Đó là những nội dung quan trọng của Kế hoạch số 21/KH-TTr về phát động phong trào thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và kế hoạch 5 năm (2021 - 2025) theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI và Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng được Thanh tra tỉnh tổ chức thực hiện.

Phong trào thi đua khen thưởng hướng đến mục tiêu phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của ngành, của đơn vị trên các lĩnh vực thanh tra; giải quyết KNTC; PCTN; xử lý sau thanh tra; đồng thời gắn liền với việc thực hiện tốt các nội dung cải cách hành chính, góp phần giữ vững ổn định tình hình an ninh, chính trị và trật tự, an toàn xã hội; thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.

Về thanh tra kinh tế - xã hội, hoạt động thanh tra phải bám sát, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 của tỉnh. Nội dung thanh tra có trọng tâm, trọng điểm; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra. Phấn đấu hoàn thành 100% các cuộc thanh tra theo kế hoạch hằng năm đạt chất lượng và hiệu quả cao; thực hiện kiểm tra, đôn đốc các kiến nghị xử lý sau thanh tra.

Công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC: Tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 18/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC. Triển khai thực hiện đồng bộ các quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết KNTC.

Tập trung giải quyết có chất lượng các vụ việc KNTC từ cơ sở, phấn đấu đạt tỷ lệ trên 85% đối với vụ việc mới phát sinh; tổ chức thực hiện các quyết định giải quyết KN, xử lý TC đã có hiệu lực pháp luật trên 80%.

Tiếp tục kiểm tra, rà soát, có phương án xử lý dứt điểm các vụ việc tồn đọng, kéo dài theo Kế hoạch số 363/KH-TTCP ngày 20/3/2019 của Thanh tra Chính phủ.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về PCTN; thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng theo hướng đi vào thực chất; tăng cường thanh tra, phát hiện xử lý các hành vi tham nhũng; kiên quyết, kiên trì, quyết tâm thực hiện mục tiêu ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng. Triển khai, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, tổng hợp báo cáo kết quả kê khai và công khai tài sản thu nhập, kiểm soát tài sản, thu nhập theo quy định.

Về xây dựng ngành: Tăng cường kỷ luật, kỷ cương; xây dựng tổ chức, bộ máy Thanh tra tỉnh, thanh tra các sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố vững mạnh toàn diện, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tiếp tục xây dựng văn hóa thanh tra, đạo đức nghề nghiệp thanh tra gắn với đạo đức công chức, công vụ, kỷ luật, kỷ cương.

leftcenterrightdel
 Tiếp tục xây dựng văn hóa thanh tra, đạo đức nghề nghiệp thanh tra gắn với đạo đức công chức, công vụ, kỷ luật, kỷ cương. Ảnh: T.Tr

Người dân và doanh nghiệp làm trung tâm

Phong trào thi đua tạo bước đột phá về cải cách hành chính, chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử với mục tiêu lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, nâng cao chỉ số cải cách hành chính.   

Phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan để nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch để thu hút mạnh mẽ các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Qua đó, nâng cao chất lượng công vụ, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động kỷ cương, trách nhiệm, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.

Kế hoạch số 19/KH-TTr của Thanh tra tỉnh phát động phong trào thi đua về cải cách hành chính năm 2021, cho thấy các nội dung như cải cách hành chính, thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, công vụ, văn hoá công vụ; tăng tính dân chủ trong thủ tục hành chính, thực hiện một cửa, một cửa liên thông… nhằm mục tiêu tăng cường chức năng quản lý Nhà nước, phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp.

Trước đó, Thanh tra tỉnh Bình Phước cũng ban hành Kế hoạch số 14 /KH-T.Tr về khảo sát mức độ hài lòng của người dân, tổ chức trong giải quyết thủ tục hành chính năm 2021.

Kế hoạch nhằm đo lường một cách khách quan, chính xác mức độ hài lòng của người dân, tổ chức về sự phục vụ và chất lượng cung cấp TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Thanh tra tỉnh.

Qua đó, các đơn vị, tổ chức nâng cao trách nhiệm, áp dụng công nghệ thông tin nhằm mang lại hiệu quả, nhanh chóng, chính xác để phục vụ người dân, tổ chức trong giải quyết TTHC; thu thập và tổng hợp ý kiến đánh giá của người dân, tổ chức.

Nội dung và hình thức khảo sát mức độ hài lòng được đánh giá như: Tiếp cận dịch vụ, thủ tục hành chính, sự phục vụ của công chức, mức độ hài lòng đối với kết quả giải quyết công việc. Đối tượng khảo sát là các tổ chức, cá nhân đã có giao dịch tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Thanh tra tỉnh trên các lĩnh vực: Tiếp công dân, giải quyết KN,TC và PCTN.

Từ đó, các cơ quan, đơn vị nắm bắt được yêu cầu, mong muốn của người dân, tổ chức để có những biện pháp cải thiện chất lượng phục vụ và cung ứng của cơ quan, nâng cao hơn nữa sự hài lòng của người dân, tổ chức.

Tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Cơ quan Thanh tra tỉnh đồng sức, đồng lòng cùng hệ thống chính trị tại địa phương quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống dịch như: Luân phiên làm việc từ xa nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả về tiến độ, thời gian và chất lượng công việc; phối hợp các cơ quan liên quan tiếp nhận thông tin qua cổng thông tin điện tử để xử lý công việc như: KNTC, phản ánh, kiến nghị… của công dân, tổ chức.

Tuyên truyền cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động nhận thức đầy đủ chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Đinh Mười