tra huyện tiến hành khảo sát, xác định được lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm và xây dựng kế hoạch thanh tra cụ thể theo từng tháng, quý trình Chủ tịch UBND huyện phê duyệt. Nhờ vậy, các báo cáo kết quả thanh tra, kết luận thanh tra rất chặt chẽ, khả thi.

5 năm qua (2015 - 2019), Thanh tra huyện triển khai và kết thúc 31/23 cuộc thanh tra hành chính, đạt 135% kế hoạch giao. Qua đó, phát hiện tổng giá trị sai phạm hơn 3,5 tỷ đồng, kiến nghị thu nộp ngân sách Nhà nước 1,5 tỷ đồng, chấn chỉnh rút kinh nghiệm 938,7 triệu đồng, giảm trừ dự toán 607 triệu đồng; trả lại cho đối tượng được hưởng 49 triệu đồng; xử lý khác 377 triệu đồng; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục thụ lý 1 vụ nghiêm trọng. Tiến hành kiểm điểm rút kinh nghiệm 41 tập thể và 84 cá nhân; buộc thôi việc 2 công chức.

Triển khai 26 cuộc thanh tra trách nhiệm thủ trưởng tuân thủ pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KN,TC) và phòng, chống tham nhũng (PCTN) tại 26 lượt đơn vị, địa phương.

Các cơ quan quản lý Nhà nước của huyện tổ chức tiếp 330 lượt người với 137 đơn thư KN,TC, kiến nghị, phản ánh. Nội dung chủ yếu liên quan đến lĩnh vực đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư, chế độ chính sách, hộ nghèo... Qua đó, giải thích rõ về chế độ, chính sách, pháp luật và hướng dẫn người khiếu kiện đến cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết; giúp lãnh đạo các cấp giải quyết kịp thời KN,TC; góp phần ổn định đời sống, bảo đảm an ninh - xã hội tại địa phương.

Thanh tra huyện tham mưu UBND huyện ban hành 8 văn bản triển khai thực hiện công tác PCTN gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 về “đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh". Tổ chức 20 lớp bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ về PCTN với 1.230 lượt người tham gia.

Nhìn chung, công tác tiếp dân, xử lý đơn thư và giải quyết KN,TC, công tác PCTN trong những năm qua đạt được kết quả nhất định, góp phần hạn chế đơn thư phát sinh, củng cố được lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước.

Với những thành tích trên, Thanh tra huyện Nam Giang được ghi nhận và đón nhận nhiều phần thưởng cao quý: 3 năm liên tục (2014, 2015, 2016) được UBND tỉnh tặng Cờ Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua Cụm Thanh tra các huyện miền núi của tỉnh.

Tại hội nghị điển hình tiên tiến 5 năm qua của ngành Thanh tra Quảng Nam mới đây, Thanh tra huyện Nam Giang vinh dự tiếp tục nhận Cờ Đơn vị dẫn đầu thi đua cụm Thanh tra các huyện miền núi. Tập thể Thanh tra huyện và nữ Chánh Thanh tra huyện Văn Thị Lan được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.

Chánh Thanh tra huyện Nam Giang Văn Thị Lan chia sẻ, do đặc thù huyện miền núi, thủ trưởng của một số địa phương chưa chú trọng việc tiếp công dân định kỳ, nên hiệu quả trong công tác tiếp công dân chưa cao. Một số vụ việc phức tạp, liên quan đến yếu tố lịch sử, nhất là lĩnh vực đất đai nên thường lúng túng về cơ sở pháp lý, việc giải quyết còn để kéo dài so với quy định. Bên cạnh đó, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ làm công tác này chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ đang đòi hỏi và cán bộ thường xuyên thay đổi, nhất là ở các xã vùng núi cao cách trở.

Từ thực tế, nhiều kinh nghiệm trong quá trình thanh tra đã được đúc kết như: Từng bước nâng cao năng lực hoạt động cũng như vai trò vị thế Thanh tra huyện trong việc tham mưu Chủ tịch UBND huyện về thực thi nhiệm vụ thanh tra, giúp mọi tầng lớp nhân dân hiểu đúng, đủ về hoạt động của ngành, từ đó tạo được sự đồng thuận cao.

Khảo sát, lựa chọn nội dung thanh tra phải có trọng tâm, trọng điểm bám sát sự chỉ đạo của lãnh đạo Thường trực Huyện ủy, UBND huyện; Thanh tra tỉnh về nghiệp vụ chuyên môn; phạm vi thanh tra phải phù hợp; xây dựng kế hoạch chi tiết, rõ ràng phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Khi bố trí cán bộ tham gia, phối hợp phải quan tâm đến chất lượng và tính hợp lý trong cơ cấu đoàn thanh tra, nhất là bố trí cán bộ có kỹ năng phân tích, tổng hợp.

Thực thi tốt các kết luận, kiến nghị thanh tra, dựa trên chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra huyện và các văn bản hướng dẫn thi hành các hoạt động theo dõi, đôn đốc kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra.

Từ nay đến cuối năm, hướng về Đại hội Đảng các cấp và kỷ niệm 75 năm ngày thành lập ngành Thanh tra Việt Nam (23/11/1945 - 23/11/2020), Thanh tra Nam Giang đề cao vai trò của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo; vai trò của HĐND trong việc giám sát; của Hội đồng Tư vấn pháp luật và sự phối hợp chặt chẽ của Mặt trận, các đoàn thể. Đặc biệt là việc tham mưu của các ngành chức năng trong việc phối hợp với các cấp, ngành giải quyết dứt điểm các vụ việc đúng quy định, kết quả giải quyết có hiệu lực pháp luật phải được triển khai thực hiện nghiêm túc.

Tăng cường theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kết luận, kiến nghị xử lý sau thanh tra và phấn đấu thu nộp ngân sách Nhà nước đạt tỷ lệ 100%; kiên quyết xử lý hành chính, kinh tế đối với đối tượng chây ì.

Phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan hành chính Nhà nước và các đoàn thể kịp thời giải thích, giải quyết tại chỗ những ý kiến phản ánh, kiến nghị, KN,TC qua tiếp dân; chú trọng thực hiện tốt hòa giải ở cơ sở, đảm bảo kiểm soát được tình hình đơn thư phát sinh, không để xảy ra “điểm nóng” về khiếu kiện...

Ngọc Phó