Sắp xếp, tổ chức lại cơ quan thanh tra cho phù hợp

Tại cuộc họp, Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Thanh cho biết Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) bao gồm 9 chương, 114 điều.

Cơ quan TTCP là cơ quan quản lý Nhà nước cao nhất của Chính phủ về lĩnh vực thanh tra và thực hiện quyền thanh tra trong các lĩnh vực thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng; dự kiến thành lập ủy ban thanh tra trong cơ cấu tổ chức của TTCP để thảo luận thông qua các dự thảo kết luận thanh tra đối với các vụ việc phức tạp; tổ chức, sắp xếp lại các cơ quan thanh tra sở, huyện và tỉnh theo đầu hướng thu gọn đầu mối; không thành lập thanh tra huyện…

Thành lập cơ quan thanh tra ở một số tổng cục, cục thuộc bộ; chỉ thành lập thanh tra sở là cơ quan thanh tra chuyên ngành ở một số lĩnh vực có nhu cầu thanh tra cao (tài nguyên và môi trường, tài chính, xây dựng, giao thông - vận tải, y tế, giáo dục, lao động - thương binh và xã hội, nông nghiệp và phát triển nông thôn).

Luật sửa đổi đề cao thẩm quyền, trách nhiệm của bộ trưởng, chủ tịch UBND cấp tỉnh về công tác thanh tra; trách nhiệm kiểm tra của thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước; chống trùng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, giữa thanh tra và kiểm toán và sự phối hợp giữa hoạt động thanh tra và điều tra.

Cân nhắc việc bỏ cơ quan thanh tra huyện

Cho ý kiến tại cuộc họp, đại diện Bộ Nội vụ cơ bản đồng ý với các nội dung đưa ra tại dự thảo.

Đối với đề xuất về thành lập ủy ban thanh tra trong cơ cấu TTCP thì cần cân nhắc để đảm bảo phù hợp với tiêu chí thành lập tổ chức quy định tại Nghị định 123/2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ.

Mặt khác, cần cân nhắc các nội dung tại Điều  38, 39, 40 về tiêu chuẩn bổ nhiệm ngạch thanh tra viên, thanh tra viên chính, thanh tra viên cao cấp để phù hợp với quy định của pháp luật về công chức.

Theo đại diện Bộ Nội vụ, hiện nay theo quy định, các bộ, ngành, địa phương (trong đó có TTCP) có thẩm quyền bổ nhiệm ngạch, nâng ngạch, chuyển ngạch công chức (trong đó có công chức ngành Thanh tra).

Đối với các cơ quan thanh tra theo cấp hành chính, cần nhắc việc bỏ thanh tra cấp huyện với lý do: Cấp huyện là một cấp hành chính trong hệ thống cơ quan Nhà nước của nước ta. Về nguyên tắc quản lý, mỗi cấp cần có công cụ, biện pháp thanh tra, kiểm tra để phục vụ việc quản lý điều hành của cấp huyện gặp khó khăn.

“Hiện nay, chúng ta đang thực hiện việc tinh gọn đầu mối, tinh gọn bộ máy, thì việc sửa đổi quy định các cơ quan chuyên môn cấp huyện thì sẽ là mô hình mở, linh động. Nghĩa là chỉ giao về số lượng các phòng chuyên môn, còn cụ thể những phòng nào sẽ do cấp huyện quy định dự trên tình hình, đặc thù của mỗi đơn vị. Do đó, việc tinh gọn bộ máy sẽ thực hiện theo quy định chung của pháp luật, mỗi cấp huyện sẽ lựa chọn mô hình của thanh tra sao cho phù hợp. Vì vậy, việc Luật Thanh tra sửa đổi dự kiến bãi bỏ thanh tra cấp huyện cần phải cân nhắc” - đại diện Bộ Nội vụ giải thích.

Cũng theo vị này, việc bỏ thanh tra cấp huyện chuyển nhiệm vụ thanh tra cấp huyện về thanh tra tỉnh thực hiện chỉ phù hợp với những tỉnh, thành phố có diện tích nhỏ, ít đơn vị cấp huyện, cấp xã. Nếu địa phương có diện tích lớn, địa bàn hiểm trở, đơn vị cấp huyện, xã nhiều thì việc bỏ thanh tra cấp huyện là không phù hợp do thanh tra tỉnh sẽ không đủ nhân lực, điều kiện để tổ chức thanh tra thường xuyên, đình kỳ đối với các huyện, xã…

Đồng quan điểm với đại diện Bộ Nội vụ, đại diện Thanh tra Hà Nội băn khoăn việc bỏ thanh tra huyện, không tổ chức thanh tra chuyên ngành ở một số sở.

“Một số tỉnh, thành, số đầu công việc rất lớn, nếu bỏ cấp huyện thì ai làm. Đơn cử, Thanh tra Hà Nội, trong năm 2020 thực hiện 46 đoàn thanh tra, gần 900 vụ việc khiếu nại, tố cáo và 900 vụ việc rà soát khác. Mặt khác, hiện nay xử phạt hành chính là thanh tra hành chính, nếu như khi đẩy nhiệm vụ về thanh tra tỉnh thì thanh tra tỉnh có thực hiện nhiệm vụ xử phạt đó không, thanh tra cấp tỉnh làm được không? Cái này rất khó. Vì vậy, cơ quan soạn thảo nên cân nhắc vấn đề này” - đại diện Hà Nội nói.

Làm rõ vai trò, chức năng ủy ban thanh tra

Đại diện Bộ Tư pháp tán thành cao việc đổi mới công tác thanh tra, theo hướng chiều sâu, tập trung. Đồng thời, cho rằng, các thiết chế liên quan đến hoạt động thanh tra trong dự thảo cần phải được quy định bài bản, các vai trò thiết chế tham gia hoạt động thanh tra phải xác định rõ ràng: Cơ quan thanh tra như thế nào? Đoàn thanh tra có trách nhiệm ra sao? Các cơ quan, đơn vị tham mưu cho thủ trưởng cơ quan thanh tra thực hiện chức năng như thế nào? Phân định hoạt động trong đoàn thanh tra ra sao…

Liên quan đến ủy ban thanh tra, vị này cho biết trong luật chưa làm rõ vị trí vai trò của thiết chế này. Về mặt tổ chức, chúng ta đang đơn giản hóa các tổ chức của toàn ngành Thanh tra, nhưng lại thành lập một thiết chế mang trung gian và hiện nay theo quy định thì đang tối giản các hoạt động của ủy ban và thẩm quyền của bộ trưởng không có quyền thành lập ủy ban.

Tuy nhiên, trong dự thảo luật lại dự kiến thành lập ủy ban thanh tra trong cơ cấu tổ chức của TTCP để thảo luận thông qua các dự thảo kết luận thanh tra đối với các vụ việc phức tạp thì trình tự hoạt động của thiết chế này như thế nào? Vị trí nó trong mô hình thanh tra ở đâu? Chức năng, nhiệm vụ quyền hạn?

Đại diện Bộ Tư pháp đặt câu hỏi: Ủy ban trong cơ cấu tổ chức TTCP để là thiết chế giúp việc cho Tổng Thanh tra hay là thiết chế mang tính chất thay cho trách nhiệm của Tổng Thanh tra trong việc ban hành các kết luận thanh tra? Nếu như vậy thì cần xác định lại cho rõ vai trò, trách nhiệm của Tổng Thanh tra.

“Nếu tất cả các kết luận của TTCP thực hiện mà hiện nay không phải do Tổng Thanh tra ra kết luận nữa mà do uỷ ban này thì đây là đổi mới rất lớn về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của Tổng Thanh tra thì cơ quan soạn thảo cần xác định kỹ càng, rõ ràng trong luật”.

Đồng quan điểm, đại diện Văn phòng Chính phủ cho rằng, cần cân nhắc ủy ban thanh tra khi ban hành kết luận thanh tra. Thực tế trước mỗi kết luận thanh tra, Tổng Thanh tra tra cần một cơ quan để tham vấn trước khi ban hành kết luận cuối cùng là cần thiết. Đối với các vụ việc thanh tra mang tính chất phức tạp thì Tổng Thanh tra có quyền đề nghị các cơ quan liên quan để có ý kiến trước khi Tổng Thanh tra có kết luận chính thức.

Mặt khác việc thành lập ủy ban thanh tra trong cơ cấu tổ chức của TTCP cần phù hợp với các quy định khác. Về nguyên tắc thì Tổng Thanh tra vẫn là người chịu trách nhiệm cao nhất về nhiệm vụ được giao, do đó Tổng Thanh tra là người cuối cùng ký kết luận thanh tra.

Tuy nhiên, đối với vụ việc thanh tra phức tạp, Tổng Thanh tra đề nghị cơ quan liên quan cho ý kiến trước khi kết luận chính thức.

Về tổ chức ban tiếp công dân là cần thiết, tuy nhiên theo quy định của Luật Tiếp công dân hiện nay thì Ban Tiếp công dân Trung ương thuộc TTCP, ban tiếp công dân tỉnh, huyện thuộc UBND cùng cấp. Vì vậy, trong thời gian tới cần sửa đổi Luật Tiếp công dân để phù hợp.

Việc chống chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, giữa thanh tra và kiểm toán, đại diện Văn phòng Chính phủ đề xuất cơ quan soạn thảo làm rõ, phân tích, đánh giá, chỉ rõ hơn về hoạt động thanh tra trong thanh tra và giữa thanh tra và kiểm toán…

Phát biểu kết luận, Tổng Thanh tra đánh giá cao các ý kiến góp ý của Ban Soạn thảo vào Dự thảo Luật Thanh tra sửa đổi. Đồng thời đề nghị Tổ Biên tập cần tiếp thu các ý kiến góp ý tại cuộc họp và hoàn chỉnh Tờ trình Dự thảo Luật theo kế hoạch.

Thái Hải