Việc tinh giản biên chế nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức; thu hút những người có đức, có tài, có năng lực vào làm việc trong hoạt động công vụ, đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, tiết kiệm kinh phí ngân sách, giảm chi thường xuyên, cải cách tiền lương, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy và nâng cao chất lượng công chức theo quy định của Đảng và Nhà nước tạo tiền đề cho sự phát triển ổn định và bền vững của nền công vụ.

Việc tinh giản biên chế phải được thực hiện công khai, dân chủ, đúng đối tượng, không làm ảnh hưởng đến tư tưởng, đời sống của công chức, viên chức. Thực hiện nghiêm túc nguyên tắc, trình tự và chính sách tinh giản biên chế theo đúng quy định của pháp luật.

Gắn tinh giản biên chế với sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm, phù hợp với năng lực của công chức.

Thực hiện việc đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của công chức một cách khách quan, trung thực, đúng người, đúng việc để làm căn cứ thực hiện tinh giản biên chế.

Đối tượng tinh giản biên chế là công chức, viên chức thuộc Thanh tra Chính phủ.

Về tiêu chí đánh giá thực hiện tinh giản biên chế theo kế hoạch, công chức thuộc đối tượng dôi dư do rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân sự theo quyết định của Tổng Thanh tra Chính phủ; dôi dư do cơ cấu lại cán bộ, công chức theo vị trí việc làm, nhưng không thể bố trí, sắp xếp được việc làm khác hoặc bố trí được việc làm khác nhưng cá nhân tự nguyện tinh giản biên chế và được Tổng Thanh tra Chính phủ đồng ý; chưa đạt trình độ đào tạo theo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ quy định đối với vị trí việc làm đang đảm nhiệm, nhưng không có vị trí việc làm khác phù hợp để bố trí và không thể bố trí đào tạo lại để chuẩn hóa về chuyên môn, nghiệp vụ hoặc được cơ quan bố trí việc làm khác nhưng cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được Tổng Thanh tra Chính phủ đồng ý.

Có 2 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế, cán bộ, công chức có 1 năm xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành nhiệm vụ và 1 năm không hoàn thành nhiệm vụ nhưng không thể bố trí việc làm khác phù hợp; trong năm trước liền kề hoặc trong năm thực hiện xét tinh giản biên chế xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành nhiệm vụ trở xuống nhưng cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành nhiệm vụ trở xuống nhưng cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được Tổng Thanh tra Chính phủ đồng ý.

Có 2 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế mà trong từng năm đều có tổng số ngày nghỉ làm việc bằng hoặc cao hơn số ngày nghỉ tối đa do ốm đau theo quy định tại khoản 1 Điều 26 Luật Bảo hiểm xã hội, có xác nhận của cơ quan Bảo hiểm xã hội chi trả trợ cấp ốm đau theo quy định hiện hành của pháp luật; trong năm trước liền kề hoặc trong năm thực hiện xét tinh giản biên chế có tổng số ngày nghỉ làm việc bằng hoặc cao hơn số ngày nghỉ tối đa do ốm đau theo quy định tại khoản 1 Điều 26 Luật Bảo hiểm xã hội, có xác nhận của cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả trợ cấp ốm đau theo quy định hiện hành của pháp luật, cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được Tổng Thanh tra Chính phủ đồng ý.

Cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý thôi giữ chức vụ, chức danh do sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính theo quyết định của cấp có thẩm quyền, cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được Tổng Thanh tra Chính phủ đồng ý.

Cán bộ, công chức đang trong thời gian bị kỷ luật nhưng chưa đến mức bị bãi nhiệm hoặc bị buộc thôi việc theo quy định của pháp luật tại thời điểm xét tinh giản biên chê, cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế, được Tổng Thanh tra Chính phủ đồng ý.

Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động không xác định thời hạn thực hiện các công việc chuyên môn nghiệp vụ thuộc danh mục vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành và vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung trong đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của Chính phủ dôi dư do sắp xếp lại tổ chức hoặc cơ cấu lại nhân lực của đơn vi theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

Đối tượng thuộc diện tinh giản biên chế mà có nguyện vọng xin nghỉ thì phải làm đơn được cấp có thẩm quyền trực tiếp quản lý đồng ý giải quyết, sau đó gửi về Vụ Tổ chức Cán bộ để tổng hợp.

Vụ Tổ chức Cán bộ tham mưu báo cáo Hội đồng Tinh giản biên chế xem xét trình Tổng Thanh tra Chính phủ quyết định. Trường hợp nếu thuộc Ban Cán sự Đảng quản lý phải báo cáo Ban Cán sự Đảng Thanh tra Chính phủ.

Về tỷ lệ tinh giản theo kế hoạch, trên cơ sở số biên chế được Bộ Nội vụ giao hàng năm (trong đó đã bao gồm tỉ lệ tinh giản), tổng hợp số liệu công chức nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác... để xây dựng tỷ lệ tinh giản, Thanh tra Chính phủ dự kiến số tinh giản biên chế năm 2024 (không bao gồm lao động hợp đồng). Cụ thể, năm 2024, số biên chế được giao là 396, số nghỉ hưu, thôi việc là 37 (trong đó nghỉ hưu 12, chuyển công tác, thôi việc là 0, chưa tuyển đủ là 21, dự kiến tinh giản biên chế khác là 1); số dự kiến tuyển dụng là 17, số dự kiến tinh giản là 4.

Thanh tra Chính phủ giao Vụ Tổ chức Cán bộ tham mưu thành lập Hội đồng Tinh giản biên chế thành phần gồm 1 đồng chí lãnh đạo Thanh tra Chính phủ làm Chủ tịch Hội đồng; 1 đồng chí lãnh đạo Vụ Tổ chức Cán bộ làm Phó Chủ tịch Hội đồng; thành viên Hội đồng là đại diện lãnh đạo cục, vụ, đơn vị và Công đoàn Thanh tra Chính phủ.

Tham mưu thực hiện Kế hoạch, phối hợp với các vụ, cục, đơn vị lập danh sách đối tượng tinh giản biên chế, báo cáo Tổng Thanh tra Chính phủ; phối hợp với đối tượng tinh giản biên chế xác định thời gian công tác làm căn cứ để Văn phòng, Vụ Kế hoạch - Tổng hợp lập dự toán, kinh phí chi trả theo quy định; tổng hợp kết quả, đánh giá tình hình thực hiện tinh giản biên chế thuộc phạm vi quản lý gửi Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính theo quy định.

Thủ trưởng các cục, vụ, đơn vị tổ chức phổ biến, quán triệt, tuyên truyền quy định Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tinh giản biên chế và Kế hoạch này đến toàn thể công chức, viên chức thuộc đơn vị; phối hợp với Vụ Tổ chức Cán bộ và các đơn vị có liên quan để tham mưu, triển khai thực hiện Kế hoạch tinh giản.

Thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp thực hiện việc rà soát, xây đựng kế hoạch tinh giản biên chế theo phân cấp quản lý đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật và phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị; tự đảm bảo kinh phí, chế độ, chính sách với đối tượng tinh giản theo quy định. Định kỳ báo cáo kết quả thực hiện tinh giản biên chế 6 tháng 1 lần vào ngày 30/6 và ngày 31/12 để tổng hợp báo cáo Tổng Thanh tra Chính phủ (qua Vụ Tổ chức Cán bộ).

Giang Thân