Trong đó, kiến nghị nộp ngân sách Nhà nước (NSNN) 452.013 triệu đồng; kiến nghị giảm trừ dự toán, quyết toán kinh phí, không thanh toán 18.444 triệu đồng, kiến nghị khác 1.238.534 triệu đồng.

Căn cứ hồ sơ của các đơn vị thuộc Bộ Tài chính chuyển đến, Thanh tra Bộ Tài chính ban hành 19 quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền với tổng số tiền 444 triệu đồng.

Số tiền đã thu hồi nộp NSNN 20.856 triệu đồng, trong đó, thanh tra chuyên ngành 20.311 triệu đồng, xử phạt vi phạm hành chính 545 triệu đồng.

Đối với công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về thanh tra, theo ông Trường, trong quý I năm 2024, Bộ Tài chính tích cực tham gia sửa đổi, bổ sung, đồng thời tiến hành rà soát và ban hành 21 văn bản mới hướng dẫn về công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; bãi bỏ 02 văn bản hướng dẫn, quản lý, chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ thực hiện các quy định trong công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng; tổ chức 02 lớp tập huấn, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng cho 150 người tham gia.

Theo ông Trường, công tác thanh tra, kiểm tra trong quý I năm 2024 đã đáp ứng kịp thời, hiệu quả theo yêu cầu chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và Bộ Tài chính.

Bộ Tài chính đã kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn các đơn vị thuộc Bộ thực hiện quy định về công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thanh tra Chính phủ.

Các đoàn thanh tra đều chấp hành đúng quy định về trình tự, thủ tục; thành viên đoàn thanh tra, kiểm tra đều chấp hành nghiêm kỷ luật và quy chế. Nội dung thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm; các cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất đã hoàn thành đúng tiến độ, kết quả đáp ứng chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.

Qua thanh tra, kiểm tra đã xử lý nghiêm theo quy định các sai phạm trong công tác quản lý tài chính ngân sách; góp phần chống thất thu NSNN, đồng thời phát hiện và kiến nghị sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách về quản lý tài chính đối với các ngành, lĩnh vực.

Theo Chánh Thanh tra Bộ Tài chính, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thanh tra, kiểm tra còn một số tồn tại sau: Một số cuộc thanh tra còn chậm lưu hành kết luận thanh tra, do một số nội dung kết luận và kiến nghị xử lý phức tạp, cần xin ý kiến tham gia của nhiều cơ quan, đơn vị trong và ngoài ngành tài chính, dẫn đến kéo dài thời gian ban hành kết luận.

Để nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra trong thời gian tới, ông Trường cho biết, Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ:

Thường xuyên bám sát, nắm bắt thông tin để tổ chức triển khai có hiệu quả kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2024 đã được phê duyệt; đồng thời đảm bảo lực lượng dự phòng đối với các cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất. Chủ động thông báo kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2024 cho các đối tượng thanh tra, kiểm tra; xây dựng kế hoạch chi tiết, tiến hành nắm tình hình ngay từ đầu năm 2024. Đảm bảo các cuộc thanh tra thực hiện đúng quy định của Luật Thanh tra.

Đảm bảo hoạt động giám sát đoàn thanh tra theo đúng quy định của của Thanh tra Chính phủ để đảm bảo phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp gây phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực trong quá trình thanh tra, kiểm tra.

Tăng cường theo dõi, đôn đốc thực hiện kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra, làm rõ nguyên nhân việc thực hiện chậm hoặc thực hiện thiếu triệt để, đồng thời có kiến nghị, đề xuất biện pháp khắc phục.

Tăng cường công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa các đơn vị trong ngành Tài chính và giữa Bộ Tài chính với các cơ quan chức năng khác như cơ quan cảnh sát điều tra, Ngân hàng Nhà nước... nhằm ngăn ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt trong lĩnh vực thuế và các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, ma túy và các chất gây nghiện.

Xây dựng đội ngũ cán bộ thanh tra, kiểm tra trong sạch, vững mạnh có khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ trong giai đoạn mới; tăng cường bồi dưỡng bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ sâu và có kỹ năng thanh tra, kiểm tra để đảm bảo lực lượng thanh tra là lực lượng đi đầu trong việc ngăn chặn, phát hiện và xử lý các sai phạm trong ngành Tài chính. Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cán bộ; duy trì và triển khai thường xuyên công tác tập huấn nghiệp vụ thanh tra tài chính cho cán bộ công chức trong Cơ quan Thanh tra Bộ và các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành tài chính…

Trần Quý