Thường xuyên tổ chức các khoá bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra

Trong số kiến nghị do Ban Dân nguyện chuyển đến có 21 kiến nghị tiếp thu, giải trình, cung cấp thông tin và 2 kiến nghị có thể giải quyết được bằng việc ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật; tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm.

Theo Thanh tra Chính phủ, đối với nhóm kiến nghị tiếp thu, giải trình, cung cấp thông tin, cử tri đề nghị tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống pháp luật về hệ thống phòng, chống tham nhũng (PCTN), lãng phí; bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác PCTN; hướng dẫn thực hiện Quy chế Phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập… Trong thời gian tới Chính phủ sẽ tiếp tục tập trung nghiên cứu cụ thể hóa đầy đủ, kịp thời các chủ trương, giải pháp về PCTN, tiêu cực, lãng phí theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, hoàn thiện thể chế để “không thể tham nhũng". Trọng tâm là hoàn thiện thể chế kiểm soát quyền lực để PCTN tiêu cực trong các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập đảm bảo thực chất, hiệu quả.

Hằng năm, Thanh tra Chính phủ ban hành và triển khai thực hiện Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và PCTN.

Năm 2024, Thanh tra Chính phủ (trực tiếp là Trường Cán bộ Thanh tra) dự kiến tổ chức 29 khóa học bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra cho thanh tra các bộ, ngành, địa phương. Đồng thời tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn chuyên sâu về nghiệp vụ thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và PCTN cho các đối tượng có nhu cầu nhằm đáp ứng thực tiễn công tác của ngành.

Tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Quy chế Phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập; thực hiện Luật PCTN năm 2018 và các văn bản hướng dẫn về kiểm soát tài sản, thu nhập, các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan chức năng đã chủ động tích cực triển khai nghiêm các quy định, đạt được những kết quả tích cực.

Để tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong thực hiện Luật PCTN năm 2018 và các văn bản hướng dẫn, Thanh tra Chính phủ đã thường xuyên tổ chức đa dạng các hoạt động hướng dẫn, tuyên truyền phổ biến pháp luật thông qua các khóa đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng pháp luật để hỗ trợ các bộ, ngành và địa phương tổ chức triển khai công tác kiểm soát tài sản thu nhập.

Ngày 20/12/2023, Thanh tra Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến toàn quốc về công tác tài sản, thu nhập, qua đó đã hướng dẫn, trao đổi kinh nghiệm về công tác kiểm soát tài sản, thu nhập cùng với các bộ, ngành và địa phương.

Trong công tác hướng dẫn, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện Đề án “Xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập", Thanh tra Chính phủ đã ban hành Kế hoạch số 2032/KH-TTCP ngày 8/9/2023 triển khai thực hiện; thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng đề án; đề xuất về việc bổ sung nguồn vốn đầu tư công trung hạn để triển khai đề án.

Pháp luật về bảo vệ người tố cáo ngày càng hoàn thiện hơn

Về việc xem xét nghiên cứu bổ sung cơ chế và những quy định bảo vệ an toàn tuyệt đối với cả nhân và gia đình của người tố cáo đúng, theo Thanh tra Chính phủ, những năm qua, chủ trương xây dựng cơ chế khuyến khích và bảo vệ tổ chức, cá nhân phát hiện tố cáo tham nhũng, lãng phí được Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Nhiều nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước đều có những quy định về bảo vệ người tố cáo và luôn xác định rõ bảo vệ người tố cáo là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Pháp luật về bảo vệ người tố cáo và các lĩnh vực có liên quan hiện nay ngày càng hoàn thiện hơn nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

Các quy định về bảo vệ người tố cáo được quy định rõ ràng, cụ thể về đối tượng, phạm vi bảo vệ, nội dung bảo vệ cũng như quyền của người được bảo vệ. Cùng với đó, việc biểu dương, khen thưởng người có đóng góp trong tố cáo, đấu tranh PCTN đã được thực hiện kịp thời, đúng quy định, được các cơ quan thông tấn báo chí tích cực đăng tải. Nhiều tấm gương có thành tích xuất sắc trong PCTN đã được biểu dương, tôn vinh. Các quy định về khen thưởng đã có những điều chỉnh qua đó tăng cường khuyến khích, phát huy vai trò, trách nhiệm của cá nhân trong tố cáo hành vi tham nhũng.

Qua thực tiễn thực hiện pháp luật về tố cáo và bảo vệ người tố cáo cho thấy, pháp luật về bảo vệ người tố cáo vẫn còn có những hạn chế, bất cập nhất định, các cơ chế và biện pháp bảo vệ người tố cáo còn thiếu thực tiễn; quy định về nhiệm vụ của các cơ quan trong việc bảo vệ người tố cáo còn chưa cụ thể; mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan chức năng và cơ quan, tổ chức có liên quan còn chưa rõ ràng... đã ảnh hưởng đến hiệu quả công tác bảo vệ người tố cáo.

Để khắc phục những hạn chế, bất cập, nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí trong thời gian tới, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, cơ quan chức năng thực hiện nghiêm Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 10/1/2019 của Bộ Chính trị; kiến nghị Chính phủ và các cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật về bảo vệ người tố cáo và tổ chức thực hiện tốt pháp luật về bảo vệ người tố cáo.

Trong thời gian qua, với vai trò là cơ quan đầu mối Thanh tra Chính phủ đã phối hợp tham mưu, đề xuất và tổ chức khen thưởng thường xuyên, định kỳ tới các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác PCTN, tiêu cực như: Đề xuất tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác PCTN tiêu cực nhân dịp tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCTN năm 2005; phối hợp, tham mưu khen thưởng cho các tập thể và cá nhân theo Kế hoạch số 01-KH/BCĐ của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN và Hướng dẫn số 2119/HD-BTĐKT của Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương. Hàng năm, Tổng Thanh tra Chính phủ ban hành các quyết định tặng bằng khen cho các tập thể và cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong công tác PCTN.

Trong thời gian tới, Thanh tra Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho Đảng, Nhà nước và Chính phủ để có cơ chế, chính sách khuyến khích các cơ quan, tổ chức và cá nhân tích cực làm tốt công tác PCTN tiêu cực, đáp ứng tinh thần “xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác PCTN, tiêu cực có bản lĩnh vững vàng, liêm chính, trung thực, có dũng khí bảo vệ cái đúng, đấu tranh với cái sai, có kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng chuyên sâu, năm vững chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới"…

Trả lời kiến nghị của cử tri TP Hải Phòng về việc sớm ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật; tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm... Thanh tra Chính phủ cho biết, ngày 22/12/2023, Tổng Thanh tra Chính phủ ký ban hành Thông tư số 02/2023/TT-TTCP về hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thanh tra huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương.

Tiếp đó, ngày 20/1/2024, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Thông tư số 01/2024/TT-TTCP quy định chế độ báo cáo công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và PCTN thay thế Thông tư số 02/2021/TT-TTCP ngày 22/3/2021. Đồng thời đang triển khai nâng cấp phần mềm hệ thống thông tin báo cáo để phù hợp với thông tư mới và đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Giang Thân